Từ vụ đắm đò thảm khốc đến cây cầu nghĩa tình

Từ vụ đắm đò thảm khốc đến cây cầu nghĩa tình
TP - Ba năm trước, tại bến đò Chôm Lôm (xã Lạng Khê, Nghệ An) đã xảy ra vụ đắm đò tang thương khiến 19 em học sinh chết và mất tích. Chia sẻ nỗi đau này, báo Tiền phong phối hợp với tỉnh Nghệ An mở cuộc vận động xây cầu bắc qua sông Lam.

>> Chôm Lôm - nhịp cầu của lòng nhân ái

Từ vụ đắm đò thảm khốc đến cây cầu nghĩa tình ảnh 1
Cầu Chôm Lôm

Cuộc vận động được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước hưởng ứng. Số tiền các nhà hảo tâm ủng hộ lên tới trên 4,3 tỷ đồng, góp phần xây dựng cây cầu Chôm Lôm nghĩa tình.

Kỷ niệm không quên

Sáng 7/10/2006, tôi nhận được điện thoại của anh Phùng Văn Mùi, cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Con Cuông báo: “Chìm đò ở Lạng Khê, hàng chục học sinh tử nạn!”.

Chúng tôi vội vã phóng xe về miền Tây Nghệ An. 9 giờ sáng, tại bến Chôm Lôm hàng trăm người dân tụ tập hai bên bờ sông chờ tin tức. Trước dòng lũ hung dữ đang cuồn cuộn đổ về từ thượng nguồn, mọi nỗ lực cứu hộ đều vô vọng. 19 em học sinh trường cấp 2 Lạng Khê chết và mất tích, nỗi đau quá lớn. Nước mắt nhoè trong mưa.

Suốt một tuần lễ, chúng tôi bám trụ đất Lạng Khê, tác nghiệp trong điều kiện hết sức khó khăn: Mất điện triền miên, đường truyền Internet nghẽn liên tục vì Con Cuông là huyện miền núi vùng sâu vùng xa. Nhiều đêm đội trời mưa lặn lội từ bến đò Chôm Lôm về huyện lỵ, bụng đói cồn cào. Phố núi vắng hoe, quán xá đóng cửa tắt đèn, mấy anh em phóng viên phải ăn mỳ tôm sống trừ bữa.

Cúp điện, tối như bưng, chúng tôi thắp nến hì hục viết trong đêm. Ngay cả nến cũng không đủ, tôi chạy ra Bưu điện trung tâm, đứng viết cạnh chiếc bàn dành cho khách hàng, dưới quầng sáng hắt ra từ ánh đèn “khi mờ khi tỏ”.

Hoàn thành phóng sự về vụ đắm đò, phải truyền ngay ra toà soạn để kịp đăng số ngày mai, nhưng điện mất, Internet không hoạt động. Khó nhất là mấy tấm ảnh vừa chụp được, xử lý ra sao đây?

Tôi chạy vào Vườn quốc gia Pù Mát nhờ Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát hồi đó là ông Nguyễn Thanh Nhàn giúp đỡ. Giám đốc Nhàn lệnh cho nhân viên trực phát máy nổ. Điện sáng, hì hục gõ lại bài viết trên máy tính, truyền ra Hà Nội.

Tác nghiệp trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, báo Tiền phong đã có hàng chục tin, bài, kịp thời chuyển đến bạn đọc những thông tin nóng bỏng về vụ tai nạn thương tâm tại Lạng Khê. Có thể nói, Tiền phong là tờ báo phản ánh đầy đủ nhất diễn biến của vụ đắm đò kinh hoàng này.

Lan tỏa tình người

Từ vụ đắm đò thảm khốc đến cây cầu nghĩa tình ảnh 2
Đóng góp xây dựng cầu Chôm Lôm  Ảnh: Ngọc Vinh

Nhận thức rõ nguyên nhân của vụ tai nạn đau lòng này, Ban Biên tập báo Tiền phong quyết định phối hợp với tỉnh Nghệ An mở cuộc vận động xây cầu Chôm Lôm. Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An ra thông báo số 161 (ngày 13/10/2006) chỉ đạo Tỉnh Đoàn và Đài PTTH hưởng ứng, tổ chức cầu truyền hình nhân đạo, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ. Nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc.

Cuộc vận động nghĩa tình của báo Tiền phong không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà doanh nghiệp, mà còn được đông đảo bạn đọc hưởng ứng. Tại Nghệ An, nhiều em học sinh nhịn ăn sáng, đóng góp tiền xây cầu cho các bạn miền núi đi học.

Có cụ già lưng còng tóc bạc, chống gậy đến Ban Đại diện báo Tiền phong và Đài PTTH góp số tiền ít ỏi mà các cụ dành dụm được. Tỉnh Đoàn và Sở GD&ĐT Nghệ An phối hợp phát động toàn thể đoàn viên, thanh niên, các em thiếu niên ủng hộ tiền xây cầu.

Cuộc vận động của báo Tiền phong và tỉnh Nghệ An tạo thành một phong trào mạnh mẽ, lan tỏa trong mọi thành phần xã hội. Sau 4 tháng phát động, số tiền các cá nhân, đơn vị trong và ngoài nước ủng hộ đã lên tới trên 4,3 tỷ đồng.

Ngày 21/12/2006, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật. Ngày 2/2/2007, quyết định phê duyệt kết quả thầu dự án cầu treo Chôm Lôm được ban hành. Đầu năm 2007, cầu Chôm Lôm khởi công xây dựng cách bến đò cũ 125m về phía thượng lưu. Cầu dài 167m, rộng 2,2m, gồm nhịp treo và hai nhịp dẫn, có thể chịu được tải trọng xe ô tô 2,5 tấn, do Cty TNHH 201 (Hà Nội) và Cty Ngọc Bích (Bắc Cạn) thi công.

Sau 9 tháng thi công, ngày 10/11/2007 cầu treo Chôm Lôm khánh thành, đưa vào sử dụng. “Đây là nhịp cầu của lòng nhân ái. Tỉnh Nghệ An xin cảm ơn báo Tiền phong, cảm ơn sự đóng góp quí báu của các nhà hảo tâm” - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Phan Đình Trạc xúc động nói.

Cây cầu đổi thay

Không chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau vụ đắm đò thương tâm, cuộc vận động xây cầu Chôm Lôm của báo Tiền phong và tỉnh Nghệ An còn làm đổi thay cuộc sống của người dân Lạng Khê.

Học sinh qua bến Chôm Lôm từ nay không phải “qua sông luỵ đò”, tránh những cái chết đau lòng (tại Chôm Lôm đã có trên 30 người tử nạn vì chìm đò, chìm thuyền). Cư dân hai bờ thuận tiện hơn khi đi lại, giao thông ổn định, dịch vụ thương mại phát triển, cuộc sống của người dân Lạng Khê khởi sắc từng ngày.

Chị Lộc Thị Hà (Chôm Lôm) cho biết: “Từ khi có cầu treo bắc qua sông, chúng tôi muốn đi ra thị trấn dễ dàng hơn, nhất là mùa mưa lũ. Lương thực, thực phẩm và các loại hàng hoá tiêu dùng vận chuyển từ miền xuôi lên Lạng Khê cũng rất thuận tiện, nhờ đó giá cả rẻ hơn trước, không còn cảnh tư thương bắt chẹt bà con nông dân mùa nước dâng”. Từ bến sông, con đường mới nối liền 3 bản Chôm Lôm, Đồng Tiến, Yên Hoà vừa hình thành, chấm dứt cảnh thôn bản bị chia cắt, cô lập khi lũ tràn về.

Phấn khởi nhất là các em học sinh. Ngày chưa có cầu treo Chôm Lôm, mỗi lần qua sông là mỗi lần đối mặt với tử thần. Dòng sông Lam chảy xiết, chiếc đò cũ nát luôn đầy khách, tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Giờ đây có cầu mới, học sinh Trường THCS Lạng Khê an toàn qua sông.

“Hàng ngày đi học, chúng em không sợ muộn giờ nữa vì không phải xếp hàng chờ đò đưa qua sông. Có cầu Chôm Lôm, đoạn đường từ nhà đến lớp rút ngắn lại’’- Em Lương Thị Duyên, học sinh Chôm Lôm phát biểu.

“Cuộc sống của người dân nơi đây đã khá lên trông thấy. Đường sá sạch sẽ, nhiều gia đình sắm xe máy phục vụ đi lại và buôn bán. Chôm Lôm nói riêng, Lạng Khê nói chung, giờ đã đổi thay nhiều. Từ bờ hữu nhìn sang, bản Chôm Lôm yên bình nép mình bên dòng Lam, nhịp cầu treo như vầng trăng nối đôi bờ hiền hòa.

MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.