Nhà sử học Dương Trung Quốc. |
- Thưa ông, gần đây có tờ báo kể những câu chuyện được gọi là “thánh vật” ở sông Tô Lịch khiến cho dư luận quan tâm một cách thái quá, thậm chí chuyền tay nhau đọc và bàn tán xôn xao. Ông có nghe thông tin này không và ông có suy nghĩ gì?
- Theo tôi, riêng cái việc dừng từ “thánh vật” trong bài báo cũng đã mang tính báo chí, chủ yếu để gây sự tò mò, thu hút nguời đọc.
Vụ việc này đã diễn ra cách đây mấy năm rồi. Tôi còn nhớ hồi đó báo chí đề cập một cách rất nghiêm túc.
Lúc đầu cũng có những ý kiến khác nhau, và sở dĩ có những ý kiến khác nhau đó mà tôi là người đã được báo Gia đình & Xã hội nhờ đứng ra tổ chức cuộc toạ đàm với sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn để hy vọng giải thích sự việc một cách khoa học.
Đương nhiên vào thời điểm này chúng ta không còn ở thời kỳ chủ nghĩa vô thần thô mộc nữa. Chúng ta tin rằng có đời sống tâm linh.
Đời sống tâm linh ấy là một phần giá trị của đời sống thực, nó giúp cho đời sống thực tốt hơn bằng những nguyên lý mang tính đạo đức.
Tôi lấy thí dụ, “Ở hiền thì gặp lành”, “Ác giả ác báo” v.v... Tôi nhớ hồi còn nhỏ, khi đời sống tâm linh phong phú thì người ta sợ quỷ thần hai vai hơn là sợ ông cảnh binh đội sếp.
Thế nên đời sống tâm linh có mặt tích cực của nó. Nhưng cũng không đến mức chúng ta phải vận vào mình một cách không có cơ sở như thế.
Bởi vì, theo chỗ tôi được biết tác giả bài báo ấy là một người trong cuộc, người đã từng tham gia xây dựng tuyến kè ở sông Tô Lịch vào thời điểm ấy, rồi muốn thể hiện, giãi bày mình gặp rủi ro trong đời sống, trong kinh doanh dẫn đến phá sản và giải thích gắn với hiện tượng của khúc sông ấy.
Tôi là học trò của cố GS Trần Quốc Vượng. Thầy Vượng là nhà khảo cổ, việc thầy giữ một số hiện vật mà do những hoàn cảnh được luật pháp cho phép thì điều đó là rất bình thường. Trên thực tế không chỉ riêng thầy. Thế nhưng vận cái chuyện đó vào thầy và thầy mất sau đó là không có căn cứ vì có hồ sơ bệnh án khoa học. Như thế, trong chừng mực nào đó là xúc phạm đến người đã mất. Nhà sử học Dương Trung Quốc |
Về cá nhân tác giả bài báo ấy chắc cũng không có lỗi gì cả, họ nghĩ thế nào viết như thế, nhưng khi đưa tin không có lời giải thích khoa học, rõ ràng và đặc biệt trong đó người viết mang nặng cảm tính cho nên đã vượt ra khỏi khuôn khổ là những trải nghiệm cá nhân dẫn đến những suy luận mang tính xã hội, liên quan đến người khác. Bởi vậy điều đó là không bình thường.
- Cách đây khoảng 3-4 năm, sau khi đơn vị thi công tại đoạn sông sông Tô Lịch đó phát hiện được nhiều di vật, hiện vật, cơ quan chức năng đã vào cuộc và tiến hành khai quật “chữa cháy”. Lúc đó ông đã đứng ra chủ trì cuộc toạ đàm với sự góp mặt của các nhà chuyên môn để nhận định về sự phát hiện khảo cổ này. Khi đó các nhà chuyên môn đã nhận định ra sao, thưa ông?
- Tôi nhớ hồi đó giới chuyên môn cũng đã đưa ra nhiều hiện tượng về sự cố của đơn vị thi công.
Ngay sau khi phát hiện, những cơ quan có trách nhiệm của Hà Nội cũng đã vào cuộc như Bảo tàng, Sở VH-TT.
Tin rằng, bây giờ tìm lại hồ sơ đều có khá đầy đủ. Khi đó ai cũng thấy rất rõ và được giải thích rằng sự bất trắc của đơn vị thi công tại khu vực đó là bởi ở đây có thể xuất phát từ địa tầng không ổn định do nó nằm giữa nơi hội tụ của ba dòng sông.
Và có lẽ, chính điều đó khiến cho việc khảo sát thiết kế, xây dựng dự án xây dựng tuyến kè không sát với thực tế, dẫn đến thiệt thòi cho doanh nghiệp.
Điều này cũng được đề cập đến trong cuộc toạ đàm. Và nữa, vì là nơi hợp thuỷ của ba dòng sông nên trong quan niệm phong thuỷ cổ điển chắc cũng có yếu tố phong thuỷ.
Nếu quan sát hiện trường mặc dù chưa rõ ràng lắm nhưng cũng có người giả thiết rằng, những dấu vết còn lại cho thấy có một sự yểm nào đó.
Nếu có đi chăng nữa thì cũng rất bình thường trong kiến trúc cổ truyền của người xưa, và nhất là không loại trừ yếu tố của thời kỳ tiền Thăng Long, của thời nhà Đường chiếm đóng, thời Cao Biền.
Thế nhưng, vận nó vào giữa những yếu tố được giải thích dưới góc độ chuyên môn và hiện tượng xã hội gắn liền với vụ việc cụ thể thì tôi nghĩ rằng thiếu căn cứ.
Không ai có thể kết luận được rằng, vì cái vùng đất ấy mà dẫn đến hệ quả mang tính chất thuần tuý là cái sự trả giá về mặt tâm linh.
Còn đương nhiên, nó vẫn là những giả thuyết, chúng tôi tôn trọng những giả thuyết ấy nhưng hồi đó cũng đưa ra những căn cứ khác nhau để cho dư luận xã hội lựa chọn một nhận thức khả dĩ nhất. Sau đấy mọi chuyện cũng lắng dịu.
Việc này không phải không có sự chia sẻ với doanh nghiệp thi công ở đấy nhưng lúc đó không đến mức độ như hiện nay.
Tôi thấy rất nguy hiểm ở chỗ này: Sự trải nghiệm của cá nhân doanh nghiệp ấy chúng ta có thể chia sẻ nhưng sau đó vận vào cái chuyện thí dụ như một lời cầu khấn nào đó có thể mang lại tai họa cho người khác thì khó lòng chấp nhận.
- Trong loạt bài báo vừa rồi, tác giả đã đề cập mang tính ám chỉ chuyện GS Trần Quốc Vượng mất là cũng có liên quan đến việc này. Với tư cách là Tổng thư ký Hội KHLS Việt Nam, ông có ý kiến gì về chi tiết này?
- Việc sở hữu cổ vật hợp pháp, rất nhiều người và những nhà khảo cổ có uy tín như thầy Vượng thì chắc cũng có một số cổ vật do sưu tầm hoặc do người khác tặng để làm cơ sở nghiên cứu.
Rõ ràng đây không phải mục đích bất hợp pháp. Chuyện đó rất bình thường. Cái cổ vật thầy nhận vào thời điểm đó hoặc những cổ vật khác thì cũng như nhau.
Tôi nghĩ rằng vận vào việc thầy bị mất là điều vô căn cứ, phần nào đó đã xúc phạm đến thầy. Chúng ta đều biết, thầy Vượng mất đều có bệnh lý hẳn hoi, có cả một quá trình. Cho nên chuyện đó rất không nên đặt ra trên mặt báo.
Tôi xin nhắc lại là, những gì bản thân người viết bài báo ấy phải trải qua thì ta cũng có thể chia sẻ nhưng cũng không phải là chuyện đưa lên báo vào thời điểm này.
Còn vận vào những chuyện khác mang tính suy luận như thế tôi cho là không nên làm, tạo ra sự hoang mang trong đời sống, vì nó muốn khai thác mặt trái của tâm linh.
Như tôi nói, tâm linh có mặt tích cực để điều chỉnh đời sống xã hội. Còn điều này mang lại sự phân tâm, lo lắng không bình thường cho người dân.
- Là một người dân, khi nhận được những thông tin gọi là “thánh vật” như thế thì ông sẽ nghĩ ra sao?
- Tôi nghĩ, việc này các cơ quan chức năng sẽ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến đời sống xã hội rất phức tạp, đa dạng cho nên cần thận trọng khi xử lý.
Điều quan trọng ở đây là vai trò của cơ quan báo chí, đó là mình cần chủ động điều chỉnh nó.
Tôi lấy ví dụ, trước đây cơ quan báo chí cũng đã phản ánh, thậm chí tổ chức toạ đàm mời các nhà khoa học đến, sau đó phản ánh trung thành với phát biểu.
Đó được xem như một biên bản, không đi đến kết luận. Và người dân dựa vào đấy để có những ứng xử hợp lý.
Vụ việc này diễn ra đã lâu rồi và bây giờ bất kỳ ai có thái độ nghiêm túc muốn đề cập đến thì cần tìm đến cơ quan chức năng để nghiên cứu lại hồ sơ.
Xin cám ơn ông!
Theo Lâm Sơn
Văn Hóa