Có thể nói Phạm Quỳnh - nguyên chủ bút tạp chí Nam Phong (có tài liệu cho rằng do trùm mật thám Pháp Marty bảo trợ), nguyên Ngự tiền Văn phòng, nguyên Thượng thư Bộ Học rồi Bộ Lại triều đình Bảo Đại là người của một thời. Với cương vị là chủ bút tạp chí Nam Phong, những hoạt động sôi nổi của ông trên lĩnh vực báo chí và truyền bá, phổ biến, phát triển, làm phong phú thêm cho ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam, chuyển tải, giới thiệu trên văn đàn văn hóa Đông - Tây cùng vai trò Tổng thư ký Hội Khai trí tiến đức khiến ông là nhân vật khá nổi bật ở Việt Nam những năm 20 thế kỷ trước. Mặt khác, tư tưởng Pháp - Việt đề huề, chủ trương hướng tới độc lập nhưng cùng chung sống với Pháp (mà có người đánh giá là một kiểu yêu nước không đi tới đâu) khiến cho tới nay vẫn còn nhiều người cho rằng ông thân Pháp, thậm chí phục vụ cho chính sách thực dân của Pháp.
Nhìn chung, cho tới nay, Phạm Quỳnh là một nhân vật còn ít được nói đến và thông tin về ông khá nhiều góc độ, nhiều mâu thuẫn. Trong bối cảnh đó, tác giả Khúc Hà Linh và Nhà xuất bản Thanh niên cho ra mắt cuốn sách “Phạm Quỳnh – Con người và thời gian” (*) là một cố gắng soi rọi lại một nhân vật, và ít nhiều, một giai đoạn lịch sử, hoặc chí ít là một số biến cố của nó. Tác giả đã đi ngược sâu về lịch sử làng cổ Hoa Đường ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương nơi trong làng trước sau có đến 12 vị đỗ tiến sĩ (8 văn, 4 võ)trong lịch sử khoa bảng phong kiến để làm rõ khả năng thiên bẩm và cội rễ văn hóa khiến cho cậu bé Phạm Quỳnh nhà nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ có thể đỗ đầu trường Thông ngôn, đi làm ở Viện Viễn Đông Bác Cổ khi mới 16 tuổi, trở thành chủ bút uyên bác của tạp chí Nam Phong nổi tiếng khi mới 25 tuổi, đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ, dùng tiếng Việt thay chữ Nho, chữ Pháp để viết lý luận, nghiên cứu...
“Phạm Quỳnh, con người và thời gian” chưa phải là một cuốn nghiên cứu mà như lời tác giả “chỉ chắp nối các sự kiện của cuộc đời ông, giới thiệu về mảnh đất quê hương, gia đình, dòng họ” để bạn đọc hiểu việc hình thành tính cách, con người Phạm Quỳnh. Tuy vậy, cuốn sách mỏng (chưa đầy 200 trang) này cho chúng ta thấy đôi chút mặt bị che khuất lâu nay của con người Phạm Quỳnh với tư cách là một nhân vật hoạt động chính trị, xã hội và văn hóa. Chẳng hạn, ngoài phát ngôn nổi tiếng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, ông còn có nhiều câu viết, câu nói đặc biệt khác thể hiện rõ tư tưởng của ông. Như: “Dân tộc Việt Nam không thể là một thứ giấy trắng. Chúng tôi là một quyển sách dầy đầy chữ viết bằng thứ mực không phai từ mấy mưới thế kỷ nay. Quyển sách ấy có thể đóng theo kiểu mới, cho phù hợp với thời trang, nhưng không thể mang một thứ chữ ngoài in lên dòng chữ cũ. Vấn đề là làm thế nào để tiếp nhận học thuật cao thượng mà không bị mất giống, không còn quốc tính, biến thành một dân tộc vô hồn”. (Phát biểu trước Ban luận lý chính trị Viện Hàn lâm Pháp, năm 1922).
Hay như: “Nước Nam ta mấy mươi thế kỷ theo học nước Tàu, chỉ mới là một học trò khá, chưa hề dám thoát cửa thày mà lập môn hộ riêng... Anh hùng ta có, liệt nữ ta có, danh sĩ cao tăng ta cũng có, nhưng mà trong cõi học nước ta, cổ kim chưa có người nào sáng khởi, phát minh ra những tư tưởng mới, thiết lập ra những học thuyết mới, đủ có cái “vẻ” một “nhà” như bách gia chư tử bên Tàu xưa... Ta học của Tàu mà chỉ học thuần một phương diện cử nghiệp, là cái học thô thiển, không có giá trị về nghĩa lý tinh thần cả. Mài miệt về một đường đó trong mấy mươi đời, thành ra cái óc tê liệt đi mà không sản xuất ra được tư tưởng gì mới lạ. Nói như thế không phải bội bạc với tổ tiên (...). Ta vẫn có nước, nước ta vẫn có tiếng là ham học, nhưng cả nước ta ví như một cái trường học lớn, cả năm thầy trò chỉ cùng nhau ôn lại mấy quyển giáo khoa cũ, hết năm này lại đến năm khác, già đời mà vẫn không khỏi cái tư cách làm trò”.
Cuốn sách cũng chứa nhiều sự kiện, sự việc lịch sử, chẳng hạn việc Phạm Quỳnh từng gặp và ăn cơm với Nguyễn Ái Quốc ở Paris (ghi rõ trong cuốn nhật ký còn giữ được của ông), đánh giá chừng mực của Bác Hồ về ông hay như chuyện cái chết của ông do một tập hợp hoàn cảnh ngẫu nhiên, hoàn toàn khác với một số đồn đại bấy nay...
Chắc chắn phải có những nghiên cứu nghiêm túc, công phu để đánh giá chính xác về con người và những gì Phạm Quỳnh đã làm. Cuốn sách “Phạm Quỳnh, con người và thời gian” chỉ là một bước đi trong quá trình đó.
(*) “Phạm Quỳnh, con người và thời gian”, NXB Thanh Niên, tháng 6/2010.
Ngày 12-6-2010 vừa qua, Đài Phát thanh Truyền hình và Hội Nhà báo Hải Dương đồng tổ chức cuộc toạ đàm “Học giả Phạm Quỳnh và Báo Nam Phong” với sự tham dự của các giáo sư: Văn Tạo - nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Huệ Chi - nguyên chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Văn học; Nguyễn Đình Chú; tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan vv... Với 15 lượt phát biểu ý kiến, đã toát lên: Phạm Quỳnh và Nam Phong đã có đóng góp rất đáng kể trong việc chuyển tải văn hoá phương Tây vào Việt Nam và tiếp thu những giá trị văn hoá để hội nhập làm cho ngôn ngữ nước nhà càng phong phú và không làm mất đi vẻ đẹp của tiếng Việt; Phạm Quỳnh yêu nước trong điều kiện của ông, bằng cách suy nghĩ của ông. Ông muốn tài bồi một nền quốc văn quốc học theo phương pháp lấy cái tốt đẹp của phương Tây, để bổ sung với cái tốt đẹp của phương Đông, cụ thể là Việt Nam. Khúc Hà Linh |