Những 'thảm họa' nhạc nhẹ Việt

Những 'thảm họa' nhạc nhẹ Việt
TP - Đang dâng lên những đợt sóng khán giả phản đối các tiết mục nhạc nhẹ (V - pop) kém chất lượng và phản cảm của nhiều ca sĩ Việt Nam.
Những 'thảm họa' nhạc nhẹ Việt ảnh 1

Cuối 2009, trên YouTube truyền đi một đoạn băng giới thiệu các ca sĩ và ca khúc được cho là “Thảm họa V-pop”. Cuối băng, người xem được đề nghị bình chọn cho… người thua cuộc.

Đoạn băng chưa đầy 5 phút trích những màn biểu diễn trực tiếp cũng như video-clip của một số người đang hành nghề ca sĩ hiện nay cho thấy sự vô thưởng vô phạt của lời hát, sự đơn giản, lặp lại đến tội nghiệp của âm nhạc.

Hai trong số ứng viên sáng giá cho giải “Thảm họa của năm” là Lê Kiều Như và Phi Thanh Vân. “Tại sao báo chí đổ xô vào đưa về cuốn sách dở của Lê Kiều Như mà chuyên môn ca sĩ của cô ta thì lại không,” một nhạc sĩ đặt vấn đề với người viết bài.

Quả thực, khi một sản phẩm nghệ thuật không có tội tình gì ngoài việc rất dở thì cũng chẳng thể ngăn cản sự lan truyền của nó. Dường như các nhà phê bình từ lâu đã bó tay trước một đời sống âm nhạc quá đa dạng!? Nhưng khán giả thì không. Họ có cách phê bình riêng.

Bài Da nâu của Phi Thanh Vân đại thể chỉ gói gọn trong mấy câu: “Em sống trong ước ao/ Em sống trong khát khao/ Làn da nâu...” Một khán giả tức khí thốt lên: “Nếu muốn vậy thì ra Vũng Tàu phơi nắng là được chứ gì, cần gì ước ao, khát khao…”.

Ca nhạc hay tấu hài?

Khán giả tiếp nhận và nhân bản một số tiết mục được liệt vào dạng “thảm họa” như một trò cười. Được hưởng ứng nhiệt liệt nhất phải kể đến Da nâu - lên mạng đầu năm 2009.

Những 'thảm họa' nhạc nhẹ Việt ảnh 2
Những đoạn băng châm biếm các tiết mục ca nhạc thu hút hàng vạn lượt người xem trên YouTube

Nó khiến khán giả như NSƯT Thành Lộc cũng không thể ngồi yên. Anh đổi lời bài hát thành “da trâu” và đưa vào diễn trong vở Phù thủy lắm chiêu cuối năm 2009 với những lời thoại “Mày nghĩ sao, viết nguyên cái bài hát vậy mà lấy tiền người ta được à?!”. Thành Lộc trong vai ca sĩ phù thủy bồi thêm: “Anh ấy lấy tiền em cao lắm đó…”.

Dạo này trên mạng bùng nổ các đoạn băng nhép tiếng với mục đích chọc cười. Và thế là không biết bao bạn trẻ thể hiện thái độ bằng cách nhép lại cả Da nâu lẫn Da trâu. Cho đến đầu năm nay, trò này vẫn được nhiều người diễn lại.

Cuối tháng 3, Phi Thanh Vân lên báo mạng xin lỗi khán giả và khẳng định Da nâu “thực sự là một tai nạn nghề nghiệp”. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử ca nhạc nước nhà, một ca sĩ tự giác xin lỗi vì chính bài hát mà mình đã lựa chọn để trình diễn.

Rất được cư dân mạng ưa thích diễn lại còn có các tiết mục hát bài nước ngoài của Vũ Hà. Chỉ có điều lời hát đã đổi để nói về chính ca sĩ. Những đoạn băng cũng như những hình ảnh được lắp ghép kiểu này liên tục được đưa lên trang Hội những người phát cuồng vì Vũ Hà trên Facebook với hơn 13.800 thành viên.

Bấy lâu, một chiêu lăng-xê ăn theo đơn giản mà hiệu quả của ca sĩ Việt Nam là hát lại bài nước ngoài. Việc hát lại quá nhiều và quá dễ dãi của một số ca sĩ gây phản cảm trong khán giả, nhất là trong điều kiện hiện nay, khán giả có thể dễ dàng tiếp cận với bản gốc.

Thực tế là các ca sĩ không có giọng, lười sáng tạo nghệ thuật, thị hiếu thẩm mỹ có vấn đề vẫn đang tồn tại. Một bài hát có vấn đề đồng thời cũng sẽ có nhiều người tải về điện thoại để giải trí. Nghịch lý này lại là động lực để một số ca sĩ tiếp tục tung ra những sản phẩm nhằm kiếm tiếng và miếng.

MỚI - NÓNG