Bạo lực học đường Ảnh minh họa từ clip. |
Giảng viên Tâm lý giáo dục Đậu Văn Tân, Trường Sỹ quan Lục quân 2 viết bài: Cùng khắc phục bạo lực học đường đăng trên báo Tiền Phong số 347 tiếp tục dấy lên những tranh luận đáng suy nghĩ.
Theo sáng kiến của nhiều bạn đọc, báo Tiền Phong mở diễn đàn Bạo lực học đường - Nỗi lo không của riêng ai, nhằm tiếp tục trao đổi về vấn đề này. Các ý kiến xin gửi về hộp thư bandoc@tienphong.vn. Bài đăng báo được trả nhuận bút theo quy định.
Trong số này, Tiền Phong đăng bài tham gia diễn đàn của Giảng viên Tâm lý học Lê Phạm Phương Lan, Trường Đại học Nguyễn Huệ.
Những vụ bạo lực học đường (BLHĐ) diễn ra trong thời gian gần đây đã được báo chí cũng như đông đảo dư luận đặc biệt quan . Nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà tâm lý phân tích, giải mã cho vấn đề BLHĐ. Có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu giáo dục, tôi nhận thấy một nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ gia đình.
Thử hỏi những em học sinh tham gia vào những vụ BLHĐ diễn ra trong thời gian qua, cha mẹ đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa? Mức độ quan tâm đến đâu? Đồng thời cách xử lý của họ như thế nào?
Có lẽ, khá nhiều vấn đề mà bản thân phụ huynh còn thiếu sót trong thể hiện vai trò của mình. Hay nói đúng hơn, ngay từ những năm đầu đời, cách giáo dục gia đình đã sai từ gốc.
Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, một số cha mẹ có điều kiện, họ đã quá chiều chuộng con trẻ, chúng muốn gì được nấy, đáp ứng đầy đủ những nhu cầu vật chất, trong khi đó sự quan tâm về mặt tinh thần thì lại thiếu hụt trầm trọng.
Một số phụ huynh cho rằng, cứ kiếm được nhiều tiền, họ sẽ tìm cách để bù đắp những giá trị tinh thần cho trẻ. Vì vậy, đã không ít những đứa trẻ phải nhập viện vì những sang chấn tâm lý (nghiện game, trầm cảm…).
Bên cạnh đó, một bộ phận phụ huynh lại quan niệm rằng, con cái có thể giao khoán hết cho nhà trường hoặc những người giúp việc, bởi họ cũng có thể làm được những điều mà cha mẹ mong muốn. Như vậy, hậu quả là, con trẻ chúng ta, một bộ phận không nhỏ đã không biết được giá trị của vật chất, sức lao động, dẫn đến ăn chơi, phung phí, sa đọa…
Đặc biệt, hậu quả của việc thiếu quan tâm đến tinh thần của cha mẹ nên một bộ phận giới trẻ không còn cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ với con cái, khoảng cách tâm lý ngày càng xa, thậm chí trẻ còn tìm cách chống đối lại chính cha mẹ mình, tâm lý vô cảm hình thành ngay với những người thân cũng như cộng đồng xung quanh.
Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ít có điều kiện quan tâm đến con cái cũng có thể gây ra những hậu quả tai hại cho trẻ. Phải học tập ở điều kiện giáo dục trường lớp thiếu thốn, chất lượng giáo dục thấp, hoặc trẻ tiếp xúc nhiều với những đối tượng chưa ngoan, cha mẹ ít có thời gian quan tâm chăm sóc con cái… Như vậy trẻ cũng nhanh chóng nhiễm và hình thành những thói hư tật xấu.
Lê Phạm Phương Lan
Giảng viên Tâm lý học - ĐH Nguyễn Huệ , Biên Hòa, Đồng Nai