Xót xa trước thực trạng tài nguyên rừng bị khai thác ngày càng cạn kiệt, anh Hoàng Mạnh Cường, tổ 1 khối 8, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk quyết định hướng phát triển kinh tế của mình là nuôi động vật hoang dã để bảo tồn, phát triển những loài thú đang ngày càng khan hiếm.
Sau khi đi nhiều nơi học hỏi, làm thủ tục đăng ký, gây giống… tới nay anh đã có trại động vật hoang dã tổng cộng 1.154 con. Trong đó có rắn hổ chúa, hổ mang, khỉ đuôi dài, kỳ đà, rùa đất lớn, chồn hương…tất cả đều được cơ quan kiểm lâm tạo điều kiện hoàn tất thủ tục chứng nhận đăng ký.
Hàng năm riêng việc bán giống động vật đi các tỉnh đem lại cho anh hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Những con được xuất bán đều có giấy phép của Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk.
Sản phẩm tâm đắc nhất anh Cường đã tạo ra từ trại động vật hoang dã này là cà phê chồn, thức uống đắt nhất thế giới. Cho chúng tôi xem 5 tạ cà phê chồn thu được trong vụ cà phê năm 2009, anh nói: Đây là cà phê chồn tự nhiên thứ thiệt, ai chưa tin xin mời tới đây kiểm chứng.
Ban đầu anh mua được 2 con chồn hương nhỏ ở chợ, đem về trình báo chính quyền, xin giấy phép nuôi. Sau hai năm nuôi thí điểm, 2 con chồn đã sinh sản, tăng lên 4 con, khi đó UBND tỉnh Đăk Lăk mới cấp quyết định số 3223/UBND – NLN ngày 27-10-2005 cho phép anh nuôi 4 con chồn đó làm giống.
Tới nay anh đã có đàn chồn 96 con và tiếp tục tăng số lượng để mở rộng sản xuất cà phê chồn.
Cà phê chồn là loại cà phê có được nhờ chồn chọn những quả cà phê ngon nhất, chín nhất để ăn, bài tiết ra những hạt cà phê còn nguyên lớp vỏ trấu cứng. Những hạt cà phê này có giá bán cực cao vì nó thơm ngon đặc biệt.
Anh Cường tới các rẫy cà phê đẹp nhất của Đăk Lăk để mua những quả cà phê chín mọng với giá cao gấp đôi gấp ba giá thường, đem về rửa sạch cho chồn ăn để có cà phê chồn.
Anh nuôi dưỡng đàn chồn bằng thịt bò, thịt gà, trứng, chuối… sao cho tới lúc có cà phê chín, bộ máy tiêu hoá đàn chồn khoẻ mạnh nhất, ăn được nhiều cà phê nhất.
Chồn ngửi và chỉ chọn ăn 1/10 lượng cà phê người nuôi đem cho, 9 phần còn lại phải đưa ra phơi và bán với giá thường. Trong một đêm ăn cà phê, một con chồn bài tiết gần 1 lạng hạt cà phê.
Những hạt cà phê chồn đầu tiên làm được, anh giới thiệu đi các nơi để quảng bá sản phẩm. Hai năm gần đây, sản xuất được lượng lớn, anh bán cà phê chồn nguyên hạt với giá 1 triệu đến 1.500.000 đồng/1kg cho khách du lịch và Công ty trách nhiệm hữu hạn Cà phê Sài Gòn Ban Mê. Công ty này đã đặt hàng tất cả số cà phê chồn anh đang có.
Anh tâm sự: Việc bán cà phê chồn thô là dịp khẳng định với thị trường những hạt cà phê chồn xịn. Để giới sành cà phê so sánh với loại cà phê chồn nhân tạo được chế biến bằng các hương liệu hoá học.
Anh đang hoàn tất các thỏa thuận với công ty TNHH cà phê Sài Gòn Ban Mê để tiến tới ký hợp đồng, đảm bảo đầu ra lâu dài cho sản phẩm của mình, hai bên đã thoả thuận được 70% các điều khoản hợp đồng.
Anh Cường cho biết: Thế giới rất quan tâm tới cà phê chồn, thị trường tiêu thụ rất rộng lớn. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến cơ sở của anh để kiểm chứng chất lượng, tính hợp pháp của nguồn gốc sản phẩm.
Giao chồn cho nông dân
Theo anh Cường, điều làm nhiều nông dân lúng túng không tìm được đầu ra là chồn họ nuôi không đăng ký, nên họ không thể chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm, trong khi các công ty xuất nhập khẩu rất khắt khe vấn đề này. |
Mùa cà phê 2009, anh Cường đã đưa 25 con chồn về cho nông dân sản xuất cà phê chồn tại rẫy. Như thế tiết kiệm được công thu mua, tận dụng được lao động phụ là con em nông dân đang ở tuổi đi học tranh thủ thời gian hái cà phê chín cho chồn và thu lượm sản phẩm. Số cà phê chồn không ăn, được nông dân phơi, bán bình thường, không gây lãng phí.
Sau thời gian chỉ dẫn cho nông dân chăm sóc chồn thành thạo, anh Cường mạnh dạn giao chồn cho họ đem về nuôi tại rẫy.
Anh Nguyễn Minh Cường ở buôn H’Rát, xã Ea Kao, thành Phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk nhận 15 con chồn, mùa vừa rồi anh sản xuất được 60 kg cà phê chồn. Anh Phan Thanh Lượng nhận 10 con chồn, thu được 50 kg.
Các anh cho biết: Trước đây, gia đình thu hái cà phê đại trà khi chưa chín, giờ làm cà phê chồn chỉ hái cà phê chín, số cà phê chồn không ăn chúng tôi phơi xong chất lượng rất tốt.
Hoàng Mạnh Cường đang tăng số lượng đàn chồn hương, tìm những nông dân tin cậy để đưa chồn về rẫy cà phê nuôi nhiều hơn.
Anh tin khi mô hình nhân rộng, người trồng cà phê sẽ thấy được giá trị cao của những hạt cà phê chín, họ sẽ thay đổi thói quen thu hái, nâng cao chất lượng cà phê Đăk Lăk, dựa vào vùng nguyên liệu cà phê rộng lớn này, thương hiệu cà phê chồn Đăk Lăk sẽ sớm được khẳng định.