30 năm Trường Viết văn Nguyễn Du:

Tôi được học với những người thầy tử tế

Tôi được học với những người thầy tử tế
TP - Trường Viết văn Nguyễn Du vừa kỷ niệm 30 năm thành lập. Thời gian qua ngôi trường này có nhiều đổi thay, từ tên gọi trở đi (thành khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình văn học, thuộc Đại học Văn hóa). Gần đây một bộ phận nhà văn khởi xướng việc quay lại tên cũ.

Nhân ngày 20/11, Tiền Phong giới thiệu bài của nhà văn Văn Chinh - cựu học sinh Viết văn Nguyễn Du.

Tôi được học với những người thầy tử tế ảnh 1
Thầy trò Trường Viết văn Nguyễn Du (ảnh tư liệu nhà trường)

Cùng học Khóa 2 Trường Viết văn Nguyễn Du với chúng tôi có nhà thơ Trần Đăng Khoa. Bữa khai giảng, Khoa lên diễn đàn đọc bài thơ, tôi rất ngạc nhiên về hai câu:

Nghề viết văn làm sao mà học được

Anh vẫn đi để xa biển thôi mà

Về sau này, khi Khoa từ Nguyễn Du bay sang học Gorky, có mấy người muốn dẹp trường, đều lập luận như Khoa. Văn chương là một nghề đặc thù - họ nhấn mạnh thế - chủ yếu nhờ năng khiếu và sáng kiến (sáng tạo) cá nhân. Thử hỏi ai dạy Nguyễn Trãi, Nguyễn Du viết văn?

Những người muốn dẹp trường hăng hái nhất cũng không ai chịu khó hỏi thêm câu nữa, rằng hai cụ đã học hành, đứng trên tầng cao nào của văn hoá, tri thức thời đại trước khi cầm bút?

Như tôi được biết, trong và sau chiến tranh, thế hệ nhà văn sung sức của ta đều chỉ mới tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp phổ thông.

Có thể hình dung một nhà văn trung bình/ điển hình của văn học ta lúc ấy: Trung sĩ, xấp xỉ 30, từng ngồi trên ghế nhà trường xé vở viết đơn xin nhập ngũ, đến đơn vị, nhớ nhà, viết thơ, viết báo tường.

Cấp chỉ huy bảo viết được, rút lên làm trợ lý chính trị, ở trung đoàn rồi lên sư đoàn, viết báo, viết kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội và thành nhà văn. Vốn sống tích lũy hừng hực của họ nhanh chóng cho ra đời hàng loạt tác phẩm có chất liệu na ná như kinh nghiệm sống của bạn đọc.

Sự tương thích đã cộng hưởng và chúng ta có một thập kỷ (khoảng 1968 - 1978) văn đàn xôn xao. Cảm hứng chủ đạo của thập kỷ này là yêu nước, thù giặc, dũng cảm, hy sinh, ta thắng, địch thua.

Trên đại thể, nghề văn là nghề dạy nghề. Mỗi nhà văn khi xuất hiện đều có nét giông giống một ai đó, ấy là dấu vết "bài tập" giữa thầy trò họ. Xung quanh một nhà văn đàn anh, bao giờ cũng xúm xít một chùm nhà văn trẻ, như thợ cả với các chú phó nhỏ.

Mực thước có sẵn, nhìn vào tay bác cả mà học. Khi phó nhỏ thành thợ cả thì mực thước cũng đã thuộc, cứ thế tiếp diễn. Hoa văn có khác chăng, chỉ ở chỗ mềm mại hồn hậu hay ngoa ngoắt sắc sảo, thô sơ hay tinh tế mà thôi.

Lấy những tiểu thuyết kha khá về chiến tranh của các nhà văn thế hệ trung úy ở Liên Xô, đặt cạnh cuốn của Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và sau nữa của Xuân Đức, Khuất Quang Thụy sẽ thấy sự giông giống như đặt cạnh nhau các loại tủ buyt phê của Nga, Pháp và Việt Nam vậy.

Chưa kể có cái khác họ là chùm nho con sóc, trình bày dưới bệ, thì lại na ná đồ mộc Minh Thanh. 

Lỗi chẳng của riêng ai, mà cũng chưa chắc là có lỗi. Chẳng qua cứ theo tập quán nghề dạy nghề mà đi thì rồi nó sẽ đến thế.

Tôi không rõ khi ngồi với nhau bàn việc lập Trường Viết văn Nguyễn Du, các thầy tôi nói với nhau những gì, nhưng chắc là họ cảm thấy phải tìm cách gia cố tầm văn hoá và phải làm bài bản, có hệ thống cho các nhà văn.

Gia cố tầm văn hóa, trước hết là văn hóa Việt. Ở đây có điều như nghịch lý: Các thầy thì khỏi bàn. Thầy Hoàng Ngọc Hiến và Phạm Vĩnh Cư du học Nga, thầy Huỳnh Khái Vinh du học Đức; Trong các quán nước, để hỏi ai trả tiền, chủ quán nói "cậu nào làm Liên Xô đây?".

Vâng, Liên Xô là thiên đường, là đích đến nhưng giáo trình của các thầy thì chiếm đến hơn một nửa là Việt Nam học, và mời chuyên gia đầu ngành như GS Từ Chi, GS Trần Quốc Vượng, GS Nguyễn Hồng Phong, GS Phan Huy Lê.

Tôi đã rất ngạc nhiên. Về già, tôi đọc lại Phản chiêu hồn của Nguyễn Du và nghĩ:  Suốt hai ngàn năm, thi nhân Trung Quốc vĩ đại đều chỉ làm thơ chiêu hồn Khuất Nguyên, ngâm ngợi với nhau rồi đốt đi mà thả xuống dòng Mịch La. Riêng cụ Nguyễn nhà ta thì Phản chiêu hồn:

Hồn hề hồn hỡi hồn về làm gì

Mặt đất đâu đâu cũng Mịch La

Người nào chẳng là Thượng Quan?

Vả lại, người đâu lại cứ nói như đinh đóng cột ta trong mà đời đục, tôi tốt mà nó xấu?  Tầm Nguyễn Du nhân loại hơn, yêu và tương kính con người hơn (chưa kể dân chủ - hội nhập hơn)

Mà trong lẽ phải có người có ta

Hiểu biết sâu và vững vàng Việt Nam học mới có cái mà ăn nói với các nền văn hóa khác. Xin cảm ơn những người sáng lập và soạn giáo trình Trường Viết văn Nguyễn Du.

Hẳn là thầy Huỳnh Khái Vinh đã xin được một cái xe Niva mầu trắng sữa rất oách, chạy bằng xăng không chì, choáng lộn. Chẳng những nó trở thành cái xe đưa đón thầy đẹp nhất trong các trường đại học Hà Nội hồi bấy giờ, mà lái xe - chú Thuận người xứ Thanh cũng tốt và nhiệt tình năm bờ oăn luôn.

Sinh viên đều có tên tuổi. Nhiều thầy mê nữ sinh xinh đẹp. Sinh viên đủ thông minh để biết nghe, nghe như nuốt lấy từng lời, tạo thành thứ men say cho thầy dốc tri thức, kiến thức riêng đến đáy!

Thầy Nguyễn Khắc Phi dạy văn học Trung Quốc cổ cận, mê mải đến nỗi cuối buổi mệt bã người. Giời mưa tầm tã. Tôi chạy ra quán bà Duẩn đầu cổng mua chén nước và hai thanh kẹo lạc, thầy trò chia nhau.

Tôi vừa ăn kẹo lạc vừa ngẫm nghĩ, cơm gạo mốc nhai như rơm, đậu phụ với thịt dọi kho đi kho lại đến ải ra, thầy là con cháu nhà quan lâu đời, nuốt làm sao? Ăn như thế, thầy lấy đâu ra năng lượng để nói sà sã, nói đến thào thào cả giọng?

Thầy Phi của tôi vóc hạc mình gầy, lấy đâu ra năng lượng nếu không từ chính tình yêu văn chương của cả thầy lẫn trò?

GS Trần Quốc Vượng có mấy khẩu đầu ngữ độc đáo: "đồng chí", "ông ạ", "ông có đồng ý với tôi thế không?". Thầy cứ đi từ đầu lớp đến cuối lớp, vừa đi vừa nói, tiện ngắt câu ở chỗ nào thì dừng lại, vỗ vai người ngồi cạnh mà “ông ạ”. Một lần như thế, thầy vỗ vai tôi.

- Ông ạ, tôi trộm nghĩ đồng chí Dụ Tông là ông vua kém của nhà Trần, nhưng giời cho đồng chí có được bốn câu thơ có thể đăng trang nhất báo Văn nghệ nhà các ông:

Đường Việt khai cơ lưỡng Thái tông

Đường xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong

Kiến Thành tru tử, An Sinh tại

Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng.

Sao, liệu có đáng đăng trang nhất báo Văn nghệ không? Nếu tôi không nhầm, tự tôn dân tộc bằng văn hoá mới thật đáng tự tôn, ông ạ, ông có đồng ý với tôi thế không? 

GS Phan Huy Lê sau khi giảng lịch sử Việt Nam, có cua giảng Phương thức sản xuất châu Á tuyệt vời. Mới học Chủ nghĩa xã hội khoa học xong, đầu sinh viên nào cũng chỉ có năm phương thức sản xuất tất yếu thay thế nhau: Nguyên thủy, Nô lệ, Phong kiến, TBCN và XHCN.

Marx nói thế, nhưng trong lý luận của Marx cũng có khái niệm phương thức sản xuất châu Á và chưa nói rõ nội hàm. GS Lê đưa nội hàm thuyết phục: Châu Á, theo duy vật lịch sử, cũng có năm phương thức sản xuất nhưng vì là châu Á nên nó có đặc thù.

Các mốc lịch sử ở châu Á bị bẻ gập xuống chứ không đoạn tuyệt như châu Âu và như vậy, ở mỗi phương thức sản xuất sau đều tồn dư những phương thức sản xuất trước, song hành.

Như thời phong kiến, vào lúc cực thịnh, bắt được tù binh vẫn cấp cho vương hầu làm nô. Hoặc giờ đã xoá bao cấp, nhưng cơ chế xin cho vẫn chứng tỏ sự có mặt mạnh mẽ của nó. Ấy là quy luật vậy!

Không phải hơn 30 học viên Khoá 2 của chúng tôi đều thành nhà văn, nhưng khi thành thì mỗi trang viết của họ đều khác. Họ trỗi vượt lên chính họ.

Trong bài về nhà văn Sao Mai, tôi có mở đầu thế này: Tôi có cái may mắn trong cuộc đời rất không may mắn của mình, là được học thầy giỏi, và những cuốn sách hay sớm hay muộn đều đến tay. Khi viết những dòng ấy, tôi nghĩ đến các thầy ở Nguyễn Du. Một lần nữa xin cảm ơn các thầy, cảm ơn số phận.

MỚI - NÓNG