> Thí sinh 'dễ thở' với đề thi Ngữ văn
Việc chấm thi sẽ hoàn tất sau một tuần nữa. Ảnh: Hồ Thu . |
Cụ thể, câu hỏi thi: “Trong đoạn cuối truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kỹ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?”. Thí sinh sẽ giành 1 điểm nếu nêu được những hình ảnh hiện lên là màu hồng của ánh sương mai và người đàn bà vùng biển bước ra từ tấm ảnh.
Trước đó, đáp án và hướng dẫn chấm thi môn Văn được Bộ GD&ĐT công bố chiều 4- 6 nêu rõ: Ở yêu cầu thứ hai của câu 1, thí sinh phải nêu được ý nghĩa của hai hình ảnh hiện lên khi Phùng ngắm kỹ bức ảnh là chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc sống (0,5 điểm); hiện thực về số phận lam lũ, khốn khó của con người (0,5 điểm).
Tuy nhiên, ngày 9- 6, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn đến các hội đồng chấm thi trên toàn quốc yêu cầu chấm thi theo tinh thần đề mở và đáp án mở, đồng thời khuyến khích sáng tạo của thí sinh, điều chỉnh hướng dẫn chấm thi đối với ý thứ hai câu 1.
Theo nhận xét của các thầy cô giáo chấm thi, đề thi năm nay có độ mở tương đối với học sinh ở câu số 1 và đề nghị luận xã hội. Với câu hỏi như vậy, học sinh được tự do thể hiện quan điểm và khả năng của mình. Qua bài làm của học sinh, có thể thấy học trò thể hiện quan điểm rất thoải mái, đặc biệt với câu hỏi về nghề nghiệp tương lai.
Theo đánh giá bước đầu, sẽ có khoảng 20% điểm khá giỏi, bài đạt điểm trung bình tương đối nhiều và bài yếu kém chiếm 10%. Khoảng 1 tuần nữa công việc chấm thi sẽ hoàn tất để kịp tiến độ công bố điểm. |
Theo đáp án ban đầu, chỉ nêu được 1 đến 2 ý nhỏ là thí sinh đã có điểm. Qua thảo luận, tổ chấm thi cho rằng, đáp án này đặt ra yêu cầu hơi thấp đối với học sinh, có thể thích hợp với mặt bằng toàn quốc, đặc biệt với học sinh vùng sâu vùng xa.
Trên thực tế, theo một số giáo viên chấm thi, trong bài làm của mình, học sinh có những suy nghĩ đi xa hơn đáp án của Bộ GD&ĐT và chạm được vào chiều sâu của tác phẩm. Vì vậy, giáo viên chấm thi vẫn tôn trọng bài làm và sáng tạo của học sinh. Qua 3 ngày chấm thi, Bộ GD&ĐT mới đưa ra một đáp án mới.
Theo các thầy cô ở hội đồng chấm thi, đáp án này có độ mở, phù hợp với bài làm của học sinh và có lợi cho học sinh có tính sáng tạo hơn.