Xem người Nhật tái thiết điện Cần Chánh

Xem người Nhật tái thiết điện Cần Chánh
TP - Cần Chánh là đại điện thuộc nhóm công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng thành Huế, được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), là nơi làm việc của nhà vua và thường triều của nội các.
Xem người Nhật tái thiết điện Cần Chánh ảnh 1
Chuyên gia của Waseda giới thiệu các quy trình, công đoạn trùng tu điện Long An (Thái Miếu triều Nguyễn), kinh nghiệm thực tiễn cho việc phục hồi điện Cần Chánh

Công việc phục hồi hoàn nguyên Cần Chánh điện cần 32 triệu USD (theo tỷ giá hiện tại). Một cái giá trong ngàn vạn cái giá phải trả cho một mồi lửa trong chiến tranh.

Ngôi đại điện này được giữ nguyên hiện trạng suốt 13 đời vua Nguyễn, chưa hề có thay đổi về kiến trúc, chỉ có vài thay đổi nhỏ về nội thất qua vài lần trùng tu. 

Năm 1947, những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp, cùng chung số phận với điện Càn Thành, điện Khôn Thái, điện Văn Minh, điện Kiến Trung..., Cần Chánh bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại phần nền móng.

Nền điện từ hơn 10 năm nay được sử dụng làm sân khấu các chương trình nghệ thuật cung đình. Sân điện là nơi diễn ra yến tiệc cung đình trong các “Đêm Hoàng cung”.

10 năm qua, song song với việc trùng tu, bảo tồn các công trình kiến trúc hiện hữu, đội ngũ cán bộ quản lý, kiến trúc sư, chuyên gia bảo tồn di tích cố đô Huế vẫn ấp ủ ước mơ phục hồi hoàn nguyên một số công trình quan trọng trong Hoàng thành mà điện Cần Chánh là mục tiêu đầu tiên. Và rồi, nhân duyên đã đến.

Năm 2000, Phòng Nghiên cứu Lịch sử Kiến trúc châu Á (Waral - Waseda)  của đại học Waseda cam kết phối hợp thực hiện các chương trình và hoạt động của UNESCO.

Waseda là đại học tư thục hàng đầu Nhật Bản. Từ năm 1981, Waral - Waseda nghiên cứu, khảo sát một số di tích của châu Á như Srilanka, Thái Lan, Indonesia, Ai Cập, Campuchia… Năm 2001, Waral - Waseda đổi tên thành Viện Nghiên cứu Di sản Thế giới UNESCO.

Từ năm 1994, Waseda có quan hệ với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Trong các năm 1991 - 1993, dự án trùng tu Ngọ Môn được thực hiện bởi sự tài trợ của Quỹ Ủy thác Nhật Bản thông qua UNESCO. Giáo sư, Tiến sĩ Nakagawa Takeshi là giám sát viên kỹ thuật.

Xem người Nhật tái thiết điện Cần Chánh ảnh 2
Mô hình phục nguyên bộ khung gỗ  điện Cần Chánh. Ảnh: Thanh Tùng

Năm 1994 -1995 những cuộc khảo sát đầu tiên được thực hiện ở khu vực Hoàng thành, Triệu Miếu, Hưng Miếu.. Năm 1996 - 1998 mở rộng ra các khu vực liên quan, phân tích nguyên lý thiết kế và hệ thống tỉ lệ kiến trúc bằng hệ lưới trượng (4.240mm).

Một hội thảo quốc tế về dự án tái thiết điện Cần Chánh lần thứ nhất được tổ chức tại Huế và Hà Nội. 

Năm 1999 - 2001 Waseda khảo sát các lăng tẩm và khu vực kinh thành bằng thiết bị đo đạc quang tuyến, GIS và GPS ; nghiên cứu đối sánh với hệ nhà truyền thống ở Huế. Năm 2005, Dự án Phối hợp Nghiên cứu Đào tạo & Bảo tồn tại Khu Di tích Huế của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Waseda (giai đoạn 2005-2008) được triển khai.

Sau đó hai lần, Waseda và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giới thiệu về dự án phục nguyên điện Cần Chánh, lấy ý kiến góp ý của nhà chuyên môn và nhà quản lý.

Hôm 13/8 vừa qua, các chuyên gia của Waseda có cuộc trình bày chi tiết tại hội thảo quốc tế về nghiên cứu bảo tồn di tích Huế và dự án phục nguyên điện Cần Chánh.

Để phục hồi một công trình ghi dấu thời vàng son, không ngờ lao tâm khổ tứ đến thế. Và lắm bất ngờ, thú vị khác. Một luận án tiến sĩ đề tài “Nghiên cứu phục nguyên mặt bằng và mặt cắt Cần Chánh diện”, do Lê Vĩnh An, chuyên gia bảo tồn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, được bảo vệ tại Viện Đại học Waseda tháng 3/2009.

Giáo sư - Tiến sĩ Nakagawa Takeshi phân tích kết quả đo đạc quy hoạch mặt bằng các công trình kiến trúc, quy hoạch xây dựng kinh thành với đủ các loại thước đo triều Nguyễn và các loại máy móc, kỹ thuật hiện đại để đối chứng, tìm ra công thức, tỷ lệ cho từng chi tiết khi thiết kế công trình. 

Tiến sĩ Lê Vĩnh An nghiên cứu phục nguyên mặt cắt, mặt bằng điện. Tiến sĩ An còn khảo sát phương pháp thiết kế kiến trúc gỗ triều Nguyễn, dựa vào các kết quả khảo sát đo đạc các cung điện trong Hoàng Thành và các lăng để thử dựng lại mặt bằng, mặt cắt cấu tạo của Cần Chánh. Phân tích chi tiết kích thước từ vết tích nền móng hiện trạng.

Tiến sĩ An còn phục dựng kết quả khảo sát đo đạc trên 14 cung điện hiện hữu, từ đó định ra hai phương pháp thiết kế: Phương pháp thời Gia Long và hậu Gia Long.

Rồi dựa trên sự phân tích tính tương đồng và dị biệt về mặt bằng, hệ khung gỗ và tỉ lệ kiến trúc giữa Thái Hòa điện và Cần Chánh điện, sử dụng phương pháp thiết kế mặt bằng cung điện, phương pháp thiết kế kiến trúc thời Gia Long kết hợp với kết quả phân tích kích thước trên những tấm ảnh tư liệu cổ để phục dựng lại mặt bằng và mặt cắt Cần Chánh.

Tại hiện trường, Giáo sư, Tiến sĩ Nakagawa Takeshi và KTS Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô, một lần nữa giới thiệu dự án trên thực địa và cho biết để có một phương án thiết kế phải đạt được sự thống nhất của ba nhà, nhà nghiên cứu, nhà kiến trúc, nhà thầu xây dựng chuyên ngành và đội ngũ nghệ nhân.

Chưa thật sự yên tâm, sau đó ban tổ chức hội thảo đã tổ chức nghi lễ bỏ mực, đặt thước thợ thi công công trình điện Cần Chánh bằng chất liệu gỗ theo tỷ lệ 1/10. Chỉ là một sa bàn - phối cảnh, công trình này chi phí cũng tới 600 triệu đồng. Còn kinh phí phục hồi hoàn nguyên mất 32 triệu USD.

MỚI - NÓNG
Các nhà hoạt động biểu tình tại hội nghị khí hậu COP29 ở Azerbaijan ngày 23/11. (Ảnh: AP)
Nhiều nước bất bình với quỹ khí hậu 300 tỷ USD
TPO - Hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vừa thông qua một thỏa thuận cung cấp ít nhất 300 tỷ USD hằng năm cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại và giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với sự tàn phá của thiên tai do nhiệt độ toàn cầu nóng lên.