>> Bắt nguyên Tổng Giám đốc Jetstar Pacific
Ảnh: Đức Nam |
Từ lệ thuộc
Tháng 4-1991, PA mới chính thức đi vào hoạt động với sự tham gia của 7 cổ đông (chủ yếu là các Cty nhà nước). Thời gian đó, PA hoạt động hết sức mờ nhạt. Người ta hẳn vẫn chưa quên, 7 cổ đông ngày ấy có số vốn ít ỏi khoảng 40 tỷ đồng (tức mới đạt hơn 50% vốn điều lệ 5 triệu USD), trong đó Vietnam Airlines (VNA) cùng 4 cổ đông khác đã chiếm đến 94%.
Vốn hẻo không đủ tiền đặt cọc nên PA phải tìm đến những hãng cho thuê máy bay giá cao khủng khiếp. Một giờ thuê “ướt” máy bay (tức thuê máy bay bao gồm tổ lái, thợ máy bảo dưỡng và bảo hiểm; phải trả hàng nghìn USD.
Đổ tiền thuê máy bay trong khi đang nghèo túng, PA đã mất đứt hàng chục tỷ đồng (con số ước tính 80 tỷ/năm) dẫn tới thu không đủ chi. Sau 10 năm hoạt động, PA lỗ khoảng 200 tỷ đồng.
Trước sự thua lỗ thảm hại này, Đảng bộ VNA lần thứ 2 (nhiệm kỳ 2003-2008) đã từng định đoạt số phận của PA: “Giai đoạn từ 2001-2010, VNA và các đơn vị thành viên của VNA nắm giữ cổ phần chi phối PA (Cty hàng không cổ phần). Vai trò của PA trong hệ thống các doanh nghiệp vận tải hàng không Việt Nam là phối hợp, hỗ trợ VNA trên các thị trường nội địa, tuyến trục và quốc tế khu vực”.
Giai đoạn đó, dường như ít người nghĩ PA là một hãng hàng không độc lập khi có quá nhiều sự lệ thuộc vào VNA.
Tuy nhiên, số phận PA sau đó lại rẽ sang một hướng khác khi VNA rút dần vốn, thay vào đó, các doanh nghiệp khác và cả tư nhân tham gia góp vốn và quyết tâm để hãng này tồn tại. Bây giờ nhiều người vẫn hỏi mô hình kinh doanh hàng không giá rẻ như hiện nay của JP do ai nghĩ ra?
Thực chất, thời VNA còn giữ cổ phần chi phối đã từng mong sẽ phát triển PA là hãng hàng không chi phí thấp, khai thác đường bay khu vực dưới 5 giờ bay. PA sau khi tách ra khỏi VNA gần như lột xác: Thay đổi về cổ đông, nhân sự, mô hình kinh doanh và cả cái tên thành JP.
Tới khao khát cạnh tranh
Đầu năm 2005, cổ đông chi phối PA là Tổng Cty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). PA coi như thoát khỏi nguy cơ bị phá sản và có 3 năm để tái cấu trúc. Nhiều người đã thấy sự nỗ lực chuyển mình của PA. Cùng với đó, Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam có nhiều tu chỉnh ngày một phù hợp hơn.
Đã có lúc, giới chuyên gia ngành hàng không tưởng Tập đoàn Temasek (Singapore) đã với tay được tới PA khi định mua 30% của hãng này. Phi vụ đó bất thành, PA tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư mới và gặp Hãng hàng không Qantas (Úc).
Những tháng đầu năm 2007, tin tức về phi vụ đầu tư này của Qantas đem lại nhiều hứng khởi cho các nhà bình luận khi người ta có quyền nghĩ tới tương lai ngành hàng không nội địa Việt Nam ít nhiều có sự cạnh tranh.
Khi đó, Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam 2006 đã có nhiều sửa đổi cho phép thành lập cả hãng hàng không tư nhân. Với khoản đầu tư 30% từ phía Qantas tương đương khoảng 50 triệu USD, PA có nhiều hy vọng. Không những thế, người ta có quyền nghĩ PA sẽ sớm học được cung cách làm ăn của Qantas.
Rồi, PA chuyển thành hãng hàng không giá rẻ. Tháng 5-2008, PA đổi tên thành JP sau khi thỏa thuận nhượng quyền thương hiệu với Jetstar Airways (thuộc Tập đoàn Qantas-Úc). Từ đây, coi như không còn bóng dáng PA nữa nhưng những khó khăn vẫn ám hãng hàng không này.
Cũng năm 2008, giới truyền thông lại rộ lên chuyện thua lỗ của hãng này. Theo đó, chỉ 6 tháng đầu năm 2008, JP đã thua lỗ 10,7 triệu USD. Đến hết tháng 10-2008, JP lỗ khoảng 22 triệu USD, nâng tổng số lỗ lũy kế gần 55 triệu USD. Trong khi đó, hệ số sử dụng ghế trên mỗi chuyến bay rất cao (trên 80%).
Tất nhiên, bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao là một trong những nguyên nhân lỗ. Thời điểm đó, nhiều hãng hàng không tiếng tăm thế giới cũng bị phá sản hoặc lao đao. Đấy là chưa kể tới quả đắng mua phòng ngừa rủi ro xăng dầu mà JP gặp phải.
Tiếp đến năm 2009, sự kiện nhượng quyền thương hiệu cũng khiến JP nổi đình đám và phải loay hoay giải quyết. Cuối năm 2009, kết quả từ Kiểm toán Nhà nước đã thực sự khiến dư luận quan tâm về mức thu nhập của lãnh đạo JP.
Từng có sự rộn ràng khi JP khiến người dân đổ xô mua vé máy bay giá rẻ, các hãng hàng không tư nhân trong nước đua nhau ra đời. Giờ đây, JP thì như đã thấy, các hãng hàng không tư nhân thì chấp chới bay...
Đình Thắng tổng hợp và phân tích