Vụ máy bay Jetstar Pacific bị tố thiếu an toàn, Cục phó Hàng không VN:

Hệ thống giám sát của JP có vấn đề

Hệ thống giám sát của JP có vấn đề
TP - Ngày 10/11, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Cục trưởng Hàng không Việt Nam (HKVN) Phạm Quý Tiêu cho biết, thanh tra lần này nhằm phát hiện xem ở Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (JP) có để xảy ra lỗi hệ thống hay không.

Cùng ngày, Tiền Phong trao đổi với Cục phó HKVN Lại Xuân Thanh về sự kiện này.

Hệ thống giám sát của JP có vấn đề ảnh 1

JP gặp hết chuyện thương hiệu, lại dính vụ kỹ sư tố về an toàn bay - Ảnh: Bảo Khánh

Ông Thanh nói: Hôm nay, một lãnh đạo của Vietnam Airlines cũng vừa gọi điện cho tôi bày tỏ quan ngại sự việc như báo chí nêu về an toàn bay của JP cũng có thể ảnh hưởng tới họ và những hãng hàng không khác của Việt Nam.

Điều cần thanh tra nhất hiện nay ở JP là có sự cố tình hay không: JP biết hỏng mà vẫn cho máy bay hoạt động (?). Còn nếu thanh tra không phát hiện ra được vấn đề thì Cục HKVN phải chịu trách nhiệm về năng lực.

Tuy nhiên, nhật ký ghi chép ngành hàng không ngặt nghèo lắm. Hệ thống thanh tra giám sát phải phát hiện được.

Cục HKVN từng phát hiện ra lỗi nào trong việc bảo dưỡng máy bay của JP?

Tháng Bảy vừa qua, một nhân viên kỹ thuật của JP đã tự ý tháo bộ phận truyền cảm và bịt đầu ống lại. Theo nguyên tắc của ngành hàng không, việc tháo lắp phải đúng quy trình chứ không tự tiện làm như thế.

Ví dụ, máy bay thiếu một áo phao, hãng bay phải xin phép Cục HKVN (gọi là xin nhân nhượng - PV) để máy bay hoạt động. Cục xem xét, nếu thấy an toàn có thể nhân nhượng cho bay nhưng không được xếp khách hàng ở vị trí thiếu áo phao đó. Còn việc nhân viên kỹ thuật JP đó tự ý quyết định bay là vi phạm.

Nhân viên này đã bị Cục HKVN đình chỉ giấy phép nhiều tháng. Hãng bay JP cũng bị tước quyền cấp nhân nhượng vì để xảy ra sự việc trên. Hệ thống giám sát của hãng này có vấn đề.

JP là hãng hàng không chi phí thấp, liệu có giảm chi phí bảo dưỡng dẫn tới tình trạng như kỹ sư nọ phản ánh?

Từng có tiền lệ khi châu Âu liệt hơn 50 hãng hàng không của Indonesia vào danh sách đen, cấm bay vào không phận vì những hãng này không đạt tiêu chuẩn an toàn bay.

Đã gọi là hãng hàng không chi phí thấp thì ngay cái tên đã phản ánh đầy đủ là hãng phải có hình thức giảm các chi phí. Tuy nhiên, về nguyên tắc không ai cho phép tính chi phí đó vào an toàn.

Không có sự khác biệt giữa hãng chi phí thấp và hãng hàng không truyền thống về yếu tố an toàn bay. Với hàng không, chỉ cần một lỗi liên quan an toàn đã bị nhà chức trách xử lý nghiêm khắc rồi. Và người dân tẩy chay cũng đủ để sập tiệm.

Giả sử đúng như viên kỹ sư nọ tố JP để máy bay hoạt động mất an toàn thì Cục HKVN cũng liên đới trách nhiệm vì năm nào cũng kiểm tra định kỳ?

Tất nhiên cũng phải xem xét hệ thống giám sát của Cục đã chặt chẽ hay chưa. Giả sử một lỗi đáng lẽ phát hiện được nhưng anh không phát hiện thì cũng phải bị xử lý. Tuy nhiên, giám sát không phải lúc nào cũng có mặt ở hiện trường.

Giám sát của Cục có hai hệ thống, gồm: Hệ thống giám sát an toàn thuần túy làm việc chuyên môn kỹ thuật, giám sát xem các hãng có tuân thủ quy định pháp luật, quy chế an toàn, quy trình của hãng được Cục HKVN phê duyệt hay không; hệ thống giám sát nữa là thanh tra.

Đợt này là thanh tra chuyên ngành. Theo đó, thanh tra chuyên ngành có thể khuyến cáo ngay cả lãnh đạo Cục. Họ cũng có đầy đủ thẩm quyền thanh tra về vấn đề kỹ thuật và có đủ trình độ kiểm tra kỹ thuật như giám sát an toàn. Hai hệ thống này hoạt động độc lập mặc dù có thể chồng lấn nhau.

Cảm ơn ông.

 Đình Thắng
Thực hiện

MỚI - NÓNG