Quanh chuyện chọn quốc hoa: Không thể chọn cả cụm

Quanh chuyện chọn quốc hoa: Không thể chọn cả cụm
TP - Đã nói quốc hoa là nói loài hoa tiêu biểu cho đất nước đó. Đây không phải chuyện ra vườn hái một bó hoa cắm vào lọ của nhà mình theo sở thích riêng, mà là loài hoa đại diện cho tinh thần dân tộc, văn hóa dân tộc.
Hoa sen
Hoa sen . Ảnh: Hồng Vĩnh
Bạn chọn hoa nào làm quốc hoa?
  •   Hoa Sen
  •   Hoa Đào
  •   Hoa Mai
  •   Loài hoa khác
  •   Không cần quốc hoa
    

Nếu chọn đào- sen-mai làm đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam thì quốc hoa chẳng hóa là biểu tượng của Mặt trận Tổ quốc hay sao?

Tác giả Đông A (Sao không là đào - sen - mai, Tiền Phong số 173) muốn có một tập thể ba loại hoa đại diện. Và để củng cố ý kiến của mình tác giả nêu, Trung Quốc từ dự kiến nhị quốc hoa (mẫu đơn-mai) đến tứ quốc hoa (mẫu đơn - mai - cúc - súng) hoặc ngũ quốc hoa (mẫu đơn- mai- lan- cúc- súng). Không thể chọn bộ ba để giành việc đi trước họ trong sáng tạo. Còn việc đa hoa trong quốc hoa thì tác giả Thủy Trúc (Tiền Phong số 169) đã cung cấp cho chúng ta biết, người Indonesia chọn đến ba loại hoa làm quốc hoa, họ sáng tạo bộ ba từ năm1990. Ta có đua thì cũng chạy sau cả thập kỷ.

Thiết nghĩ, chọn quốc hoa phải dựa trên nhiều yếu tố khách quan từ thực tế đến văn hóa của dân mỗi nước. Đây không phải cuộc đua tranh. Việc này không vội được, mà cần đưa dự kiến, thu nhận phản hồi của người dân trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng.

Ý kiến cho rằng nên chọn đào, đào đại diện xứng đáng vì nó nằm ở thủ đô, nghe cũng không ổn. Đã là quốc hoa thì phải không lạ lẫm với người dân mọi miền. Còn mai thì ở Bắc có mai trắng, Nam có mai vàng, thêm mai tứ quý, nhưng các loại hoa này không phổ thông và cũng chỉ định ở từng vùng miền.

Tác giả Đông A cho rằng, người Ấn Độ đã chọn sen làm quốc hoa, nếu ta muốn làm phiên bản mờ nhạt thì đi mà chọn sen. Thiết nghĩ, chẳng nên hờn dỗi cực đoan thế. Bởi theo tác giả, hoa sen trong tâm thức Ấn Độ (Hindu) là thứ hoa thần thánh, linh thiêng. Còn với dân ta, hoa sen gần gũi với mọi nguời (nhất là nông dân) cả ba miền.

Nói như Chuyện về sen (Đỗ Đức, Tiền Phong số 173) thì sen thực là quý: Sen có mặt ở khắp ba miền tổ quốc. Dân Nam ta là dân lúa nước. Sen giống lúa, kết hoa từ bùn đen. Lúa cho cái ăn, sen cho sắc thái văn hóa. Sen cao sang mà lại bình dị, gần gũi. Sen đã vào văn hóa Việt trong các trang trí, không bị lẫn với bất cứ loại hoa nào. Hơn nữa hình ảnh sen dễ vẽ, biểu trưng sen càng trở nên gần gũi với dân tộc ta.

Viết đến đây tôi chợt nhớ câu thơ trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi: Nước Việt Nam từ máu lửa/rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Đó là hình ảnh sen, hình ảnh một dân tộc bất diệt.

Có nên chọn hoa lúa?

Mới đây có tờ báo viết bài đề nghị chọn hoa lúa làm quốc hoa. Tôi thấy không nên, vì những nguyên nhân sau:

Lúa là cây lương thực. Mục đích trồng lúa là để thu hoạch thóc gạo. Do vậy dù hoa lúa có đẹp đến mức nào cũng không ai lấy việc trồng lúa để thưởng thức hoa.

Đem hoa lúa làm đối tượng thẩm mỹ, coi như hoa là đã chuyển đổi mục đích trồng lúa. Việc chuyển đổi này rất hệ trọng và đem lại hệ quả không mấy hay ho trong mắt thế giới, bởi vì lương thực và an ninh lương thực là vấn đề toàn cầu, lấy lúa làm hoa là hình thức rẻ rúng vấn đề lương thực của cây lúa.

Hoa lúa là tên gọi trong tiếng Việt hiện đại. Tên truyền thống của nó có lẽ là bông, đòng đòng. Tên truyền thống cho thấy hoa lúa trong truyền thống văn hóa không phải là đối tượng thẩm mỹ như hoa. Hay nói cách khác, hoa lúa chưa bao giờ được coi là thứ hoa để thưởng lãm. Canada lấy biểu tượng lá phong, không vì lá phong không phải là hoa, mà vì lá phong được coi như là một thứ hoa.

Quốc hoa trước hết phải là hoa, một đối tượng thẩm mỹ, hơn là một đối tượng sinh sản. Và đối tượng thẩm mỹ đấy phải có bề dày trong truyền thống và văn hóa của dân tộc.

MỚI - NÓNG