Bỏ làng đi Lào

Bỏ làng đi Lào
TP - Hơn 500 ngàn đồng để có một suất sang Lào dựng nghiệp với đủ nghề: Thợ nề, buôn bán, sơn móng tay móng chân và thậm chí là làm... ô sin. Cuộc sống đổi khác nhờ may rủi.
Bỏ làng đi Lào ảnh 1
Bé Nguyễn Thị Như Ý ngồi bên bà nội: "Ba năm rồi cháu chưa được gặp bố mẹ". Ảnh: Đức Hùng

Người xây được nhà, trả nợ, mua xe... nhưng có người mãi luẩn quẩn với cuộc sống bần hàn vẫn miệt mài đeo đuổi cái nghiệp tha hương ấy, để lại những đứa con dại cho những thân già xế bóng ẵm nuôi...

Đìu hiu con xóm

Con đường đất nhỏ dẫn chúng tôi vào thôn Hoà Vang (xã Lộc Bổn, Phú Lộc, TT Huế). Những ngôi nhà ngói đỏ, nhà ống mọc xen kẽ những vách tôn. "Ngôi nhà mới này là của vợ chồng anh Tâm đi làm ăn bên Lào.

Nhưng xây nhà rồi bỏ đó chứ cả năm không thấy về. Mấy đứa nhỏ gửi cả bên ngoại"- Ông Nguyễn Hồng Linh (Trưởng thôn Hòa Vang) nói. Ông cho biết cả thôn có khoảng 200 hộ đi làm ăn bên Lào, giờ ở thôn chỉ có bà già, trẻ nhỏ.

Trong ngôi nhà tranh nền đất chưa đầy 4m2, bốn bà cháu bà Nguyễn Thị Thẻo (63 tuổi) hàng ngày vẫn nuôi nhau bằng nghề đan chổi lá và mót lúa khi vào mùa. Nguyễn Đức tuấn (13 tuổi), Nguyễn  Đức Nhật (8 tuổi) và Nguyễn Thị Ý Nhi (6 tuổi) đều cháu nội của bà.

Con trai là anh Nguyễn Đức Trọng đã sang Lào làm ăn gần 20 năm nay. Anh lấy vợ ở bên Lào, sinh được bốn người con. Đứa út chưa đầy 8 tháng tuổi nên cho theo bố mẹ sang Lào, còn mấy đứa lớn cứ được 8 tháng tuổi thì cho về ở với bà nội.

"Vợ chồng nó đi cả năm trời cũng chỉ đủ trả nợ và nuôi đứa nhỏ. Mấy bà cháu ở nhà bòn nhặt mà sống chứ biết làm răng chừ!?" - Bà Thẻo nén tiếng thở dài.

Hôm làm đám cưới  họ hàng chẳng ai sang được, chỉ gom góp tiền cho bà sang gặp mặt nàng dâu. Tính là sang nhận dâu nhưng ngoài mấy câu chào "khách" do người con trai dịch thì hai mẹ con chẳng thể tâm sự thêm được gì do bất đồng ngôn ngữ, bà kể.

Ông Nguyễn Hồng Linh, trưởng thôn Hoà Vang cho biết: Hiện tượng dân ồ ạt sang Lào làm ăn xuất hiện đã gần 20 năm nay. Chính quyền không thể can thiệp vì đó là chốn làm ăn của họ. Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp ít, cằn cỗi, khả năng tạo việc làm tại chỗ chưa có thì việc xuất khẩu lao động là giải pháp tình thế nhằm đảm bảo công ăn việc làm và giảm tỷ lệ hộ nghèo của thôn.

Người con dâu cũng chưa một lần về thăm quê chồng. Những đứa con là sợi dây liên hệ duy nhất. "Một mình tui nuôi mấy đứa ăn đã cực, còn lo tiền cho chúng học thì thật khó xoay xở. Học được chữ mô thì học chứ lấy ai ra mà biểu cho chúng được" - Bà Thẻo phân trần.

Sát vách nhà bà Thẻo, bà Võ Thị Nhàn cũng một thân một mình nuôi cháu gần 20 năm nay. Con trai bà là Võ Đệ Kiệt cùng người con dâu đưa nhau sang Lào buôn bán. Làm ăn không mấy khấm khá nên thi thoảng mới gửi được dăm trăm.

"Tội, hai vợ chồng cứ quần quật vậy mà cũng chỉ đủ ăn. Mình còn sức giúp nó được bao nhiêu thì phúc bấy nhiêu thôi!" - Bà bộc bạch. Nhà neo người lại ít ruộng nên thường ngày bà Nhàn xin làm thuê làm mướn đủ việc để có tiền nuôi cháu.

Cũng có con đi làm bên Lào nhưng kinh tế nhà bà Võ Thị Hường khấm khá hơn đôi chút. Năm ngoái mấy đứa gom góp dồn tiền xây được căn nhà mới. Ngôi nhà rộng rãi nhưng quanh quẩn chỉ hai ông bà và mấy đứa cháu thơ dại.

Bà nói: "Khi mô có việc chi lại phải nhờ hàng xóm hoặc gọi đứa con gái lấy chồng bên làng sang giúp chứ hai ông bà già làm được gì. Vừa rồi, nghe đài báo bão mấy ông bà già dựa nhau dọn đồ hết nhà này rồi sang nhà khác để qua cơn hoạn nạn.

"Không đi lấy gì mà ăn?!"

Ông Nguyễn Đức Cẩm (ở tổ 3 thôn Hoà Vang) có ba người con thì cả ba đều sang Lào làm thợ nề đã 6 năm. Nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhưng rồi vẫn phải bám trụ bên đó bởi:

"Nhà nghèo, ruộng nương thì ít mà mùa màng thì thất bát. Vừa ruộng nhà, vừa đấu thầu cả thảy có 7 sào ruộng. May lắm cũng chỉ được hơn tạ/sào. Công sá phân tro coi như hết, rồi thì lấy gì mà ăn"- Ông phân trần.

Hai trong số ba người con của ông đã có vợ nhưng quanh năm biền biệt. Bốn đứa cháu ở nhà với ông bà. Hai ông bà già chật vật chẳng đủ nuôi cháu ăn học. "Bữa mô nhà không có gì ăn lại phải đuổi khéo nó sang nhà bà ngoại" - Ông cười ngượng.

Còn bà Hường thì tâm sự: "Biết sang đó đi làm cũng chẳng ăn thua gì nhưng không đi lấy gì mà ăn. Ở cái đất sỏi đá cằn cỗi này trông vô mùa màng thì... chết đói".

Bỏ quên con chữ...

Bỏ làng đi Lào ảnh 2
Ba người con của ông Nguyễn Đức Cẩm kéo nhau sang Lào làm thuê để mấy ông cháu ở nhà chật vật từng ngày. Ảnh: Đức Hùng

Bố mẹ đi làm bên Lào, mỗi năm chỉ về một lần vào dịp tết, mấy anh em Nguyễn Đức Tuấn sống với bà nội. Khi được hỏi có muốn sang Lào ở với bố mẹ, bé Nguyễn Thị Ý Nhi vô tư: "Em thích ở với bà hơn nhưng nếu bố mẹ về đây nữa thì thích hơn".

Nhìn cảnh bà cơ cực, 13 tuổi Tuấn đã xin nghỉ học. Tuấn nói: "Con học không vô mà bà thì cực nên nghỉ ở nhà chở cây làm chổi cho bà". Mấy hôm trước cô giáo vào nhà để động viên đi học nhưng Tuấn nhất quyết không đi. "Chưa thấy bố mẹ nó gọi điện về nên chưa báo cho chúng biết được" - Bà Thẹo nói. 

Mới học lớp 3, hai đứa cháu ông Cẩm (ông vẫn gọi là thằng Tỉa, thằng cháu chứ không biết bố mẹ nó khai sinh tên gì) đã phải nghỉ học mặc dù còn nhỏ dại chẳng biết làm gì. "Tui gắng lắm cũng chỉ nuôi được mấy đứa khỏi đói khát thôi chứ kiếm tiền cho chúng học cũng khó lắm. Không có tiền nên thấy mấy đứa cũng ngại đi học".

Bé Nguyễn Thị Trang (lớp 7), cháu nội bà Võ Thị Hường đã xin nghỉ học hơn tháng nay. "Mấy bà cháu đang dồn tiền chuẩn bị cho Trang sang Lào với bố mẹ rồi kiếm việc làm ở bên đó"- Bà nói.

Bố mẹ các cháu sang Lào làm ăn, kinh tế chưa khắc phục được nhiều mà hệ luỵ lớn là tình trạng lơ là, bỏ học của các em do thiếu sự quan tâm chỉ bảo của cha mẹ"- Ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn nói.

Năm học 2007 - 2008 trường THCS Lộc Bổn có 25 học sinh bỏ học.  Năm học 2008 - 2009 có 53 học sinh.

Ông Trần Văn Hòa (Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn) cho biết: Toàn xã có 2.688 hộ dân: 14.612 nhân khẩu trong đó người đi Lào theo thống kê mới nhất của xã: 613 hộ; 2.401 nhân khẩu. Trong đó, thôn Hòa Vang 386 hộ, Thuận Hóa: 95 hộ, Hòa Mỹ: 82 hộ, Bình An: 50 hộ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội 'thúc' các đơn vị trả nợ tiền thuê nhà, đất công
Hà Nội 'thúc' các đơn vị trả nợ tiền thuê nhà, đất công
TPO - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị thanh toán tiền thuê nhà, đất công còn nợ. Trường hợp tổ chức, cá nhân thuê nhà không hoàn thành việc nộp khoản tiền nợ đọng theo thời hạn quy định, tổ chức quản lý, kinh doanh nhà làm thủ tục chấm dứt việc cho thuê và thu hồi lại nhà, đất đã cho thuê theo quy định.