Trong hội thảo về văn học cổ điển Việt Nam, những tham luận đúng trọng tâm không nhiều: Nên sớm tổ chức xuất bản các tuyển tập thơ văn cổ, trung đại Việt Nam bằng chữ Hán (Phan Văn Các), Để giới thiệu tốt văn học cổ Việt Nam ra nước ngoài (Nguyễn Khắc Phi), Đưa văn học Việt Nam ra thế giới-cần có tầm nhìn chiến lược (Lê Bá Thự).
Các cuộc trao đổi bên ngoài hành lang phòng họp lại xôm nhất. Trả lời câu hỏi người nước ngoài đánh giá về văn học Việt Nam, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến nói:
“Đến Pháp, tạt vào nhà sách L’Escalier ở Paris bán nhiều sách của Á, Phi. Trên các giá sách có tác giả Á, Phi,Việt Nam. Thấy một cuốn của Nguyễn Huy Thiệp, tôi nhờ bà chủ cửa hàng lấy xuống, bà reo lên: “Ôi, đấy là một nhà văn lớn”.
Chủ tọa buổi hội thảo, nhà văn Mai Quốc Liên cho rằng nên đẩy mạnh giới thiệu văn học thời Lý Trần. Điểm lại, văn học cổ điển Việt Nam được chuyển ngữ chỉ thấy chủ yếu là Truyện Kiều, Nhật ký trong tù, thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi…
Lý giải hiện tượng này, ông Hoàng Ngọc Hiến nói: “Nhiều tác giả mình cho là lớn nhưng người nước ngoài không nghĩ thế. Họ có cách nhìn của họ, bởi hai nền văn hóa khác nhau: Lý trí của họ không phải lý trí chúng ta, không gian của họ không phải không gian của ta, trí tưởng tượng của họ không phải trí tưởng tượng của ta. Vì vậy phải nhìn từ hai phía”.
Trong lúc chờ Việt Nam tiến cử, tìm biện pháp đẩy mạnh quảng bá văn học Việt, một số dịch giả nước ngoài năng động, tự tìm hiểu và dịch. Larry Heinemann - giáo sư đến từ Đại học Texas là ví dụ.
“Năm 2003, tôi có năm tháng ở Việt Nam, trong khả năng tài chính của mình tôi đi khắp Việt Nam, từ Hà Nội, Huế đến Tây Ninh.
Tôi thu thập được khoảng 80 câu chuyện kể dân gian. Tôi thích nhất câu chuyện về Núi Bà Đen. Khi nào dịch xong các câu chuyện còn lại, tôi cho xuất bản thành tuyển tập”.
Larry nói về khó khăn khi văn học dân gian Việt Nam có hiện tượng dị bản: “Tôi được nghe bốn phiên bản của cùng một câu chuyện, từ người sửa xe đạp đến các nhà văn, thơ có tiếng ở Việt Nam. Bản cuối cùng tôi chọn dịch chính là những điều được nghe qua chắt lọc, theo cảm nhận tinh tế nhất”.
Larry Heinemann xuất bản cuốn Paco’s Story (Câu chuyện Paco) năm 1986 về đề tài chiến tranh Việt Nam, một năm sau cuốn sách được Giải thưởng quốc gia. Ông cho biết NXB Phụ nữ đang dịch tiểu thuyết của ông sang tiếng Việt.
Con đường nào?
Một trong những lý do văn học Việt đi Tây hơi bị khó được nhà văn Y Ban nêu ra tại hội thảo của tác giả trẻ, là người ta tự tìm đến tận mình chứ không cần chào mời. “Tại sao họ phải đọc nhiều về chúng ta khi bản thân chúng ta hiếm khi đọc văn học Lào, Campuchia”.
Tương tự, dịch giả Trịnh Lữ kể, nhà văn - chủ một hiệu sách ở tiểu bang Vermont - Mỹ băn khoăn với việc hiếm khách hàng hỏi mua sách văn học dịch và hỏi họ rằng người Mỹ có nên tìm đọc văn học nước ngoài để hiểu thêm các nền văn hóa khác hay không? Khách hàng trả lời là nên, nhưng thực tế số lượng sách văn học dịch chưa đạt tới 0,5% tổng số sách văn học xuất bản tại Mỹ.
Trịnh Lữ nói thêm, sự vô hình của dịch thuật cũng có thể che đậy những xuyên tạc vô hình khiến một nguyên tác Việt đẹp đẽ và sâu sắc trở thành một tiêu bản ngộ nghĩnh ở bản dịch.
Trên tạp chí Thơ của Quỹ Thơ danh tiếng tại Mỹ đăng bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương bằng bản dịch: Thân em tròn và trắng như bột phấn/ Em chìm nổi như một trái núi ở trong hồ/ Bàn tay nhào nặn em rắn và thô/ Người không thể phá hủy trái tim đỏ thực sự của em đâu.
Đại diện Hội hữu nghị Đức - Việt, GS.TS Gunter Giesenfeld nói ông từng dịch thơ Chế Lan Viên sang tiếng Đức, cách đây ba tháng là tập Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, sắp tới là Phan Thị Vàng Anh, Lê Minh Khuê, Y Ban.
Cách làm của Gunter là tự chọn tác phẩm, chọn người dịch, hiệu đính. Gunter nói ông chưa biết phản hồi từ công chúng Đức đối với tác phẩm của nhà văn VN, nhưng “tôi thích Chế Lan Viên và Nguyễn Huy Thiệp. Chế Lan Viên viết về chính mình mà nói được tâm hồn cả một dân tộc, còn Nguyễn Huy Thiệp vừa bất ngờ, quyết liệt lại giàu chất hài hước”.
Nhiều nhà văn trung niên xuất hiện tại hội thảo của tác giả trẻ: Phạm Xuân Nguyên, Võ Thị Hảo, dịch giả Trần Thiện Đạo... Phạm Xuân Nguyên nói, hôm qua dịch giả Dương Tường nhìn dòng chữ tiếng Anh Introduce Vietnamese literature (giới thiệu văn học Việt Nam) rồi bảo tôi: Dịch như thế mà dịch được à?
Cũng theo ông Nguyên, đôi khi giới văn chương VN không đối xử tử tế với những nơi chịu dịch tác phẩm của mình. 10 cuốn sách VN vừa được một nhà xuất bản tư nhân của Thụy Điển dịch và in, trong đó có thơ tuyển bốn tác giả Nguyễn Duy, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Vi Thùy Linh.
Thế mà chúng ta không chịu giới thiệu đàng hoàng. Trần Thiện Đạo không cho rằng sau hội nghị bối cảnh xuất ngoại của văn chương Việt sẽ sang hơn.
Võ Thị Hảo băn khoăn về con đường xuất khẩu văn chương Việt, viết thế nào, và những địa chỉ cụ thể để tiếp cận khi muốn đưa tác phẩm ra nước nào đó.
Trần Thùy Mai nhìn khác hơn về cái phận đi tây của văn chương Việt: “Tôi nghĩ nhà văn không giống thợ thủ công mây tre đan để phải hỏi là người ta cần gì rồi mình viết theo nhu cầu người ta. Việc dịch và xuất khẩu tác phẩm không phải nhiệm vụ của nhà văn mà là của Bộ Văn hóa”.
Dịch giả Constantin Hiệu từ Pháp về mang theo tự vấn “Tại sao sách VN lại vắng bóng trong các cửa hiệu sách ở Pháp, dù có nhiều cuốn hồi trước từng gây ấn tượng, như Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nỗi buồn chiến tranh?”.
Dịch giả này cũng cho rằng có nhiều cách quảng bá văn hóa Việt, nhưng chỉ bằng những cuốn sách mới để lại những giá trị bất biến, cho dù chúng ngủ vùi trong góc khuất nhưng một ngày nào đó sẽ được rũ bụi bày lên giá sách, trên những bàn tay nâng niu của độc giả.
Và muốn vậy, khởi đầu phải là những người viết trẻ, như cô biên tập viên Jennifer Fossenbell phát biểu: Người trẻ có cảm quan sinh động và khả năng sáng tạo, bởi vậy dễ kéo độc giả về phía mình để hồi sinh thơ và mở những con đường xuất khẩu văn chương.