Không thể cấm lên đồng

Một giá đồng bình dân tại lễ hội đền Lảnh Giang 2008
Một giá đồng bình dân tại lễ hội đền Lảnh Giang 2008
TP - PGS.TS Bùi Quang Thắng - chuyên gia tổ chức lễ hội, cho rằng, cấm lên đồng là diệt đi một đặc sản văn hóa của dân tộc.

>> Lên Bảo Hà xem hầu bóng

Một giá đồng bình dân tại lễ hội đền Lảnh Giang 2008
Một giá đồng bình dân tại lễ hội đền Lảnh Giang 2008 . Ảnh: N.M.Hà

Là chuyên gia tổ chức những lễ hội lấy lên đồng làm trung tâm, khi lệnh cấm lên đồng có hiệu lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của anh?

Không quan trọng. Không có việc này thì làm việc khác. Chỉ buồn một điều, họ ra một quyết định nhưng không tính đến tác động của nó.

Đến lễ hội đền Kiếp Bạc tôi làm năm 2005, tuy không ai nói với ai, nhưng việc lên đồng gần như đã được khai thông. Giờ lại định cấm. Các tín ngưỡng tôn giáo khác không cấm, trong khi tín ngưỡng tôn giáo dân tộc xịn thì lại cấm.

Biết đâu chính những lễ hội hầu đồng do anh tổ chức đã góp phần dẫn tới ý tưởng cấm cản của nhà quản lý?

Tôi chỉ làm cho lễ hội có tổ chức hơn, vì bản thân lễ hội là các festival lên đồng rồi. Không phải lễ hội nào cũng có lên đồng, nhưng có những lễ hội chuyên về lên đồng như hội đền Đồng Bằng (Thái Bình), đền ông Hoàng Mười (Hà Tĩnh), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Lảnh Giang (Hà Nam), Bảo Hà (Lao Cai), Phủ Giày (Nam Định)…

Còn những lễ hội khác anh chả phải cấm, nó có đâu! Cấm là diệt đi một đặc sản văn hóa rất đáng quý của dân tộc, xứng đáng công nhận thậm chí là một di sản văn hóa.

Những năm 1960 từng cấm lên đồng, mà nó vẫn sống. Hầu đồng trong dịp lễ hội là sinh hoạt rất có tính văn hóa, có chiều dày lịch sử, tạo nên sự kiện cho người dân, chẳng hại gì cả.

Đừng nhầm lẫn gọi hồn hay xem bói của những người có năng lực đặc biệt với hầu đồng. Khác nhau hoàn toàn.

Anh có đóng góp cụ thể gì cho dự thảo thông tư?

Tôi thấy có sự nhầm lẫn đáng tiếc ở chỗ có những thứ rất khác nhau nhưng lại gộp vào một phạm trù. Ví dụ, các sự kiện chính trị không thể quy vào “các loại lễ hội” như trong điều 2 thông tư quy định. Những sự kiện, festival mà các tỉnh chạy được tài trợ để quảng bá cho địa phương mà không lấy ngân sách của nhà nước cũng không phải câu chuyện quá lớn để Quốc hội phải bàn.

Lễ hội truyền thống là sinh hoạt văn hóa hiển nhiên, thường xuyên của cộng đồng. Việc anh ra quy chế cấm đoán phải chăng là do anh lẫn lộn mê tín, hủ tục với tín ngưỡng.

Nhà quản lý có thể giải thích họ chỉ cấm lên đồng mang tính chất mê tín dị đoan? Theo anh làm thế nào để phân biệt lên đồng mê tín dị đoan và không mê tín dị đoan?

Không bao giờ phân biệt được. Không bao giờ thấy ở lên đồng có bói toán, sấm truyền. Đấy là một dạng khác. Gọi hồn (một dạng shaman) không liên quan gì đến tín ngưỡng hầu đồng. Người hầu đồng không hề dám nói thánh nhập vào người. Cùng lắm người ta bảo: Mình chỉ là giá đỡ để thánh đạp qua vai mình đi thôi. Làm gì có chuyện phán truyền.

Thực tế cuối mỗi giá đồng, vẫn thấy người lên đồng trả lời các câu hỏi của con nhang đệ tử?

Đấy là một cách diễn, đóng vai. Và họ toàn nói những điều tốt lành. Chẳng hạn, khai chầu, ông chủ đền bao giờ cũng lên thì thầm với người hầu đồng, và người ta mới nói cho một câu: Năm nay chúc cho nhà đền khang trang, làm ăn tốt đẹp…

Có hẳn một lễ hội để xin ấn mà xin ấn trong lễ hội bây giờ cũng có khả năng bị cấm. Theo anh có nên cấm?

Mỗi lễ hội có cái độc đáo của nó. Cấm làm gì! Tôi cá là không thể cấm được. Bởi nếu anh kiểm tra, anh phạt người ta nhiều lắm 15 triệu, thì người ta tổ chức lễ hội lãi hàng tỉ bạc, chả có vấn đề gì cả. Khi lễ hội đã giao cho cộng đồng quản lý, thì kiểm điểm ai?

Anh thử ước tính thiệt hại kinh tế một khi lệnh cấm lên đồng ở lễ hội ban ra?

Ví dụ lễ hội Kiếp Bạc, tôi biết khoản doanh thu hằng năm từ tiền công đức mà nhà nước có thể kiểm soát được là 11 tỷ đồng. Cán bộ nhân dân ở xã thu các khoản khác không tính. Ông bà đồng vui tính lắm, phấn khởi là phát tiền thoải mái. Các bạn đến thấy đời sống vùng đấy rất khá.

Việc làm ăn đã thành hệ thống. Đã có hầu đồng phải có cung văn, làm vàng mã, bán lễ vật, các dịch vụ xung quanh. Nếu tính thiệt hại kinh tế không biết bao mà kể. Đánh vào đấy là đánh vào chính đời sống của nhân dân.

Dự thảo thông tư về quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ công cộng cũng cấm “phục hồi hủ tục trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Một chuyên gia về văn hóa như anh có thể giới hạn khái niệm “thuần phong mỹ tục Việt Nam”?

Khái niệm này hoàn toàn mang tính chủ quan. Cái mà hôm qua anh cho là lạc hậu và muốn bỏ đi, thì đến ngày kia lại thành đặc sản văn hóa. Ví dụ xiên lình (xiên lình - hành động của những người có khả năng đặc biệt, chịu được những nỗi đau cơ thể như xiên vật nhọn vào má) có thời ta bảo là mê tín dị đoan, lừa đảo và cấm. Nhưng khi kinh tế phát triển, đời sống nâng lên, khách du lịch vào, thì lại là sản phẩm du lịch độc đáo.

Giá trị của văn hóa phi vật thể không phụ thuộc vào nhận định của bất kỳ ai, mà tùy thuộc nhu cầu của người tiêu dùng. Thời kỳ này họ thích tiêu dùng loại hàng hóa này, đến thời kỳ khác thích loại hàng hóa khác. Ai có thể khẳng định cái này giá trị, cái kia phản giá trị? Thuần phong mỹ tục là gì?

Tôi cho rằng không được đưa vào văn bản pháp quy những khái niệm có tính chất hoa mỹ như thế. Pháp quy là phải: 1. Cấm cái A. 2. Cấm cái B. 3. Cấm cái C. Không bao giờ lại cấm cái “trái với thuần phong mỹ tục”.

Nhìn ra các nước, có luật nào cấm cái trái với thuần phong mỹ tục đâu? Ngay như xóc thẻ, như một trò chơi cho vui, đảm bảo chả có lá thẻ nào xấu cả. Cái này Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản làm rầm rầm, sao Việt Nam lại cấm?

MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.