Lợi ích quốc gia

Lợi ích quốc gia
TP - Gần đây, dư luận rất quan tâm đến việc Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng lên tiếng về việc 10 tỉnh dọc biên giới cho doanh nghiệp nước ngoài thuê gần 300.000 ha rừng, kể cả rừng phòng hộ đầu nguồn và những địa điểm xung yếu đối với quốc phòng và an ninh quốc gia.

Trong đó, diện tích các doanh nghiệp Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc thuê đến 264.000 ha, chiếm 87% diện tích rừng cho thuê.

Đây là vấn đề không chỉ “sai một ly, đi một dặm” mà có thể đi sai cả ngàn dặm và chưa biết sẽ đi đến đâu, gây ra những hệ quả nào, vì diện tích cho thuê quá rộng, thời gian thuê là nửa thế kỷ, vị trí thuê có tính chiến lược về quốc phòng và an ninh.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh và Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Lạng Sơn đã lên tiếng trả lời phỏng vấn đài BBC, bác bỏ lo ngại và sự phản đối của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, bảo vệ quyết định của tỉnh trong khi các cơ quan có trách nhiệm chưa chính thức trả lời ý kiến tâm huyết của tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Đã đến lúc công luận lên tiếng đòi hỏi có sự thẩm định độc lập quá trình cho thuê, luận cứ kinh tế - kỹ thuật cũng như các vấn đề liên quan đến quốc phòng - an ninh của đất nước chứ không thể chấp nhận tình trạng ai nói cứ nói, rừng tỉnh tôi, tôi cứ cho thuê.

Cần khẳng định việc bảo vệ rừng và đất rừng là lợi ích quốc gia, liên quan đến những tỉnh hạ nguồn và việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đến gần 300 ngàn ha rừng đến 50 năm là việc quốc gia đại sự, chứ không thể là việc riêng của tỉnh này hay tỉnh khác nữa.

Trước hết, việc chặt phá rừng cũ, trồng rừng mới hiệu quả đến đâu đang là một vấn đề còn tranh cãi trên thế giới.

Nhiều chuyên gia quốc tế đã cảnh báo Việt Nam nếu trồng mới không hiệu quả, kịp thời, đúng yêu cầu kinh tế - kỹ thuật, kịp thời vụ (để tránh bị rửa trôi, xói mòn vào mùa mưa khi chặt cây rồi nhưng chưa kịp thời trồng được cây mới) thì chẳng khác gì “tự chặt đôi chân lành lặn, nguyên vẹn của mình để lắp vào đấy đôi chân giả”. Tức là lợi bất cập hại và hại gấp nhiều lần.

Có rất nhiều lý do để lo ngại: nếu trồng không đúng cây, theo đúng phương án kinh tế - kỹ thuật, đúng thời hạn, nếu công ty thiếu trách nhiệm hay không đủ năng lực, nếu giám sát thiếu chặt chẽ, phương án cho thuê có sơ hở, chỉ cần chặt hết gỗ đã có lãi thì việc trồng lại rừng có thể là một việc trên giấy hoặc kéo rất dài, gây ra những hệ quả khó lường.

Để có căn cứ quyết định, cần làm thí điểm trên quy mô nhỏ, có sự giám định độc lập chặt chẽ, đi đến kết luận chắc chắn trước khi làm đại trà.

Kinh nghiệm các nước cho thấy việc cho các công ty Trung Quốc thuê đất, thực hiện thầu là rất phức tạp, khác hẳn với kinh nghiệm đối với các công ty khác.

Các công ty này thường mang theo đông đảo công nhân Trung Quốc đến làm việc, kéo theo các dịch vụ mua sắm, ăn uống đặc thù của văn hóa Trung Quốc, thậm chí lập ra khu phố riêng, tiêu tiền Trung Quốc với nhau.

Tạp chí Tấm Gương (CHLB Đức) đã có bài phóng sự về thị trấn Bò Tèn của Lào, gần biên giới với Trung Quốc, tràn ngập công nhân Trung Quốc, đường sá có biển chỉ tiếng Hoa, đồng Nhân Dân Tệ tiêu thoải mái, người Lào ở đó chỉ còn là công dân Lào về mặt hành chính còn thực chất là “công dân kinh tế Trung Quốc”.

Một số nước châu Phi cũng đã có kinh nghiệm tương tự với các công ty khai thác rừng, khoáng sản của Trung Quốc.

Thử hỏi, với thời gian cho thuê 50 năm, số diện tích cho thuê lớn, số người lao động cần huy động sẽ lên đến bao nhiêu và ở trên những địa bàn ấy bao lâu.

Đó là những kịch bản không thể hoàn toàn loại bỏ, cần tỉnh táo xét đến trước khi trở thành “sự việc đã rồi”.

Vì vậy, toàn bộ các hợp đồng của các tỉnh đã ký kết về việc cho doanh nghiệp nước ngoài thuê dài hạn cần được đưa ra thẩm định bởi một Hội đồng khoa học độc lập, hoạt động công khai minh bạch, dưới sự giám sát của Quốc hội và các cơ quan công luận.

Toàn bộ hồ sơ về quá trình cấp phép cần được kiểm tra nghiêm túc, lấy ý kiến chính thức các cơ quan liên quan, kể cả các cơ quan có trách nhiệm về quốc phòng an ninh.

Hội đồng sẽ có trách nhiệm đề xuất những kiến nghị cần thiết để xử lý các hợp đồng đó nhân danh lợi ích lâu dài của quốc gia và của dân tộc chứ không phải lợi ích ngắn hạn của một địa phương.

Nếu phát hiện có những nghi vấn trong quá trình ký kết hợp đồng, cần có sự vào cuộc của các cơ quan có trách nhiệm để làm rõ vụ việc.

Điều cần rút kinh nghiệm ngay là tại sao một việc quan trọng như vậy, cho thuê từng ấy đất rừng, thời gian 50 năm, diễn ra trên 10 tỉnh ở những địa bàn xung yếu về an ninh - quốc phòng lại không bị phát hiện sớm hơn bởi các cơ quan quản lý, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm khác?

Nếu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không lên tiếng thì vụ việc có lẽ đã êm xuôi chăng và hệ quả sẽ thế nào?

Công luận mong đợi sự vào cuộc của các cơ quan có trách nhiệm, của các nhà khoa học và mong các cơ quan chức năng sớm có trách nhiệm trả lời không chỉ đối với cá nhân công dân Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mà đối với đông đảo người dân Việt Nam.

MỚI - NÓNG