Một số tờ báo xưa. |
Theo ông, báo chí quốc ngữ giai đoạn nào phát triển rực rỡ nhất?
Báo chí nảy nở một cách tự nhiên, “hoang dại” nhất chính là thời kỳ 1930-1945. Chỉ có điều kỹ thuật in ấn thời này hạn chế, giấy in thiếu, nhiều báo phải dùng loại giấy xấu. Rồi tình trạng nhà in thiếu chữ, thậm chí nhảy chữ cũng ảnh hưởng chất lượng trang in. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu sinh đến Việt Nam, đều nhận xét rằng báo chí thời kỳ này phát triển đa dạng, phong phú về nội dung.
Còn báo chí hiện đại thì sao?
Báo chí Việt Nam từ đầu thế kỷ 21, kỹ thuật, hình thức thuận lợi hơn, màu sắc sặc sỡ hơn. Tuy nhiên, nét đồng nhất không đáng mong muốn giữa các tờ báo nổi trội hơn nét độc đáo, sáng kiến riêng. Bây giờ giọng điệu của người làm báo không nổi bật nữa, không thấy khuôn mặt của nhà báo.
Ông có thể nói rõ hơn về nhận định của ông trong tọa đàm, rằng hiện nay báo chí đánh mất vai trò chuyển tải văn học đến đời sống?
Có lẽ do báo chí bây giờ được chuyên môn hóa cao, nên để nhiệm vụ đó lại cho văn chương. Ngoài các tờ chuyên biệt, thỉnh thoảng các tờ báo xã hội, chính trị có đăng tải vài bài thơ, truyện hay ký. Nhưng không phải cách tham gia chuyển tải văn học như các tờ báo thời xưa. Nhật báo xưa thường chọn đăng đều kỳ các truyện dài, tiểu thuyết, vừa thu hút độc giả vừa góp phần giới thiệu tác phẩm trước khi in thành sách.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân . |
Nhưng nhiều người cho rằng, muốn tìm hiểu văn chương có thể lên mạng đọc?
Nếu nghĩ đến mạng như một phương tiện, tôi vẫn cho rằng cách làm xưa là tập quán tốt. Tại sao chúng ta bỏ qua phương thức truyền thống? Hơn nữa, nhiều đối tượng bình dân không thể tiếp cận với mạng, người ta vẫn đến với cách đọc quen thuộc.
Ông thấy trang văn hóa, văn nghệ trên báo hiện nay thế nào?
Tôi không biết có phải do bản sắc của Việt Nam hay không, nhưng nội dung thường giống nhau, hơi nhạt, ít đặc sắc. Những tờ chuyên về văn học và có truyền thống đôi khi chọn tác phẩm đăng vì tính an toàn, chưa có tính vấn đề.
Phải chăng báo chí hiện đại “đánh rơi” nhiều kinh nghiệm quý từ thời xưa?
Đặc biệt là sự phong phú về giọng điệu báo chí. Bây giờ rất ít báo cười. Ngày xưa báo thường tổ chức rất giỏi các góc cười, giọng điệu phong phú hơn. Tuy nhiên, báo chí hiện đại cũng có nhiều bước tiến. Rút tít ngắn gọn hơn (đặc biệt ở các báo có nghề), ngôn ngữ ngắn gọn hơn.
Ông nghiên cứu sâu về Phan Khôi, ngoài ra ông còn say mê nghiên cứu những ai?
Tôi nghiên cứu văn học qua báo chí, từng có nhiều hoạt động sưu tầm liên quan lịch sử báo chí, văn học, nhờ thời gian dài làm công tác xuất bản ở Hội Nhà văn. Năm 1993, tôi bắt đầu bằng việc làm bộ sưu tập tạp chí Tiên Phong (1945-1946). Sau đó, tiếp tục với việc in lại Tạp chí Văn nghệ (1948-1954) của Hội Văn nghệ VN. Nhà báo Hữu Nhuận là người hợp tác tích cực với tôi.
Về các tác giả, tôi có những sưu tập dư luận quanh văn nghiệp của Vũ Trọng Phụng và một tập các tác phẩm đầu tay của ông (Chống nạng lên đường). Tôi còn sưu tập tác phẩm của nhà phê bình Lê Thanh, sưu tập các tác phẩm của Vũ Bằng. Từ 1992 nhân kỷ niệm 60 năm Thơ mới, tôi cùng nhà thơ Ý Nhi thực hiện các sưu tập Thơ mới.
Nhà báo mà tôi chuyên tâm nghiên cứu để khôi phục, hệ thống hóa lại tác phẩm là Phan Khôi. Từ năm 2003 đến nay, tôi xuất bản Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo các năm 1928, 1929, 1930, 1931, 1932 cùng cuốn Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn. Khoảng 5.000 trang của Phan Khôi được tái xuất bản. Công việc này tôi tiếp tục trong thời gian tới.
Sáng 16-6 tại Thư viện Hà Nội, nhân triển lãm báo chí xưa và hiếm, các diễn giả nổi tiếng Lại Nguyên Ân, Đỗ Quang Hưng, Dương Trung Quốc nói thêm về quá trình hình thành và phát triển báo chí quốc ngữ từ 1865-1954. Các diễn giả cho rằng, sau khi tờ Gia Định báo ra mắt ở miền Nam năm 1885, báo chí phát triển mạnh nhờ được đưa ra Bắc Kỳ. Độc giả được cung cấp thêm thông tin về vai trò của một số nhà tiên phong: Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh. |