Từ cái đận, nhà văn Chu Lai cho ra đời tác phẩm “Hà Nội Phố”, người dân Hà Nội vẫn thường gọi phố Lý Nam Đế là “phố nhà binh”. Nhiều năm nay, Đại tướng Chu Huy Mân và gia đình đã sống với cái vui, cái buồn của con phố nhỏ này. Nhà ông ở số 36, Lý Nam Đế.
Năm 2001, gia đình ông đang sửa nhà để chuẩn bị cho lễ mừng thọ lần thứ 90 của vị tướng già. Buổi sáng ngày 25 tháng 5, tốp thợ đào đường ống cũ sau nhà, đến độ sâu 80 cm, phát hiện một vật gì rất rắn, họ lấy xà beng chọc xuống không nhầm nhò gì. Họ càng đào, càng thấy vật này khá dài bèn báo với gia đình.
Tốp thợ tiếp tục đào rộng ra. Đến khi chiếc hố đào rộng ra, chu vi dễ gần đến 2 mét, thì vị tướng già phát hiện đó là một khẩu thần công. “Tôi gọi anh tổ trưởng, tổ chức hơn 10 người dùng chão, ròng rọc đưa lên khỏi mặt đất rồi khênh ra đây, rửa sạch. Tôi loay hoay tìm trên súng có đặc điểm gì không? không thấy chữ gì, lâu quá, súng han gỉ, không còn nhìn ra chữ gì nữa...”, Đại tướng nhớ lại.
Người dân Lý Nam Đế biết chuyện ai cũng ngỡ ngàng: súng thần công của các bậc tiền bối
Khẩu súng thần công của tướng Chu Huy Mân đang được trưng bày tại bảo tàng |
để lại ngay dưới lòng đất, thuộc khuôn viên ngôi nhà của đại tướng, ở “phố nhà binh”. Phải chăng các bậc tiền bối đã ban cho đại tướng súng thần công này (?).
Còn con trai ông, dự định sẽ rửa sạch khẩu thần công, xây một bệ đá thật đẹp ở trước cửa rồi đặt khẩu thần công lên đó, để mọi người đến đây có thể chiêm ngưỡng nó. “Nhưng buổi trưa ăn cơm xong, tôi bật ti vi xem bản tin thời sự của Đài truyền hình Việt Nam thấy Quốc hội đang thảo luận về Luật Di sản Văn hoá. Tôi nghĩ đây là tài sản quốc gia, mọi người dân phải có trách nhiệm đóng góp hiện vật cho bảo tàng, để giữ gìn, bảo quản được lâu dài, phát huy tác dụng trong công tác nghiên cứu và giáo dục. Tôi nghĩ ngay đến chuyện phải chuyển ngay khẩu súng thần công này đến Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) theo Luật di sản. Đầu giờ buổi chiều, tôi lập tức gọi điện cho anh Lê Mã Lương, Giám đốc bảo tàng, để anh ấy cử cán bộ tới chuyển về bảo tàng trưng bày”, đại tướng nói.
Chị Trần Thanh Hằng, nhân viên được Bảo tàng cử đến nhận khẩu súng thần công kể: “Chiều đó, ông đưa chúng tôi tới góc vườn, nơi khẩu súng thần công đã được đưa lên khỏi mặt đất và được rửa sạch bùn đất. 15 giờ 30 phút cùng ngày, khẩu súng thần công được cẩu lên xe chuyển về bảo tàng, được đặt trưng bày dưới chân kỳ đài Hà Nội.
Trước khi đưa ra trưng bày, Bảo tàng mời các chuyên gia về súng thần công của Bảo tàng Lịch sử và Viện Khảo cổ học đến xác định niên đại. Các nhà nghiên cứu căn cứ vào hình dáng cấu tạo, chất liệu, cỡ nòng, độ dài đưa ra kết luận: Súng thần công được chế tạo từ thời Nguyễn có niên đại khoảng cuối nửa thế kỷ XIX. Khẩu thần công này có khả năng các cụ xưa dùng bảo vệ thành Hà Nội.Sau đó ít lâu, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Đại tướng Chu Huy Mân đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã chụp ảnh lưu niệm cạnh khẩu thần công này.
Và chiếc đồng hồ Bác tặng
Tướng Chu Huy Mân (bên trái) tại đài quan sát chiến dịch F2 tháng 6/1972 |
Với vóc dáng đậm, nhanh nhẹn, vầng trán rộng, nước da hồng hào, nét mặt cương nghị, khó ai đoán được ông đã ở tuổi ngoài 90. ở ông toát lên một phẩm chất đặc biệt, một tính cách mạnh mẽ. Ngoài khẩu súng thần công, ông đã hiến tặng bảo tàng 5 kỷ vật quý giá của cuộc đời quân ngũ, cuộc đời của vị tướng cầm quân đánh giặc gan góc, lừng lẫy một thời ở chiến trường Khu 5.
Trong số kỷ vật đó có chiếc đồng hồ Wyler do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ông tháng 5 năm 1957. Hỏi vì sao Bác Hồ lại tặng đồng hồ cho ông, ông bảo: “Hồi đó ông Cụ chỉ nói ngắn gọn “Bác tặng đồng hồ cho chú vì chú có thành tích giúp Đảng, nhân dân cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp”. Mặt sau chiếc đồng hồ khắc chữ Hồ Chí Minh bằng chữ Hán. Đây là một trong ba chiếc đồng hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho ba cán bộ quân đội có đóng góp công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp (Đại tướng Chu Huy Mân, đồng chí Nguyễn Chánh- Tổng cục trưởng Tổng cục Cán bộ và đồng chí Nguyễn Bá Phát- Cục trưởng Cục bờ biển).
Ông cười hiền hậu và nói với chúng tôi, đã có lúc nghĩ lại, tôi muốn đề nghị bảo tàng cho mượn lại chiếc đồng hồ, tôi sẽ đặt làm một chiếc hộp sơn son thếp vàng thật đẹp đặt trên bàn thờ gia đình, để tôi luôn được nhớ lại những kỷ niệm của những năm tháng đánh giặc dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi tôi đi theo Bác Hồ, gia đình sẽ gửi lại bảo tàng. “Nghĩ vậy, nhưng làm sao mình phạm Luật di sản văn hoá được.
Hiện vật bảo tàng là tài sản vô giá của quốc gia, của dân tộc, nó có những nguyên tắc riêng. Hiện vật được lưu giữ và trưng bày ở bảo tàng có tác dụng giáo dục lòng yêu nước và những tình cảm cách mạng trong sáng cho các thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ là tốt lắm”, ông tâm sự.
|