Hai tác giả được trao giải nhì cuộc thi thơ ĐBSCL lần 4:

Ban tổ chức làm mất vui

Ban tổ chức làm mất vui
TP - Cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ 4-2009 có 2 tác giả đoạt giải nhì đều là nữ và các chị trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong.

>> Vụ "Trăng nghẹn" "nghẹn" giải vì chưa đúng thể lệ?

Ban tổ chức làm mất vui ảnh 1
Ngô Thị Thu Vân (trái) và Lê Thanh My


PV: Theo chị, Ban tổ chức bỏ giải nhất có nên không?

Lê Thanh My: Bỏ giải nhất thì không được hay lắm. Cuộc thi như một cuộc chơi, để đóng góp một điều gì đó cho cuộc sống được sâu sắc, vui vẻ. Quan trọng là vui vẻ. Cuộc thi vài năm tổ chức một lần, đặt vấn đề và kỳ vọng nên nhỏ thôi, không nên cho là cái gì để đời ghê gớm lắm. Nếu có giải nhất thì giải nhì cũng vui hơn.

Theo tôi, Ban tổ chức của Cần Thơ quyết định bỏ giải nhất là chưa thấu đáo.

Ngô Thị Thu Vân: Riêng cá nhân tôi thì thấy trao được giải nhất cho bài thơ Trăng nghẹn là hay hơn, vui hơn. Ban tổ chức bỏ giải nhất đã có giải thích trong báo cáo tổng kết tại buổi trao giải và trên các phương tiện truyền thông, tôi không nói thêm nhưng tôi không đồng ý.

PV: Với tư cách là nhà thơ, chị thấy bài thơ Trăng nghẹn như thế nào?

Lê Thanh My: Với tư cách một nhà thơ, tôi thấy Trăng nghẹn không có vấn đề gì. Một bài thơ, nếu đòi hỏi hoàn hảo quá thì cũng khó.

Như bài thơ của tôi, được giải nhì nhưng cũng có một số người chê dữ lắm. Nhưng tôi dự thi là hưởng ứng Ban tổ chức, mong muốn góp vui với đời sống văn nghệ ĐBSCL, được giải là mừng, khen chê không thành vấn đề quan trọng. Quan trọng là sự công tâm, vì đời sống văn nghệ của Ban giám khảo, Ban tổ chức.

Ngô Thị Thu Vân: Bài thơ Trăng nghẹn, những điều tác giả bộc lộ là những cảm xúc rất riêng của nhà thơ, cần phải tôn trọng cảm xúc riêng tư ấy.

Nhận định, đánh giá bài thơ Trăng nghẹn thì Ban giám khảo đã đánh giá, công chúng thơ đã đánh giá và tôi theo dõi cũng không thấy ai chê bai nặng. Cá nhân tôi thấy bài thơ rất giàu cảm xúc.

PV: Qua cuộc thi lần này, chị thấy có nên rút kinh nghiệm gì để các cuộc thi sau vui hơn, đóng góp tích cực hơn cho đời sống văn nghệ ĐBSCL?

Lê Thanh My: Một tác phẩm văn chương sẽ có khen chê này nọ và các phản ứng đều là cá nhân thôi. Ban tổ chức và Ban giam khảo cần tôn trọng nhau làm sao để các cuộc thi đạt được niềm vui trọn vẹn.

Ngô Thị Thu Vân: Thi thơ thì cũng nên đơn giản, không nên làm căng thẳng nọ kia. Qua cuộc thi này, tôi nghĩ lãnh đạo các hội văn nghệ ở ĐBSCL sẽ có suy nghĩ, bàn bạc làm sao cho các cuộc thi sau này dân chủ, vui vẻ hơn, góp phần làm cho đời sống văn nghệ ĐBSCL khởi sắc.

 Sáu Nghệ
Thực hiện

Hậu Trăng nghẹn: Buồn  hơn Trăng nghẹn

Đọc lại những bài thơ được giải cuộc thi thơ ĐBSCL 2009, phần lớn thấy quá nhiều nỗi buồn riêng tư, không ăn nhập gì với tiêu chí phản ánh công cuộc đổi mới, hội nhập, mà Ban tổ chức dựa vào để loại “Trăng nghẹn” khỏi giải.

Sương hồ - bài thơ giải Nhì khá ngắn:   

Lá mỏng như sương

Mang cả mùa đông trên áo

Chiếc xuồng nhỏ đầy khoang      

                                        mộng ảo

Hảo hán,  hề… bó gối, khoanh tay

 Trời lặng mà lòng lá lay

Ai thả sợi thời gian, câu nửa đời

                                          tay trắng ?

Nụ cười vỡ toang

Mà búng Bình Thiên vẫn lặng

Vai giang hồ - túi rỗng -  mộng

                                       đầy trăng…

Sương của ngàn năm

Vẫn lạnh như băng

Bàn tay ấy

Em !

Một lần làm ta viễn vọng

Xua những mùa xưa trĩu nặng

Ta mang hồn đi rong.

Ông Trưởng ban tổ chức Phan Huy trả lời báo Tiền Phong, rằng: “Bài Trăng nghẹn không hợp thể lệ cuộc thi, đó là (không -NV) viết về công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, phát triển và hội nhập của ĐBSCL”.

Vậy bài thơ giải Nhì vừa nêu lên ngôi cao nhất của cuộc thi toát lên điều gì, có phù hợp không nếu xét theo tiêu chí trên?

Tất nhiên, đọc một tác phẩm chẳng ai thô thiển đến mức chẻ câu chữ để ép vào một ba-rem khô cứng, xem nó có đúng hay không đúng, thay vì xem nó hay ở chỗ nào.

Bài Sương hồ mang khẩu khí “hồ trường”, tứ và ngôn ngữ khá sáo mòn. Một nỗi niềm được thể hiện chưa tới, khó gieo cảm xúc cho bạn đọc như nỗi buồn đầy xúc động, mang ý thức công dân rất mạnh của Trăng nghẹn.

Bài giải Nhì còn lại (Đôi bờ) tuy cố gắn vào “đề bài” của cuộc thi qua hình ảnh cây cầu mới, nhưng tứ thơ cũ: Cây cầu mới tưởng sẽ nối gần mối tình đôi lứa, nhưng lại là chứng nhân của cuộc chia tay. Nỗi buồn ở đây cũng thể hiện chưa tới, nghèo cảm xúc. Đây cũng là điều đáng buồn.

Về nhà xưa uống rượu – tác phẩm giải Ba thực sự là một câu chuyện cảm động. Nhưng toát lên vẫn là nghèo và buồn, đâu ăn nhập gì với yêu cầu “phản ánh đổi mới, hội nhập” Ban tổ chức đề ra      

“Anh em đường phiêu bạt

Hội ngộ nào biết đâu

Tiễn anh về nơi ấy

Ta nhìn theo ngậm ngùi

Chiều ngã vàng trang giấy

Bóng một mình ta trôi”

Bài giải Khuyến khích (Thơ buồn ta viết vì em) cũng lại một nỗi buồn riêng tư :

“Sông đời cá lội biệt tăm

Tình xiêu bến lạnh, trầm ngâm

                                         gió lùa

Đang đông em đợi sang mùa

Đang xuân ta đợi tiếng mưa

                                    giang đầu

Ngày xuân, sợ tóc phai màu

Dỗ lòng nhau với những câu

                                        thơ buồn

Vì em - bóng chiếc dặm trường

Hay vì ta – dạt cuối đường

                                    tử sinh ?”

Như trên đã nói, không thể nhốt một bài thơ vào khuôn mẫu “đề bài”. Hay – dở của một tác phẩm cũng phần lớn tuỳ thuộc vào cảm thụ riêng từng người. Những người chấm giải có quyền đánh giá, chọn lựa của riêng mình.

Vấn đề ở đây là Ban tổ chức cuộc thi đã cho thấy sự bất nhất trong đánh giá về sự “hợp lệ” theo tiêu chí, thể lệ đề ra. Khăng khăng chụp Trăng nghẹn vào khuôn thể lệ để gạt ra khỏi giải, có lẽ không phải bởi chính sự tôn trọng thể lệ đó?

MỚI - NÓNG