Du lịch biển Huế mùa “chặt chém”

Du lịch biển Huế mùa “chặt chém”
TP - Bãi tắm Thuận An, điểm du lịch biển bình dân lớn nhất Thừa Thiên - Huế đang có một mùa vắng khách chưa từng thấy do lối làm ăn rình rập, lập lờ đánh bẫy khách hàng của các chủ kinh doanh.

> Tái diễn chặt chém khách du lịch
> Du lịch hành xác

Cuối tháng 3-2011, UBND huyện Phú Vang ban hành mức thu phí mặt bằng tối thiểu các lô, quầy dịch vụ ăn uống, giải khát và giữ xe tại bãi tắm Thuận An. Giá khởi điểm cho 13 lô kinh doanh dao động từ 20 đến 286 triệu đồng. Đây là mức phải chăng. Tuy nhiên, quá trình đấu lô (thời hạn 5 năm), các chủ quầy đã tự “xâu xé” nhau, dẫn đến tình trạng tự nâng mức thuê lên gần cả tỷ đồng cho từng năm khai thác mỗi lô. Nếu tính gộp mức phí trong 5 năm, giá thuê lô có thời hạn nơi đây còn đắt hơn nhà mặt phố chính ở Huế. Rõ ràng, cơ quan chức năng không thể can thiệp việc này, nhưng giá đấu lô bị đẩy lên mức cao không tưởng đã gây nhiều hệ lụy cho những “thượng đế”. Du khách trở thành miếng mồi ngon cho các chủ quầy “chặt chém”, để bù đắp càng nhiều càng tốt vào khoản thuê lô quá chênh lệch so với lợi nhuận kinh doanh thực tế.

Đến Thuận An hiện nay, khách bị “móc túi” khi còn chưa kịp đặt chân ra biển với dịch vụ giữ xe “cắt cổ” ngay tại quán. Theo quy định của UBND tỉnh TT-Huế, giá giữ xe máy tối đa hiện nay 4.000 đồng/chiếc. Thế mà tại Thuận An, xe máy vào quán ăn vẫn phải chịu phí trông giữ 7.000 đồng/chiếc. Khách ngồi vào ghế nhựa bình dân dù đã gọi thức uống có giá đắt gấp đôi bên ngoài, vẫn bị tính tiền chỗ ngồi lúc chật khách, mức 5.000-7.000 đồng/người. Tuy nhiên, đó chỉ là khúc dạo đầu...

Trước khi về bãi tắm bình dân Thuận An, một người bạn quê biển Phú Vang không quên “khuyến cáo” chúng tôi phải nhớ mang nhiều tiền, luôn mặc cả bất cứ món ẩm thực gì cần gọi, kiểm tra kỹ bảng niêm yết. Anh này kể, tại Thuận An đang râm ran chuyện một cuộc nhậu quán bình dân với hơn 10 thực khách bị làm giá trên 30 triệu đồng, rồi chuyện 1 két bia Heiniken khách nhỡ uống mà quên khảo giá bị “chẹt” gần 1 triệu bạc...

Theo quy định của huyện, các điểm kinh doanh ven biển Thuận An phải niêm yết giá rõ ràng, trực quan. Ông Hoàng Phước, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cũng từng khẳng định các lô quầy đã làm đúng quy định niêm yết. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV, hầu hết các hàng quán bình dân tại bãi tắm Thuận An dù có niêm yết giá nhưng rất lập lờ. Bảng giá đặt tít ở khu vệ sinh, cửa sau, xa nhà hàng, nhiều mặt hàng (bia, nước ngọt) bị bỏ trống giá, du khách rất dễ “sập bẫy” nếu cứ đinh ninh hàng quán bình dân, không cần mặc cả trước.

Đọc nội dung niêm yết, khách xanh mặt với nhiều loại hải sản, nước uống tuy ở bãi tắm bình dân nhưng giá gấp đôi, gấp 3 các nhà hàng lớn ở Huế và nhiều điểm tắm biển khác trong tỉnh. Bảng niêm yết không chỉ nằm khuất một cách có chủ ý, mà danh mục giá cả cũng ghi mập mờ bằng bút lông, rất dễ tẩy xóa, sửa chữa. Du khách Việt đi ô tô biển số Lào, xe ngoại tỉnh là đối tượng thường bị “sập bẫy” giá tại Thuận An. Nhiều đoàn khách đã không ít lần ấm ức khiếu nại đến chính quyền địa phương.

Ông Hoàng Phước, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, nói: “Khách vào quán cứ gọi các thứ vô tội vạ, không chịu đọc niêm yết. Khi tính tiền lại kêu đắt, chúng tôi cũng đành chịu”. Tuy nhiên, du khách không thỏa mãn với cách trả lời này. Họ quên mặc cả hoặc không biết có bảng niêm yết để khảo giá trước đã đành, nhưng nếu cứ vin vào đó để bắt chẹt, đưa khách vào bẫy, là điều khó chấp nhận.

Chính quyền địa phương cho biết, lượng khách đến Thuận An tắm biển từ tháng 3 đến nay đã giảm mạnh; nhiều du khách đến đây đã phải mang theo bia, đồ uống để đỡ phải mặc cả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG