Có tổ tự quản, giảm tai nạn

Có tổ tự quản, giảm tai nạn
TP - Theo ông Tô Hoàng Thảo - Phó trưởng Ban thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh Thái Bình, mô hình Tổ tự quản An toàn giao thông (TTQATGT) bắt đầu hình thành từ xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương được nhân rộng trên toàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Dự thi “Văn hóa giao thông - Ứng xử của bạn”:

Có tổ tự quản, giảm tai nạn

Ông Thảo cho biết, địa bàn xã Vũ Quý có tuyến đường 39B chạy qua, nhiều khu vực tập trung dân cư với mật độ cao. Theo thói quen, nhiều hộ dân ven quốc lộ thường lấn chiếm lề đường làm nơi kinh doanh. Vào mùa thu hoạch, nhiều đoạn đường bị chiếm dụng để phơi thóc lúa, rơm rạ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người và phương tiện tham gia giao thông. Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra.

Ban tổ chức cuộc thi mong nhận được nhiều hơn nữa bài dự thi của bạn đọc cả nước. Bài và ảnh xin gửi về: báo Tiền Phong-15-Hồ Xuân Hương-Hà Nội. BTC

Đang băn khoăn tìm hướng xử lý tồn tại này thì TTQATGT do Hội Cựu chiến binh xã Vũ Quý thành lập. Các đội viên tình nguyện tham gia duy trì trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường chạy qua xã.

Họ nhắc nhở bà con không lấn chiếm lòng, lề đường, trực tiếp phân luồng giao thông vào giờ các em học sinh tan học, hướng dẫn bà con sắp xếp hàng hóa vào dịp chợ phiên... Người cùng làng cùng xã thường xuyên nhắc nhở nhau, ông bà nhắc nhở con cháu, anh em khuyên bảo nhau.

Dựa trên quan hệ làng xã, thôn xóm, dòng họ truyền thống cùng với những quy định được mọi người đồng thuận cam kết cùng tham gia giữ gìn trật tự giao thông, với chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, chỉ trong một thời gian ngắn, tình trạng vi phạm an toàn giao thông giảm hẳn và được duy trì.

Sau một thời gian, các tổ đã viết hàng trăm tin bài tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, tổ chức cho trên 200 hộ sống cạnh đường 39B ký cam kết thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ, tuyên truyền tới hàng ngàn lượt người dân trong các phiên chợ... góp phần làm giảm 70%-80% số vụ tai nạn xảy ra ở khu vực này.

Nhận thấy đây là mô hình phù hợp với đặc thù của nhiều huyện xã trong tỉnh, Ban An toàn giao thông (BATGT) tỉnh này đã cử cán bộ đến tìm hiểu và báo cáo với các ban ngành liên quan tìm biện pháp nhân rộng. Cách làm hợp với lòng dân nhanh chóng được hưởng ứng.

Ban ATGT đã chuyển tài liệu tuyên truyền, tập huấn bồi dưỡng kiến thức xử lý tình huống cho các đội viên, cung cấp gậy chỉ đường, đèn pin, còi, túi sơ cứu thương... cho các tổ. Mô hình TTQATGT ngày càng xuất hiện ở nhiều nơi và nhanh chóng phát huy tác dụng.

Ông Lê Phương Huy chuyên viên BATGT cho biết: Hiện nay, Thái Bình đã có 442 TTQATGT đang hoạt động hiệu quả, có nơi do Đoàn thanh niên, có nơi do Hội phụ nữ đảm trách với những hình thức hoạt động đa dạng. TTQATGT số 2 ở xã An Ninh huyện Tiền Hải gồm 17 đội viên.

Ngoài việc duy trì các quy định bảo đảm ATGT trên địa bàn, nếu có xảy ra tai nạn giao thông, tổ có mặt kịp thời, bảo vệ hiện trường, cấp cứu nạn nhân, thông báo cho cơ quan công an, trực tiếp hòa giải các trường hợp va quệt giao thông. Nhờ đó vi phạm về ATGT và tai nạn giao thông giảm hẳn.

Tại khu vực đầu cầu Nghìn, thị trấn An Bài huyện Quỳnh Phụ, TTQATGT đã giải quyết dứt điểm nạn ăn vạ bắt bí khi xảy ra va quệt giao thông, khi nạn nhân bị một số đối tượng xấu lợi dụng. Nhiều người không quên anh Vũ Duy Thuận, tổ trưởng TTQATGT đầu cầu Tân Đệ (xã Tân Lập, Vũ Thư) bỏ hàng trăm ngàn đồng mua thuốc sơ cứu và thuê xe ôm đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Bác Nguyễn Hữu Thuần, tổ trưởng TTQATGT phường Kỳ Bá tự ghi âm các bài tuyên truyền, thường xuyên phát trên loa truyền thanh nhắc nhở mọi người chấp hành luật lệ, góp phần đảm bảo ATGT ở khu vực đầu cầu Kiến Xương. Hiện nay, nhiều TTQATGT tiếp tục đến các trường học hướng dẫn học sinh tham gia những cuộc thi tìm hiểu về an toàn giao thông đạt kết quả tốt.

Mô hình TTQATGT Vũ Quý cho thấy: Khi dân tự làm, dân tự quản, mang lại lợi ích thiết thực cho dân, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, phong trào bảo đảm trật tự ATGT trong các khu dân cư sẽ đạt kết quả cao.

Hãy tham gia cuộc thi “Văn hóa giao thông - ứng xử của bạn?”

Cuộc thi “Văn hóa giao thông-ứng xử của bạn?” được báo Tiền Phong và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp tổ chức trên báo Tiền Phong hằng ngày và Tienphongonline với tổng giải thưởng hơn 100 triệu đồng. Cuộc thi kéo dài đến hết ngày 30-8-2011.

Theo thể lệ cuộc thi, mọi công dân đều có thể gửi bài dự thi. Bài dự thi là bài phản ánh, bình luận, phân tích, thơ, tiểu phẩm (chưa được đăng ở các báo, tạp chí khác)…

Nội dung của bài dự thi có thể đề cập đến 4 nhóm nội dung chính như: Chú trọng đề xuất giải pháp, ý tưởng, kiến nghị xây dựng và thực hiện nếp văn hóa giao thông; Phòng chống tai nạn giao thông; Phản ánh, biểu dương các tập thể, cá nhân tích cực tham gia phòng chống tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông; Thái độ của lãnh đạo các cấp chính quyền, cơ quan quản lý giao thông, của hệ thống chính trị trong việc giải quyết vấn đề an toàn giao thông nói chung và xây dựng văn hóa giao thông nói riêng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.