5 năm, nhà máy vẫn bỏ hoang |
Như Tiền phong đã phản ánh, Tổng Cty Xây dựng miền Trung (COSEVCO, trụ sở chính tại Đà Nẵng) nợ nần, thua lỗ, mất vốn nhiều ngàn tỷ đồng.
Nhưng đó là mất của nhà nước, còn với cá nhân nó là chỗ làm ăn béo bở cho người nhà ông Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Đính.
Biến Tổng Cty nhà nước thành “Công ty gia đình”
Trong số 34 đơn vị thành viên, chỗ nào “ngon lành” nhất, nghĩa là làm ăn được, hoặc mới lập dự án, ký hợp đồng mua dây chuyền sản xuất, máy móc để hưởng %..., thì đều do người nhà ông Đính “cai trị”, bất chấp người đó có bằng cấp hay không và sự phản đối quyết liệt của CB-CNV trong nhiều năm liền.
Cụ thể: Ông Trần Xuân Đoát, em ruột ông Đính, giữ chức Trưởng BQL Dự án nhà máy cán thép tại Quảng Trị (bài viết trước đã đề cập). Sau khi dự án phá sản, ông Đoát được bổ nhiệm làm Phó TGĐ Nhà máy gỗ MDF Geruco COSEVCO tại Quảng Trị.
Nhà máy này là dự án nhóm A, đầu tư ban đầu 300 tỷ đồng, sau “đội” lên tới gần 457 tỷ đồng, đang có rất nhiều khuất tất!
Ông Trần Xuân Sơn, em ruột ông Đính, trình độ không có, được bổ nhiệm làm TGĐ Công ty COSEVCO 1 tại Quảng Bình. Ông Trần Xuân Tùng, em ruột ông Đính, chưa học hết phổ thông, đã được phụ trách khách sạn Costar (thuộc COSEVCO tại Đà Nẵng).
Sau khi bán KS này, ông Tùng nay là Phó GĐ Cty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng COSEVCO. Ông Trần Xuân Hải, em ruột, học hành nhom nhem, vẫn được giao phụ trách Phòng kế hoạch Nhà máy ximăng Sông Gianh COSEVCO (Quảng Bình) công suất tới 1,2 triệu tấn/năm.
Ông Trần Quang Minh, con đẻ ông Đính, buổi đầu làm Phó BQL Nhà máy ximăng Sông Gianh khi đang tiến hành lập dự án (dự án nhóm A), nay đã lập Cty riêng và có nhiều quan hệ “mật thiết” với Tổng Cty COSEVCO.
Ông Trần Xuân Thông, con đẻ, năng lực kém, vẫn làm giám đốc Cty Cổ phần Tư vấn xây dựng và Kinh doanh bất động sản COSEVCO. Ngoài ra, ông Đính còn “găm” em gái và nhiều người thân quen khác vào những vị trí dễ “làm ăn” trong Tổng Cty.
Tha hồ “bóp nặn” đối tác
Theo đơn tố cáo mới đây (đơn lần thứ 19) gửi các ban, bộ ngành T.Ư của ông Trương Duy Cường – GĐ Cty Cơ khí đúc Ánh Hồng (tại Nam Định), từ những năm 1997-1999, qua quan hệ làm ăn, vợ chồng ông Trần Xuân Đính đã “khất nợ” số tiền 600 triệu của DN tư nhân này, và buộc trừ dần vào tiền % hoa hồng các lô hàng mà ông Cường cung cấp.
Sau đó, Cty Ánh Hồng bị ép bỏ vốn liên danh với Cty thi công cơ giới thuộc COSEVCO tại Đà Nẵng, lập ra Cty CP Cơ khí và Xây dựng COSEVCO (viết tắt là Cty CPCK), nếu không ông Đính sẽ không trả tiền nợ.
Vốn góp liên danh của COSEVCO chỉ là... “thương hiệu” COSEVCO! Ngay khi liên danh ra đời, ông Đính đã nhanh tay ký hợp đồng mua máy phân tích nhanh (để kiểm tra thành phần hoá học sản phẩm) trị giá 1 tỷ đồng.
Hợp đồng mua máy “xịn”, nhưng lại mua về máy “dỏm” của TQ với giá chỉ... 35 triệu đồng, nên không dùng được. Kết quả, sản phẩm thép hợp kim ra lò hỏng cả loạt, dẫn đến Cty CP CPCK thua lỗ nặng nề. Vụ việc này đã được Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng cử người vào kiểm tra và kết luận, nhưng chưa thấy xử lý.
Chưa hết, ông Đính còn buộc Cty CP này cho vay 2 tỷ để đầu tư vào dự án Nhà máy gỗ ở Quảng Trị, đến nay sau gần 2 năm chưa trả. Trong khi Cty CPCK đã ký gói thầu điện động lực 8A, nhưng ông Đính buộc phải rút hợp đồng, để giao cho 1 đơn vị bên ngoài ở Hà Nội thực hiện với giá trị đắt gấp 10 lần so với hợp đồng đã ký.
Cty CPCK không có vốn hoạt động, phải đi vay Cty Ánh Hồng, nhưng khi làm ra 2,2 tỷ đồng sản phẩm bi nghiền tấm lót nhập cho các nhà máy ximăng thuộc Tổng Cty, thì hai anh em ông Đính, ông Sơn buộc ông Cường phải chi tiền hoa hồng, người 5%, người 10%, nếu không sẽ “tẩy chay” sản phẩm của Cty CPCK.
Độc hơn, khi Cty CPCK đã “teo” lại chỉ còn 1 xưởng gia công cơ khí làm để nuôi nhau, ông Đính đã ép phải giao thuê lại cho con gái và con rể của ông với giá 4 triệu đồng trong vòng 3 năm, nếu không sẽ cho ông Cường... “nghỉ”.
Cuối cùng, khi Bộ Xây dựng thấy “quá quắt” quá, đã yêu cầu dừng việc ép buộc trắng trợn này, thì năm 2006, ông Đính lại giở “chiêu” khác, đó là ép ông Cường từ chức và phải bán luôn Cty CPCK cho Tổng Cty, giao chức giám đốc cho ông Lê Phước Hạnh là người nhà ông Đính.
Ông Cường gửi đơn kiện, thì bị ông Đính doạ sẽ không trả số nợ 1,6 tỷ. Trong việc này, câu hỏi đặt ra là: Tổng Cty xây dựng miền Trung lấy tư cách gì để mua lại Cty CP này, vì khi mua xong đã lại là đơn vị 100% vốn nhà nước ?
Nhà máy chỉ có... 1 người! Chiều 1/6, phóng viên vào Khu công nghiệp Nam Đông Hà (Quảng Trị), nơi Tổng Cty Xây dựng miền Trung triển khai Dự án Nhà máy cán thép chất lượng cao và thép định hình. Còn nhớ 5 năm trước chứng kiến cảnh động thổ nhà máy, chủ đầu tư tổ chức hoành tráng với dàn ca múa nhạc “chân dài” từ Đà Nẵng ra phục vụ, khiến người dân tỉnh nghèo Quảng Trị ai cũng háo hức kỳ vọng... Vậy mà nay đến nhà máy, tôi lọt vào khuôn viên rộng mênh mông, một toà nhà 3 tầng cửa kính thênh thang, một dãy nhà cấp bốn, khu nhà giữ xe..., tịnh không một bóng người. Duy chỉ thấy 2 chiếc máy cày, máy xúc hen gỉ lù lù như hai đống sắt. Nhìn quanh, thấy một anh bảo vệ tên Hồ Xuân Tính bận bộ đồ xanh công nhân đen nhẻm tiến đến, ông cho biết: “Nhà máy ni chỉ có một mình tui thôi. Ai trả lương cho tui hả, thì Tổng Cty Xây dựng miền Trung trong Đà Nẵng trả chứ ai vô đây nữa!”. Một dự án hàng trăm tỷ đồng, nhưng sau 5 năm triển khai, giờ chỉ có... một người “cai quản” trong khuôn viên 5,5 ha ấy. Đúng là chuyện thật như... bịa! |