Ám ảnh từng đêm
Lái tàu Lê Đình Tới (sinh năm 1979), kinh nghiệm 10 năm chạy tuyến phía Tây (Hà Nội-Lào Cai) và lái phụ Hoàng Hà Sơn (sinh năm 1991), mới vào nghề được vài tháng. Vụ tai nạn tàu hoả húc ô tô tại xã Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội) sáng sớm ngày 3-12 vừa qua khiến tài xế ô tô chết, lúc đó Tới và Sơn vừa lên thay lái từ ga Yên Bái về Hà Nội.
Cực chẳng đã để Tới kể lại câu chuyện không vui đầu năm, cũng là cú sốc nặng trong 10 năm lái tàu (tuyến phía Tây được đánh giá an toàn so với nhiều tuyến khác). Sơn là lính mới toe, tuổi đời còn trẻ nên còn sốc nặng hơn.
Sau vụ tai nạn, lái chính Tới (bên trái), lái phụ Sơn gần như bị chấn thương tâm lý.. |
Tàu SP4 do Tới và Sơn điều khiển tới ga Bắc Hồng (Đông Anh) khoảng 4g30. Lái phụ Sơn hô khẩu lệnh mọi việc an toàn, lái chính Tới kéo còi liên hồi đầy cảnh giác dù trời sáng sớm đầu năm, lạnh lẽo, ít ai đi lại tầm này. Tốc độ tàu hoả chỉ 48 km/h.
Bỗng dưng, một ánh đèn pha hắt ngang đường phía trước khoảng 20m, lái phụ Sơn hét “chú ý”; lái chính ngay lập tức hãm phi thường (đôi khi được hiểu trên cả mức khẩn cấp). Cả 2 đều biết trước tình huống này là bất lực nên cùng ôm đầu. Một tiếng “cạch”, chiếc ô tô bị hất văng ra xa, bẹp dúm. Hai lái tàu trẻ khóc thầm. Phải mất 10 phút sau, họ mới trấn tĩnh lại. Hậu quả vụ tai nạn này, nhiều tờ báo đã đưa tin, nhưng không ai biết những lái tàu trẻ cũng bị tổn thương tâm lý thế nào.
Chiếc đầu máy sau va chạm bị gẫy ống gió chính (không thể hoạt động) nên Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội phải điều cái khác thay thế. Đang mang nặng cảm giác đâm chết đồng loại, Tới và Sơn lại phải tiếp tục giải quyết nhiều việc khác và canh đầu máy tới gần 10 tiếng đồng hồ. Bốn ngày sau vụ việc, cả Tới và Sơn vẫn chưa hết ủ rũ dù đa số trong những vụ thế này, lỗi không thuộc về họ.
Cả 2 đều xin nghỉ phép dài. “Mấy đêm rồi, em không ngủ nổi. Đêm nào vợ cũng động viên, dỗ dành nhưng không thể chợp mắt. Em chưa thể hoàn hồn. Vợ em nói nếu không chịu được, anh bỏ việc đi”, lái chính Tới kể. Còn Sơn mấy đêm rồi thường gặp ác mộng. Lần nào gọi điện về cho bố mẹ ở quê Nghệ An cũng khóc. Sơn chia sẻ: “Em cần nghỉ một thời gian để điều chỉnh tâm lý”.
Nhiều đồng nghiệp dày dạn kinh nghiệm động viên, chia sẻ với cú sốc tâm lý vừa qua của Tới và Sơn.
Đi vệ sinh, đám rước dâu 3 người chết
Dày dạn hơn Tới và Sơn, lái tàu La Văn Lượng (sinh năm 1964) với 30 năm trong nghề, chuyên chạy tuyến phức tạp (xẩy nhiều vụ tai nạn), nhưng cũng thảng thốt chưa nguôi sau vụ đâm chết 3 người (đi đón dâu có chú rể chết) tại Bình lục (Hà Nam). Lái tàu Lượng kể: “Tàu chạy tốc độ 60km/h, vừa qua khúc cua đã thấy một đám người đen sì băng qua đường ray từ phía trước. Lái phụ Lại Hồng Phúc giật nảy mình hét ối anh Lượng ơi rồi ôm mặt khóc nức nở”.
Lái tàu Lượng gồng mình, 2 tay kéo hãm phi thường, chân dí còi hơi, nhưng làm sao kịp. Đám người đang băng qua đường ray sang bụi chuối đi vệ sinh dạt ra, có 3 người không tránh kịp, đứng trên mép đá đã bị tàu hoả húc văng ra xa, chết ngay tại chỗ. Lượng run như cầy sấy, còn lái phụ khóc không ngớt.
Tàu phải dừng mất 15 phút giải quyết vụ việc, Lượng liếc nhìn thấy 3 nạn nhân nằm bên vệ đường ray, không có nhiều máu chảy. Cả lái phụ lẫn lái chính đều bỏ lái xin về nhà, cơ quan động viên, chỉ lái chính Lượng tiếp tục hành trình. “Nghề của mình là vậy rồi. Tôi là người chứng kiến và tôi đau lòng lắm chứ. Lái phụ run hết người, thở không ra hơi, ngồi co ro một góc”, anh Lượng nhớ lại.
Khi tàu vào tới Thanh Hoá, La Văn Lượng mới biết vụ tai nạn vừa xẩy ra đã khiến chú rể, mẹ và bác chú rể thiệt mạng. Họ đang trên đường đi rước dâu về Thái Bình, giữa đường đỗ ô tô (gần đường sắt) để đi vệ sinh.
Đoạn đường này, đường sắt sát cạnh đường bộ nhưng không có rào chắn. Trưởng ban An toàn Giao thông Đường sắt (Tổng Cty Đường sắt VN) Phạm Văn Bình trao đổi với Tiền Phong cho biết, đoạn đường này chính quyền địa phương không cho làm rào ngăn cách đường sắt với đường bộ.
Mấy ngày sau vụ tai nạn khiến đoàn rước dâu 3 người thiệt mạng, lái tàu La Văn Lượng buồn bã đứng ngắm chiếc đầu máy số hiệu 921. Với anh, nó dường như là người bạn tri kỷ, chỉ biết cần mẫn làm việc trên con đường độc đạo; nhưng bánh xe thiên lý ra Bắc vào Nam của nó nghiền nát không biết bao nhiêu mạng người. Trước lái tàu Lượng, chiếc đầu máy như muốn hỏi: Vì sao con người thích lao đầu vào tôi? Lượng câm lặng như chính chiếc đầu máy anh lái.
Mời bạn đọc tham gia chuyên mục ỐNG KÍNH GIAO THÔNG Báo Tiền Phong phối hợp Ủy ban ATGT Quốc gia mở chuyên mục ống kính giao thông chuyên mục sẽ chuyển tải những thông tin nóng hổi nhất về ATGT trên cả nước: Từ chính sách, quy định mới của pháp luật về ATGT; Những bất cập trong tổ chức giao thông, biển báo; Những tiêu cực của các nhà xe, cán bộ hướng dẫn giao thông; Những câu chuyện cảm động, thương tâm vì TNGT... Đến những điển hình tiên tiến trong việc chấp hành pháp luật về giao thông. Hằng quý, Báo Tiền Phong và Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tổ chức trao thưởng cho những bài viết hay, Bạn đọc cả nước có thể tham gia chuyên mục bằng cách gọi đến số 0915.062.664 hoặc gửi tin, bài…qua email: giaothongtp@gmail.com. |