Ông Hỷ trong túp lều của mình. Ảnh: Thiên Hương |
Là thanh niên khỏe mạnh, khôi ngô, nhiều gái bản để ý. Nhưng V, là cô gái cùng bản, ông ưng ý, hẹn ước, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sẽ trao nhẫn cưới. Thế nhưng, cuối thu 1988, sau vụ tai nạn, mất chân, V mất tích, có người nói, cô đã vượt qua bên kia biên giới lấy chồng, ông Hỷ như người mất hồn.
Bố mẹ mất sớm, thân tàn, không nơi nương tựa, ông đến một góc núi, liêu xiêu dựng một cái chòi, bốn bên là những viên gạch cũ, nóc bằng tấm ni lông.
Hằng ngày, ông lần mò trên tấm cao su để phần chân cụt không chạm xuống mặt đường, va vào những viên đá răng cưa, đi lấy nước, lấy rau rừng. Cuối tháng, người trong bản xuống xã lấy hộ tiền trợ cấp người tàn tật là 120 ngàn đồng/tháng, ông dành mua gạo, mua mỡ.
Chúng tôi đến chòi, bốn bề gió lùa. Một người đàn ông quần áo rách tả tơi đang chống gậy đi vào khe cửa. Ông Hỷ kều kều các cành cây khô trên tấm phản, dành chỗ cho khách. Trong nhà, ngoài những cái chai nhựa đựng nước, chiếc màn cũ mèm, vài bộ quần áo nhàu nát, chẳng có vật dụng gì đáng kể.
Số tiền trợ cấp chỉ đủ mua gạo, nên thức ăn hằng ngày chủ yếu là muối trắng. Thi thoảng, ai cho con cá, mớ rau, ông kho mặn, ăn dần. Có những hôm sốt ốm, mưa to, gió lớn, ông ướt như chuột lột, nhưng giữa đêm, chơ vơ góc đồi, gọi chẳng ai nghe thấy, ông phó mặc số phận cho may rủi.
Ông Hoàng Minh Đồng, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Long cho biết, ông Hỷ là một trong những hộ đặc biệt khó khăn. Cấp ủy, chính quyền cũng đã quan tâm, song nhiều khi không lo được hết cho dân, rất mong sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng, các nhà hảo tâm trong cả nước.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Ban bạn đọc báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội, hoặc Phóng viên báo Tiền Phong, thường trú tại Lạng Sơn, số 2 Mai Thế Chuẩn, P. Chi Lăng, TP Lạng Sơn, điện thoại: 0913094388.