Xạ trị - Bệnh nhân nghèo khánh kiệt

Xạ trị - Bệnh nhân nghèo khánh kiệt
TP - Việc chi phí sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao trong việc khám, chữa trị bệnh ung thư cho người nghèo chiếm tỉ trọng quá lớn trong chi tiêu của họ là một biểu hiện thiếu công bằng khi mà nhu cầu và quyền lợi của mọi người trong xã hội đều như nhau.

>> Kỳ I: Đã nghèo thêm kiệt quệ

Kỳ cuối: Kỹ thuật cao, người nghèo khó mơ

Xạ trị - Bệnh nhân nghèo khánh kiệt ảnh 1
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn giới thiệu về máy chụp cắt lớp PET/CT tại Khoa Chẩn đoán Hình ảnh  - Y học Hạt nhân, Bệnh viện Việt Đức

Chị Nguyễn Thị Loan (45 tuổi) quê ở Lai Châu bị ung thư cổ tử cung, đã tia xạ và phẫu thuật ở bệnh viện K sáu tháng nay.

Khi nghe thông tin Bệnh viện Việt Đức vừa có máy PET/CT(Kết hợp hai phương pháp ghi hình cắt lớp positron và chụp cắt lớp vi tính), chị lặn lội mấy trăm cây số xuống đăng ký  kiểm tra tế bào ung thư còn nữa hay không để điều trị tiếp.

Ngồi thấp thỏm đợi trong phòng nghỉ khá tiện nghi của khoa Chẩn đoán hình ảnh – Y học Hạt nhân, Bệnh viện Việt Đức, Chị Loan cho biết: “Tôi cũng tìm hiểu về bệnh của mình qua internet, báo đài và biết ở đây có máy PET/CT rất hiện đại. Tôi muốn xem mình đã khỏi hẳn chưa dù biết một lần chụp mất gần 2.000 USD chứ không rẻ đâu”.

Phòng nghỉ hôm ấy chỉ có mỗi mình chị Loan ngồi đợi. Đó là một căn phòng nhỏ có điều hòa với đầy đủ vật dụng cần thiết. Một bộ salon sang trọng, tủ lạnh đựng rất nhiều loại nước ngọt và hoa quả để bệnh nhân có thể dùng trong lúc chờ đợi, đặc biệt là một chiếc ghế đệm dài cho bệnh nhân ngồi nghỉ sau khi tiêm thuốc.

Chị Loan có vẻ rất hài lòng với thái độ phục vụ và các tiện nghi ở đây. Chị nói tiếp: “Tôi đến đây lần này là lần thứ hai, mọi thứ ở đây đều rất tốt. Hơn nữa, cách phục vụ hay tư vấn của bác sĩ khá tận tình, chu đáo nên tôi rất an tâm dù có phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ”.

Biết là đắt đỏ nhưng tâm lý ai cũng muốn xem mình có bị mắc phải căn bệnh ung thư quái ác này hay không và bệnh tình của mình sau khi điều trị sẽ ra sao.

“Tốn kém bao nhiêu chị cũng phải xoay xở để đưa chồng chị đến chụp chiếu cho an toàn và đỡ lo lắng em ạ”, chị Thành Kim Minh (Hà Nội) cho biết.

Không chỉ riêng chị Minh, tôi thấy có khá nhiều người đến đây để xin tư vấn và đăng ký chụp. Có điều, hầu hết đều là những người có khả năng chi trả (như lời bác sĩ Nguyễn Trọng Sơn, khoa Chẩn đoán hình ảnh – Y học Hạt nhân, bệnh viện Việt Đức) nếu không nói là những người giàu có.

Cũng theo bác sĩ Sơn, mỗi tuần khoa tiếp nhận khoảng 10-12 bệnh nhân và thực hiện chụp chiếu trong hai ngày thứ Ba và thứ Năm hằng tuần. Khi chụp bằng máy này, bệnh nhân có thể an tâm với kết quả rất chính xác, chỉ có điều giá thành cao và bệnh nhân không được hưởng bảo hiểm.

Khoa Chẩn đoán Hình ảnh – Y học Hạt nhân nằm ở khu 6 tầng của Bệnh viện Việt Đức.

Nhìn từ ngoài vào dễ dàng thấy được sự khác biệt đối với những khoa khám bệnh khác. Một phòng chờ khám rộng rãi và thoáng mát có điều hòa và bàn ghế sang trọng.

Bệnh nhân và người nhà có thể ngồi đợi thoải mái mà không phải chịu áp lực vì chen chúc, chật chội như nhiều chỗ khác vì thỉnh thoảng mới có vài ba bệnh nhân đến khám. Ở đây, các nhân viên hỏi han, tư vấn, mời nước uống… rất tận tình.

Quan sát những người đến đây khám bệnh, từ phương tiện đi lại (xe ô tô đưa đón), đến phong cách ăn mặc có thể  thấy họ là tầng lớp giàu có. Khác hẳn với nhóm người ở khu khám bệnh khác (ví dụ như phòng khám của bệnh viện K), đang chật vật, chen chúc chờ  đến lượt mình khi con số bệnh nhân ngày càng quá tải.

Hiện nay, các bệnh viện được đầu tư nhiều máy móc và thiết bị hiện đại để khám và điều trị ung thư.

Bác sĩ Trần Đình Hà, Phó trưởng khoa Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có nhiều phương thức khám và điều trị ung thư có sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao như phẫu thuật xạ trị, hóa chất, xạ trị bằng máy gia tốc tuyến tính điều biến cường độ thế hệ mới LINAC...

Những thiết bị này đều là những thiết bị tiên tiến nhất, đảm bảo điều trị một cách hiệu quả nhất cho bệnh nhân ung thư và phù hợp với túi tiền của họ.

Tuy nhiên, theo kết qủa thống kê tại khoa Y học Hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, điều trị bằng máy gia tốc tuyến tính mỗi ngày trung bình có khoảng 50 - 60 bệnh nhân, chụp bằng máy Gamma Camera mỗi ngày có 1 - 2 bệnh nhân. Với loại máy này, bệnh nhân phải chi trả một số tiền khổng lồ là 45 triệu/lần.

Khi được hỏi về vấn đề làm thế nào để những bệnh nhân nghèo có thể dễ dàng tiếp cận với kỹ thuật cao, bác sĩ Đình Hà chỉ trả lời rằng bệnh viện sẽ thực hiện tùy theo mức bảo hiểm chi trả cho bệnh nhân.

Tất cả các thiết bị ở đây đều là hàng ngoại nhưng giá là “giá Việt Nam” và bệnh viện không thể cứ “chạy theo” người nghèo trong vấn đề này được.

Nếu một lần sử dụng máy chụp hình cắt lớp SPECT, bệnh nhân chỉ mất gần 100 USD thì với máy chụp PET/CT, bệnh nhân phải chi trả khoảng 1.850 USD, cao gấp gần 20 lần.

Bà Nguyễn Thị Lan (Đức Thọ, Hà Tĩnh) có chồng bị ung thư gan, ngậm ngùi nói: “Khi ung thư đã trở thành di căn rồi thì ước được phát hiện sớm hơn, khi có máy phát hiện ung thư rồi thì giá lại cắt cổ.

Thú thật ai mà không muốn, nhưng tiền ăn còn không đủ thì chúng tôi làm sao dám mơ tưởng được khám bệnh bằng kỹ thuật cao”.

Câu nói ấy vẫn còn day dứt trong tôi mỗi lần nhìn vào những khuôn mặt khổ hạnh đang ngồi mệt mỏi trong phòng chờ xạ trị.

Những giọt nước mắt của người nhà bệnh nhân lo không biết có đủ tiền chạy chữa tiếp cho người thân của mình nữa hay không. Và khi chương trình phòng chống ung thư vẫn được xem là mục tiêu quốc gia, luôn khuyến cáo mọi người nên tìm hiểu và phát hiện ung thư sớm mà mỗi năm vẫn có thêm 150.000 người mang trong mình căn bệnh tử thần này.  

Máy PET/CT  là hệ thống máy hiện đại nhất mới xuất hiện đầu năm nay ở Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội và bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai cũng đang chuẩn bị đưa vào hoạt động loại máy này.

Máy PET/CT có thể có khả năng phát hiện ung thư sớm, đánh giá toàn diện các tổn thương do tế bào ung thư gây nên để bác sĩ quyết định cách xử lý và theo dõi tái phát sau mổ và điều trị.

Theo bác sĩ  Nguyễn Trọng Sơn, khoa Chẩn đoán hình ảnh - Y học Hạt nhân, Bệnh viện Việt Đức, việc bệnh nhân phải chi trả một khoản tiền lớn như vậy là do dược chất tiêm vào của máy dễ bị bán hủy nếu phải vận chuyển trong vòng bán kính hơn 100km.

Chính vì thế, thiết bị chụp này cần phải đi kèm với máy sản xuất phóng xạ có giá thành rất cao và rất tốn kém.

Để giảm bớt chi phí cho bệnh nhân, trong thời gian tới phải nhân rộng nhiều hệ thống máy chụp đồng thời xây dựng một trung tâm sản xuất thuốc riêng. Giảm thiểu những chi phí vật tư tiêu hao không cần thiết.

MỚI - NÓNG