“Không ai có thể cười giễu cái mới”

“Không ai có thể cười giễu cái mới”
TPCN - Sau một năm có vẻ trầm lặng, nhà thơ - đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn đã làm náo động Nhà hát Tuổi Trẻ từ 4 Tết Bính Tuất đến nay bằng chùm hài kịch mới Internet về làng
“Không ai có thể cười giễu cái mới” ảnh 1
Cảnh trong chùm hài kịch “Internet về làng”

Chương trình do NSƯT Chí Trung dàn dựng, một chương trình hài đặc sắc, thâm thúy, luôn “cháy vé” từ khi mới tung ra. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đỗ Minh Tuấn về những tiếng cười của anh.

Nghe nói anh vẫn hay đến nhà hát xem lại chương trình Internet về làng của mình với một sự say mê?

Vâng, ngay từ Đời cười 3 tôi cũng hay đến xem các buổi công diễn, có khi chỉ ghé qua nửa giờ, có khi xem từ đầu. Một phần vì đến để gặp những bè bạn mình mời đi xem, nhưng cái chính là tôi thích nghe khán giả cười.

Để rút kinh nghiệm viết những hài kịch mới ?

(cười) Cũng không hẳn thế! Tôi không nhăm nhăm vào một cái đích rõ ràng như vậy. Tôi có niềm vui tắm trong tiếng cười của công chúng, như đứa trẻ được vùng vẫy trong sóng biển. Khi say sưa tắm biển ta có định mò cua bắt ốc gì đâu!

Nếu như các tác phẩm hài thanh tẩy được tâm hồn người xem, thì tiếng cười tán thưởng của người xem lại thanh tẩy tâm hồn tác giả. Mỗi buổi xem cùng như vậy tôi thấy yêu khán giả hơn và trân trọng họ hơn.

Không có gì hạnh phúc bằng mình trở thành bạn tri kỷ của công chúng, pha trò cho họ cười như cùng bè bạn ngồi tán phét trong một bữa nhậu chân tình…

Nhưng Internet về làng đâu phải một cuộc tán phét? Đúng là nó đã làm cho mọi lứa tuổi cùng cười, từ em bé ba bốn tuổi đến các cụ già từng trải đều cười ngặt nghẽo, nhưng nó có vẻ như một ẩn dụ, một cuộc đại phẫu về xã hội thời đổi mới với những chuyện cười ra nước mắt?

Đời sống xã hội buổi giao thời chuyển từ cuộc sống khép kín của làng quê sang hội nhập toàn cầu hóa tự nó có những chuyện cười ra nước mắt như vậy.

Cũng giống như thời Âu hóa đầu thế kỷ 20 đã đẻ ra những Xuân tóc đỏ, những cô Kếu tân thời.

Cười giễu việc hợp tác quốc tế chữa ngọng, việc sáng chế mốt áo quan kết hợp đầu rồng và đuôi Apolo, việc đưa Internet về nông thôn… có người cho rằng Internet về làng cười giễu cái mới?

Không ai có thể cười giễu cái mới. Chỉ có thể cười cái cũ, lật tẩy những cái cũ tiếp tục biến hình, ẩn núp để “kéo dài tuổi thọ” trong cái vỏ mới mà thôi. Marx đã định nghĩa hài kịch là cuộc chia tay vui vẻ của nhân loại với cái cũ.

Cái làm người ta buồn cười là ở sự lắp ráp cơ giới cái chất làng xã thịt chó mắm tôm, láu cá khôn vặt và chộp giật với những chương trình quốc tế tân tiến nhất.

Lắp đầu rồng vào Apolo cũng là một kiểu ghép nối cơ giới tự nó là hài hước.

Cái mẹo “nương theo tiếng Tây để dạy ngược lại tiếng ta” trong Chữa ngọng có thể hiểu là dựa theo cái mới để chấn chỉnh cái cũ không?

Đó cũng chỉ là cái tứ vui vui hài hước nhằm làm bật lên cái thực tế vọng ngoại, sính ngoại nặng nề, dẫn đến việc phải lấy cái của người làm chuẩn để khôi phục lại những giá trị thiêng liêng đích thực của chính mình, những giá trị đã bị mất, bị quên.

Cũng là dĩ độc trị độc vậy. Và cũng là cái thông minh theo kiểu Việt Nam.

Vậy cười ra nước mắt ở đây là gì? Có phải đó là số phận con người không những không bị tiếng cười vùi lấp, mà còn hiện rõ hơn?

Quả thực khi xem cùng khán giả, sau những trận cười, đêm nằm nhớ lại, tôi cũng thấy thương thương những người nông dân nghèo, hồn nhiên, láu lỉnh nhưng chất phác và tốt bụng.

Sau bao nhiêu mất mát đói khổ của chiến tranh, họ vẫn chân tình xây dựng đất nước bằng vốn tự có là cái  “củ khoai vĩ đại”, hoặc hăm hở lao vào những Chương trình toàn cầu hóa, không phải để hưởng thụ những thành tựu khoa học kỹ thuật của nhân loại, mà nhiều khi chỉ để kiếm sống theo cách mới.

Nhưng họ đã rất hồn nhiên, say sưa, như điệu múa của tập thể lãnh đạo xã theo điệu Lý cây đa: “Trèo lên internet, internet ối a em trông”?

Anh nói đúng.Thỉnh thoảnh lẩm nhẩm hát lại bài hát ấy, tôi cứ thấy rưng rưng: “Tàu với Tây rộn ràng/ vui như hội làng. Anh hỏi cô mình rằng/ có chát với anh không ? Trèo lên trang web/ tán phét với chơi gêm. Cầm lấy con chuột này/băng băng đường cày. Ta cày khắp trên địa cầu/ta chát với năm châu…”.

Chí Phèo xưa thấy tiếng đàn không hay bằng tiếng lợn kêu, người nông dân nghèo ít học trong Internet về làng cũng thấy máy tính, internet, dự án nọ kia chỉ là cái cày, cái bừa, những công cụ có thể kiếm chút tiền nuôi con, chữa bệnh.

Họ lao vào internet như đi cày, đi khai hoang, đi đánh bả gà, đi buôn lợn  vậy thôi, nhưng lại rất hồ hởi lạc quan và phơi phới như đi vào ngày hội. Cả cái cách họ lừa Tây cũng mang không khí hội làng sôi nổi, hồn nhiên và rất dễ thương.

Tôi đánh giá cao cách diễn tự nhiên sinh động của các diễn viên, nó làm cho hình tượng nhân vật trở nên đa chiều, vừa chân thực, vừa hài hước, vừa dễ mến.

Anh còn kịch bản sân khấu hài nào sắp dàn dựng không ?

Tôi còn nhiều lắm, cả kịch dài và kịch ngắn về đủ mọi đề tài, mọi loại người, từ người tâm thần đến anh tiến sĩ, từ sinh viên thất nghiệp phải đi ăn tiệc thuê đến người họa sĩ làm băng roll tuyên truyền quảng cáo…

Tất cả đều có chung một sự chia sẻ với thân phận con người qua những tiếng cười bật lên từ những tình huống trớ trêu.

Xin cám ơn anh.

Phúc Nghệ (thực hiện)

MỚI - NÓNG