Cầu quay Sông Hàn, công trình do Cty XL&KD nhà QNĐN vừa là đồng chủ đầu tư vừa là đơn vị thi công. Ảnh: T.T |
Cách đây 7 năm, ngày 9-12-2002, ông Nguyễn Văn Bình, Quyền Giám đốc Cty XL&KD nhà QNĐN gửi đơn đến TAND thành phố Đà Nẵng: “Yêu cầu Toà giải quyết tuyên bố phá sản doanh nghiệp”. Đó là thời điểm sau gần ba năm, kể từ ngày ông Phạm Minh Thông, Giám đốc Cty, bị Cơ quan Điều tra Công an TP Đà Nẵng bắt giam và Cty này cũng rơi vào tử địa.
Giám đốc Phạm Minh Thông ra đi để lại một gia tài không nhỏ, thể hiện trên bảng tổng kết tài sản ngày 31-12-1999: Tổng giá trị tài sản và doanh thu năm 1999 là 124.942.320.000 đồng; cân đối giữa tài sản nợ và tài sản có đủ: 124.942.320.000 đồng. Giám đốc chưa mãn hạn tù thì cả tập thể lãnh đạo Cty buộc phải làm đơn xin phá sản DN.
Thông thường, việc phá sản một DN, dù của nhà nước hay tư nhân, đều phải do tự DN đó thấy mình không còn khả năng kinh doanh; nhưng ở đây thì khác. Ông quyền giám đốc Cty phải căn cứ vào công văn 3688/VP - KTTH ngày 4/10/2002 của HĐND và UBND TP Đà Nẵng về việc “phá sản Cty”.
Chưa đủ: Ông Bình còn phải căn cứ vào thông báo 233/TB - VP, 27/11/2002 của HĐND - UBND TP Đà Nẵng về việc “kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố, tại cuộc họp bàn biện pháp thực hiện chủ trương phá sản Cty XL&KD nhà QNĐN”.
Có người nói: Hoá ra, việc Cty phá sản là có chủ trương, mà đích thân Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng thực hiện bằng cách chủ trì một cuộc họp bàn biện pháp phá sản DN; còn Giám đốc Cty chỉ là người ký đơn xin phá sản.
Vì sao một DN trước đó được biết đến như một DN hàng đầu ở Đà Nẵng trong lĩnh vực XL&KD nhà lại bị phá sản? Những ai phải chịu trách nhiệm về việc phá sản Cty này?
CBCNV Cty cùng nhiều người biết sự vụ này không khỏi phân vân: Chưa cần thống kê các công trình, dự án đang triển khai, chỉ với số vốn khoảng 124 tỷ đồng vào cuối năm 1999, Cty đã đầu tư vào công trình cầu Sông Hàn 52 tỷ đồng (được nhà nước cho vay vốn ưu đãi); thế mà ông giám đốc đi tù thì chính quyền TP Đà Nẵng đã có chủ trương phá sản DN? Phải chăng, đây là cái chết có chủ trương nên không thể chết lập tức.
Cty này đã bị tùng xẻo hơn chín năm rồi - lần lượt bị thu hồi, hoặc điều chuyển từng dự án, công trình, nhà máy, khu đất cho DN khác - mà xác vẫn còn thơm. Chỉ riêng dự án ở số 9 Đào Duy Anh - Hà Nội, UBND TP Đà Nẵng cũng đã bán được 9 tỷ đồng cho Cty Asean. Thời điểm nộp đơn xin phá sản tài sản của Cty này vẫn còn trụ sở chính ở đường Quang Trung và một ngôi nhà ở đường Lê Duẩn (Đà Nẵng), không hiểu sao Toà không cho bán lấy tiền trả nợ, để hàng chục chủ nợ một thời hết lòng ủng hộ DN này khỏi thiệt đơn thiệt kép.
Một số người trong cuộc cho biết: Vì có nhiều người khiếu kiện nên Cty dẫu đã chết vẫn chưa được chôn. Gần 10 năm khuynh gia bại sản, tài sản vẫn còn đáng giá nên Cty chưa dễ gì chết được?
Một số người lại bảo, nếu Cty này không dễ chết được thì sao không gắng giúp nó sống lại?
Mới đây, ông Phạm Minh Thông - nguyên Giám đốc Cty XL&KD nhà QNĐN có đơn gửi Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng, xin mua lại Cty này (dĩ nhiên mua luôn cả những khoản nợ tồn đọng và phần vốn nhà nước tham gia hợp doanh).
Lý do xin mua lại Cty được ông Thông trình bày trong đơn: “Trước ngày tôi bị công an TP Đà Nẵng bắt giam khẩn cấp, Cty XL&KD nhà QNĐN là một doanh nghiệp đầu đàn của ngành xây dựng thành phố ta. Sau khi tôi bị bắt giam chưa đầy ba năm, Cty bị buộc phải phá sản. Hơn chín năm đã trôi qua, Toà Kinh tế TAND thành phố Đà Nẵng nhận thụ lý phá sản, nhưng chưa tuyên phá sản được (!?). Hậu quả là kéo dài những ngày đau khổ cho CBCNV Cty và thiệt hại cho các chủ nợ, trong đó có Nhà nước...
Để phát huy truyền thống kinh doanh, phát huy thương hiệu một thời của Cty, góp phần xây dựng TP Đà Nẵng tiến nhanh trên đà phát triển; hàn gắn lại một phần những mất mát của CBCNV Cty, tôi xin nhận lại toàn bộ hiện trạng của Cty mà toà Kinh tế TAND Thành phố đang thụ lý phá sản để tổ chức lại Cty theo mô hình một Cty cổ phần”.