>> Giật mình với cháo dinh dưỡng
Cháo dinh dưỡng nếu có chứa hóa chất sẽ rất có hại cho trẻ - Ảnh: Tuổi Trẻ |
Chiều 1 - 12, trao đổi với phóng viên, bà Đỗ Thị Tuyết Lan - trưởng phòng phát triển thương hiệu Công ty cổ phần thương mại sản xuất Song Kim (Q.1, TP.HCM), nhà cung cấp cháo dinh dưỡng Cây Thị - cho biết, hiện nay, công ty không còn sử dụng hóa chất trong cháo dinh dưỡng Cây Thị nữa.
Trả lời câu hỏi vì sao công ty cam kết không cho chất phụ gia vào sản phẩm nhưng vẫn cho thêm natri benzoat vào cháo dinh dưỡng Cây Thị mà không công khai trên bao bì sản phẩm, bà Tuyết Lan giải thích, do công ty mới thử nghiệm cho vào cháo khoảng hai tháng gần đây.
Cháo dinh dưỡng không được sử dụng natri benzoat
Theo chính bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm của nhà sản xuất (Công ty cổ phần thương mại sản xuất Song Kim) với Sở Y tế TP.HCM ngày 24 - 7 - 2009, các loại cháo Cây Thị (cháo cá, cháo cua, cháo tôm, cháo thịt), ngoài các thành phần đăng ký như gạo, cá (cua, tôm, thịt), rau củ, muối, đường, dầu ăn... đều không sử dụng phụ gia (tức là không có natri benzoat, cũng như bất cứ chất phụ gia nào khác - PV).
Dựa trên các bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm này, ngày 21 - 8 - 2009, Sở Y tế TP.HCM cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho các sản phẩm, trong đó nêu rõ “được phép lưu hành nếu thương nhân bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn như đã công bố”.
Theo quyết định 3742/BYT trước đó của Bộ Y tế quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm, hóa chất natri benzoat (giúp thực phẩm lâu bị ôi thiu - PV) được cho phép sử dụng trong 15 nhóm thực phẩm. Hàm lượng cho phép ở mức 50 - 2.000mg/kg (tùy loại thực phẩm). Tuy nhiên, cháo dinh dưỡng không nằm trong nhóm thực phẩm được cho phép sử dụng chất này.
Như vậy, rõ ràng việc công ty cho natri benzoat vào cháo dinh dưỡng Cây Thị là sai hoàn toàn.
Công bố sai, sẽ xử phạt!
Natri benzoat độc ra sao? Theo Bác sĩ Trần Văn Ký (phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm phía Nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam), natri benzoat là một hóa chất có dạng bột trắng, không mùi, vị hơi ngọt mặn, tan trong nước, được dùng bảo quản thực phẩm và có tính chống mốc, giúp thực phẩm không bị đổi màu, giữ mùi nguyên thủy... Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm Hoa Kỳ, mức chấp nhận của chất này trong thực phẩm là 0,1%. Nồng độ có thể gây tử vong khi xâm nhập vào cơ thể là 2g/kg trọng lượng cơ thể. Theo quy trình sản xuất natri benzoat, một phế phẩm độc hại là phenol luôn hiện diện trong thành phẩm. Do đó, natri benzoat, sau khi sản xuất, cần phải khử phenol trước khi đưa ra thị trường cho kỹ nghệ thực phẩm, nếu không nguy cơ nhiễm độc phenol rất lớn vì hóa chất này gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nhất là đối với trẻ em và thai nhi. |
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, trưởng phòng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM), khẳng định, trong giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, công ty công bố các loại cháo Cây Thị không sử dụng các phụ gia. Vì vậy, việc công ty bỏ thêm chất natri benzoat vào cháo dinh dưỡng là sai và công ty cũng không hề thông báo, đăng ký tiêu chuẩn này với cơ quan chức năng. Ông Hòa khẳng định, chất này không được Bộ Y tế cho phép dùng trong cháo.
Theo ông Hòa, trong quy trình cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm một cơ sở cháo dinh dưỡng đều có quá trình lấy mẫu xét nghiệm sản phẩm. Tuy nhiên, việc lấy mẫu do doanh nghiệp tự lấy, gửi xét nghiệm. Vì thế, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp đã công bố.
Nếu doanh nghiệp muốn thay đổi, bổ sung bất cứ thành phần nào trong sản phẩm đã công bố thì phải làm thủ tục công bố lại. Khi các cơ quan thanh tra lấy mẫu kiểm nghiệm nhưng kết quả không đúng với các chỉ tiêu đã công bố thì sẽ căn cứ theo quy định để xử phạt.
Trong khi đó, dù phóng viên đã nhiều lần liên hệ với thanh tra Sở Y tế TP.HCM để hỏi về động thái của cơ quan chức năng sau khi một số nhà sản xuất thừa nhận cho hóa chất natri benzoat vào cháo dinh dưỡng... thì ông Nguyễn Minh Hùng - chánh thanh tra Sở Y tế - hẹn 9 giờ ngày 1-12 sẽ trả lời, nhưng sau đó, ông Hùng nhắn là bận đi học và dặn chúng tôi liên hệ với bác sĩ Huỳnh Mai (thanh tra viên Sở Y tế TP).
Khi chúng tôi liên hệ với bác sĩ Huỳnh Mai, bác sĩ này trả lời, bác sĩ Minh Hùng chưa nói gì và bà phải đi công tác cả ngày nên không thể trả lời được. Chiều 1 - 12, chúng tôi cũng nhiều lần gọi điện thoại cho giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhưng không thể liên hệ được.
Hà Nội sẽ thanh tra cháo dinh dưỡng Ngày 1 - 12, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết, trong tuần này, Sở Y tế Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm các sản phẩm cháo dinh dưỡng trên địa bàn. Theo ông Cường, Hà Nội có ba đến bốn nhà cung cấp cháo dinh dưỡng, trong đó có sản phẩm đã được đưa vào các trường học, có sản phẩm bán lẻ ngoài thị trường. Năm 2008, Hà Nội kiểm tra một số mẫu cháo dinh dưỡng trên thị trường nhưng chưa phát hiện vi phạm quy định về chất lượng. Cùng ngày, ông Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - cho biết, đang yêu cầu TP.HCM gửi kết quả xét nghiệm cụ thể về chất lượng các mẫu cháo dinh dưỡng. Sắp tới, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ đưa cháo dinh dưỡng vào danh mục sản phẩm cần hậu kiểm. |
Theo Lê Thanh Hà - Thùy Dương
Tuổi Trẻ