Táo tây |
Muốn sử dụng có hiệu quả, cần căn cứ vào những triệu chứng cụ thể, để lựa chọn loại trái cây thích hợp. Cụ thể như sau:
- Quả quít: Nước quít có nhiều vitamin C (25-40mg trong 100g), citric acid, các chất đường và hàng chục hoạt chất sinh học khác thiết yếu đối với cơ thể.
Với những người bị tăng huyết áp do viêm gan mạn tính, trái quít có tác dụng tăng cường khả năng giải độc của gan, xúc tiến quá trình chuyển hóa cholesterol và dự phòng xơ vữa động mạch.
Sau mỗi bữa cơm, ăn thêm 1 trái quít không những có tác dụng kích thích tiêu hóa, mà còn có thể tiêu trừ tình trạng rối loạn tiêu hóa do huyết áp tăng cao.
- Ô mai: Đối với những người cao huyết áp dẫn đến váng đầu, chóng mặt và khó ngủ, buổi tối trước khi nằm ngủ nên dùng 3 trái ô mai, hãm nước sôi, pha thêm đường vào uống.
Có tác dụng hạ huyết áp, giúp ngủ ngon và làm giảm các triệu chứng “bốc hỏa” - gây váng đầu, chóng mặt.
Lưu ý: Hiện nay, ở các cửa hàng Đông Nam dược ít khi có bán vị ô mai. Bạn có thể đến cửa hàng ô mai, mua loại ô mai mơ mặn, thay thế.
- Táo tây (apple): Có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu và chống xơ vữa động mạch. Một nghiên cứu gần đây cho biết: táo tây có tác dụng điều hòa huyết áp tốt đối với những người thích ăn mặn.
- Dưa bở: Có tác dụng hạ huyết áp, thanh nhiệt, tiêu đờm và trừ phiền. Có thể sử dụng như một loại “thuốc” đối với những người bị tăng huyết áp, kèm theo các chứng trạng: đầy tức ở vùng ngực, chóng mặt, hoa mắt (theo Đông y, các triệu chứng đó là do đàm nhiệt gây nên).
Cũng có thể áp dụng bài thuốc: Dây dưa bở, dây dưa chuột, dây dưa hấu, mỗi thứ đều 15g khô, đem sắc kỹ với nước, chia 2 lần uống vào đầu buổi sáng và đầu buổi chiều trong ngày.
- Dưa hấu: Có thể sử dụng để chữa tăng huyết áp, đặc biệt là đối với những người tạng nhiệt, đại bí kết, tiểu tiện sẻn đỏ. Hàng ngày có thể dùng vỏ dưa hấu khô 15g ( hoặc vỏ tươi 50g), hạt muồng 9g, đun nước uống thay trà hàng ngày.
- Chuối tiêu: Có tác dụng hạ huyết áp và làm giảm cholesterol máu. Người bị tăng huyết áp hàng ngày nên ăn chuối tiêu 3 lần, mỗi lần 1-2 quả. Ăn liên tục khoảng một tháng, huyết áp sẽ giảm xuống rõ ràng.
Các nghiên cứu đã phát hiện thấy: tác dụng hạ huyết áp đó có liên quan đến hàm lượng chất kali chứa trong quả chuối và tỉ lệ bị tai biến mạch máu não do huyết áp lên cao ở những người thường xuyên ăn chuối thấp hơn ở những người không ăn chuối khoảng 23,6%.
Để làm giảm cholesterol máu, hàng ngày nên lấy vỏ chuối (chú ý lấy cả cuống) 30-60g sắc uống; liên tục trong 10-12 ngày, hàm lượng cholesterol có thể đã giảm xuống thấy rõ.
- Quả dứa: Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong trái dứa có một số loại enzym (men) có tác dụng xúc tiến phân giải các chất đạm, cải thiện tuần hoàn máu và tiêu thũng.
Người bị tăng huyết áp thường xuyên ăn dứa hoặc uống nước dứa có tác dụng điều hòa huyết áp, dự phòng phù thũng do tăng huyết áp và ngăn chặn sự hình thành các huyết khối gây nghẽn tắc mạch máu.
- Quả hồng: Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, quả hồng có tác dụng chống xơ vữa động mạch và làm giảm huyết áp.
Hàng ngày có thể dùng quả hồng tươi ép lấy nước cốt, hòa với sữa hoặc nước cơm uống, ngày uống 3 lần mỗi lần nửa chén. Có tác dụng hạ huyết áp và phòng “trúng phong” (tai biến mạch máu não) do tăng huyết áp.
Đối với những người trong vườn có trồng cây hồng hàng ngày có thể dùng 10-15g lá hồng khô sắc uống thay trà. Từ thời xưa người Nhật có tập quán dùng “trà lá hồng” để dưỡng sinh và phòng trị bệnh tật.
Theo các nghiên cứu hiện đại, lá hồng có tác dụng diệt khuẩn, hạ huyết áp, tăng độ bền thành mạch máu, phòng ngừa xơ vữa động mạch; dùng để chống mất ngủ, giảm béo, chữa bệnh bệnh tim và động mạch vành tim, tiểu đường...
Theo kết quả nghiên cứu của Viện u bướu Trung Quốc, lá hồng còn có tác dụng phòng chống ung thư: hàng ngày dùng 15g lá hồng uống thay trà có tác dụng trị liệu tương đối tốt đối với bệnh ung thư thực quản.
Có thể tự chế “trà lá hồng” theo cách như sau: Từ khoảng trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9, hái lá hồng về, buộc thành từng chuỗi, đem nhúng vào nước nóng 85oC trong 15 phút, lấy ra nhúng vào nước lạnh, sau đó đem hong khô trong bóng mát (không phơi nắng), khi lá hồng khô thì vò vụn là được “trà lá hồng”; khi uống có thể hãm với nước sôi như pha trà.