Theo Báo cáo số 385/BC-CCKL của Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên ngày 9/3/2007 về việc quản lý các cơ sở gây nuôi và trồng cấy nhân tạo động vật, thực vật hoang dã, trên địa bàn tỉnh phát hiện tại trại nuôi ở nhà ông Nguyễn Khắc Thường ở phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên có 4 con hổ không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc theo đúng quy định hiện hành.
Tại biên bản làm việc ngày 21/3/2007 với đại diện Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, ông Thường khai báo:
Vào tháng 7/2006 đã tới Đồng Nai mua 4 con hổ gồm 3 con đực và 1 con cái có trọng lượng khoảng 6kg do bà Dương Thị Nhã (trú tại xã Tân Trang, ấp Phú Tân, huyện Long Thành, Đồng Nai) môi giới với số tiền tổng cộng 280 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong biên bản xác minh số 42451/BB - XM ngày 30/3/2007 của Hạt Kiểm lâm Long Thành, Đồng Nai với bà Dương Thị Nhã, bà Nhã đã xác nhận không bán hổ cho ông Thường.
Sau khi đưa 4 con hổ về Thái Nguyên, ông Nguyễn Khắc Thường đã có đơn trình báo chính quyền địa phương và Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên về việc mua hổ và xin được cấp giấy phép nuôi và chăm sóc nhưng không có hồ sơ chứng minh nguồn gốc theo quy định.
Dù vậy nhưng ngày 19/10/2006 Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã có văn bản số 800/CV-KL đồng ý cho phép ông Thường được nuôi số hổ kể trên.
Sau khi xác minh vụ việc, ngày 22/6/2007 Bộ NN&PTNT đã có Văn bản số 1692/BNN-KL đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguồn gốc số hổ hiện đang được ông Thường nuôi giữ, nếu không có nguồn gốc hợp pháp cần tiến hành xử lý theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả trước ngày 16/7/2007.
Tuy nhiên đến nay Bộ NN&PTNT vẫn chưa nhận được báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên về vụ việc.
Ngày 16/7/2007, Cục Kiểm lâm có văn bản yêu cầu Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm trong việc quản lý động vật hoang dã, khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết vụ việc.
Theo thông tin của chúng tôi, hiện số hổ do ông Thường nuôi giữ đã bị chết một con, còn lại 3 con gồm 2 con đực và một con cái đang được nuôi giữ với trọng lượng của mỗi con từ 90 - 100 kg.
Bộ, Cục nói “Có”, Chi cục nói “Không”!
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại về vụ việc này, ông Nguyễn Văn Thông, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên cho biết sau khi biết được thông tin về vụ nhập hổ trái phép của hộ ông Thường, Chi cục đã giao cho Phòng Thanh tra - Pháp chế kiểm tra lại sự việc.
Cũng theo khẳng định của ông Thông số hổ ở nhà ông Thường là hổ có nguồn gốc. Tuy nhiên nội dung xác minh nguồn gốc số hổ trên như thế nào thì ông không nhớ và phải kiểm tra lại.
Trả lời về việc có hay không việc Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên ra văn bản vượt quyền cho phép ông Thường được nuôi số hổ không nguồn gốc nói trên, ông Thông nói:
“Tôi nghĩ là không phải. Chắc là Chi cục Kiểm lâm không ra văn bản cho phép nuôi như vậy”.
Ông Thông cũng cho biết hiện Bộ NN&PTNT và Cục Kiểm lâm vẫn chưa có văn bản chỉ đạo lại đối với trường hợp nuôi hổ không có nguồn gốc của hộ ông Thường.
Trao đổi với Tiền phong, một lãnh đạo Cục Kiểm lâm cho biết để giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi hổ và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm không có nguồn gốc hợp phát trên toàn quốc nói trên và tại Thái Nguyên nói riêng, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng xem xét chỉ đạo UBND tỉnh Thái Nguyên xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật.
Vị lãnh đạo này cũng xác nhận số hổ ở hộ ông Thường là hổ không có nguồn gốc và được nhập lậu về.
Cũng theo tài liệu chúng tôi thu thập được và theo báo cáo của Cục Kiểm lâm cũng như xác nhận của một lãnh đạo Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên đã tự ý ra văn bản cho phép hộ ông Thường nuôi số hổ trên và đây là một quyết định vượt quá thẩm quyền của trong việc xử lý công tác quản lý động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB.