Trần Thùy Mai chưa dám viết sex

Trần Thùy Mai chưa dám viết sex
"Sex là cái ai cũng viết được nhưng không dễ viết hay, nếu muốn tạo được mỹ cảm ở người đọc" - nhà văn nữ Trần Thùy Mai tâm sự. Chị thích kiểu viết sex của Marquez, nhưng chưa đủ tài, nên chưa dám viết.
Trần Thùy Mai chưa dám viết sex ảnh 1

Nhà văn Trần Thùy Mai ở Nhật Bản Ảnh: TTVH

Không có lúc nào quá ồn ào, không tham gia vào những cuộc tranh luận văn chương trên các diễn đàn, cũng không vô tình hay cố ý tạo ra vụ xì-căng-đan nào, nhưng cái tên Trần Thùy Mai vẫn được những người yêu văn chương Việt Nam nhớ đến.

Mới năm ngoái là "Mưa" ở Strasbourg, còn hôm nay là tập truyện ngắn "Một mình ở Tokyo". Nhân dịp NXB Văn nghệ vừa chính thức phát hành tập truyện này (in lần thứ nhất: 1.500 cuốn), chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà văn xứ Huế Trần Thùy Mai.

Chưa bao giờ nghĩ rằng phải viết sex mới là hiện đại

Thưa nhà văn Trần Thùy Mai, 12 truyện ngắn in trong tập sách này là con số ngẫu nhiên, hay nó chuyển tải một ngụ ý của tác giả, rằng đó là kết quả của 12 tháng trong năm qua?

Thật ra chọn 12 truyện là tình cờ thôi (Cười). Nhưng câu hỏi của anh làm tôi nhớ ra rằng, con số 12 có ý nghĩa phù hợp với "Một mình ở Tokyo", vì nó là những truyện tôi đã viết suốt một năm qua.

Truyện ngắn Hải đường tăng chị viết về thế giới tu hành với những câu văn thật đẹp và ấm. Nhưng có một “cảnh” khá ấn tượng, trong thiền phòng của sư Viên Tâm xuất hiện một người đàn bà khỏa thân. Tôi rất tò mò về chi tiết ấy…

Thường khi viết tôi cũng có nhu cầu như người vẽ hay nặn tượng, tức là phải tìm một người, một khung cảnh có thực để bám vào, giúp mình tưởng tượng dễ dàng hơn.

Vì vậy sư Viên Tâm, ngôi chùa, buổi hội thơ... có thể giông giống một ai đó, một nơi nào đó, nhưng xin đừng nghĩ là mình viết chuyện của ai, đấy chỉ là bản mẫu thôi.

Còn chi tiết người đàn bà khỏa thân anh tin là có thật phải không? Tôi “thả” người đàn bà đã trút hết quần áo vào truyện để thử thách nhân vật của mình thôi… (Cười)

Nhưng trong văn chương, hình như chị từ chối về đề tài "nóng"?

Tôi chưa bao giờ nói là mình từ chối viết về sex, nhưng cũng chưa bao giờ nghĩ rằng phải viết sex mới là hiện đại.

Vấn đề là viết cái gì cũng phải viết với phong cách riêng của mình, sex là cái ai cũng viết được (vì ai cũng có kinh nghiệm) nhưng không dễ viết hay, nếu muốn tạo được mỹ cảm ở người đọc, chứ không gây cảm giác trần trụi, tạo cảm giác là viết porno.

Nói thành thật thì mình không thích đọc Murakami, vì không hợp tạng của mình, nhưng rất thích Marquez. Mà viết sex như Marquez thì mình chưa đủ tài, nên chưa dám.

Đọc tập sách Một mình ở Tokyo, tôi thấy vẫn là một Trần Thùy Mai: Nhẹ nhàng, sâu sắc dù chị có viết về cái xấu, sự đổ vỡ hay mất mát thì vẫn là những trang văn đẹp. Nhưng bối cảnh thì đã được mở rộng ra ngoài Huế - mảnh đất gắn bó của chị. Chị đang muốn làm mới mình?

Hình như tôi là người có xu hướng duy mỹ thì phải (Cười). Tôi thích vẽ lên những bức tranh đẹp về quê hương của mình và quê hương của những người khác.

Thật ra, trong tập truyện này, vẫn là hình ảnh Huế nhưng là Huế trong mối tương giao với những vùng văn hóa khác. Trong thời gian qua, nhờ những truyện ngắn được dịch ở nước ngoài tôi đã có được những chuyến đi, có thêm cảm hứng mới, thấy được những góc rộng hơn của cuộc sống, từ đó khung cảnh trong trang viết cũng được đổi khác.

Cũng phải kể đến những người bạn mới, họ là những kênh thông tin giúp mình thâm nhập một mảng khác của cuộc sống.

Những người trên 30 tuổi ở Nhật đa phần không thích Murakami…

Trần Thùy Mai là cái tên vẫn có độc giả của riêng mình. Nhưng theo chị, vì sao những cuốn sách của chị thường không lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy?

Lúc nãy anh có nói đến một từ: Bứt phá. Từ này dùng cho các cuộc đua trong thể thao. Theo quan niệm của tôi, văn học khác với thể thao, nó không phải một cuộc cạnh tranh hướng ngoại mà là một sự soi chiếu vào nội tâm.

Có lẽ quan niệm đó đã khiến những tác phẩm của tôi trước đây “luôn có độc giả của riêng mình nhưng không lọt vào những danh sách bán chạy” (Cười).

Thời đại này cuộc sống đã hóa ra một cuộc đua dữ dội quá nên ngay trong văn chương người ta cũng nói đến “hàng hot”. Trong những làn sóng tung lên rồi hạ xuống, tôn vinh rồi quên lãng, người cầm bút cũng có thể bị cuốn vào vòng xoáy. Trong vườn văn tôi dọn khu vườn nhỏ của riêng tôi, để chờ những người tri âm đến, không muốn vội vã chạy theo dòng…

Chị có thường đọc những cuốn sách bán chạy không? Và liệu có gì thay đổi trong cách viết của chị trong thời gian tới?

Có chứ, tôi đọc cả sách Việt Nam lẫn sách dịch. Tôi thấy đó là những cuốn rất hấp dẫn, nhưng không phải cuốn nào cũng hay. Ví dụ Murakami, tôi chưa bao giờ thích. Khi sang Nhật, tôi hỏi thăm bốn người, thì cả bốn đều nói là không thích Murakami…

Nhưng ở Việt Nam, trên sách của Murakami các đơn vị xuất bản giới thiệu ông: “Không chỉ là một nhà văn lớn của Nhật Bản mà còn là nhà văn lớn của thời đại”. Ngay trên bìa cuốn Rừng Nauy cũng được “đính kèm” dòng: Cứ 7 người Nhật thì có 1 người đọc Rừng Nauy, thưa chị?

Hẳn rồi. Murakami là nhà văn nổi tiếng ở Nhật Bản, nhưng không phải ai cũng thích và ai cũng đánh giá cao. Chuyện đọc Murakami và thích tác phẩm của ông là 2 việc khác nhau.

Người đọc ông, theo những gì tôi biết trong những ngày sống ở Nhật, đa số là còn rất trẻ. Còn những người trên 30 tuổi thì đa phần không thích. Nói chung, công chúng ở các nước rất độc lập trong cách đánh giá, chứ không bị ảnh hưởng tâm lý đám đông nhiều như người Việt mình.

Cám ơn chị!

Theo Hoàng Thu Phố
Thể thao & Văn hóa

MỚI - NÓNG