Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ GTVT giao Thanh tra Bộ xác minh làm rõ đồng thời có văn bản yêu cầu Cục ĐBVN báo cáo. Cục ĐBVN báo cáo Bộ GTVT thừa nhận có 3 điểm thu phí là... lậu.
Dư luận Hà Nội đang vô cùng bức xúc về vụ việc này.
Mạng lưới trạm thu phí dày đặc xung quanh đường Bắc Thăng Long - Nội Bài |
Ngày 9/11/2009, Cục ĐBVN đã có văn bản do Cục trưởng Mai Văn Đức ký báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT.
Theo báo cáo này, cục ĐBVN cho biết, Trạm thu phí Thăng Long- Nội Bài được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc quản lý và thu phí tuyến Thăng Long - Nội Bài gồm hai trạm:
Trạm chính đặt tại Km 10 trên tuyến Thăng Long - Nội Bài, thu phí đối với các phương tiện cơ giới sử dụng chung cho đường và cầu Thăng Long. Trạm phụ đặt tại Km 0-Km 1 trên đường Vĩnh Thanh. Trạm này chỉ thu phí sử dụng riêng cầu Thăng Long.
Trạm thu phí Thăng Long - Nội Bài được giao cho Cty Quản lý và sửa chữa đường bộ 234 (Cty 234) thuộc Khu Quản lý đường bộ 2 (khu 2). Tại thời điểm triển khai nhiệm vụ thu phí, do khu vực đặt trạm thu phí có nhiều đường nhánh tạo điều kiện cho các phương tiện qua đường, qua cầu không mua vé (trốn vé), vì vậy đơn vị thu phí đã tổ chức 3 điểm chống thất thu tại các đường nhánh là điểm Nam Hồng (hướng đi chợ Yên), điểm Nam Hồng (hướng đi Đông Anh) và điểm Kênh Giữa.
Tại các điểm chống thất thu này đơn vị bố trí từ 2 đến 3 người thu phí có rào chắn cơ động để thu phí đối với những phương tiện cơ giới né tránh việc mua vé phí qua cầu.
Báo cáo của Cục ĐBVN khẳng định: Việc hình thành và tồn tại 3 điểm chống thất thu là xuất phát từ yêu cầu thực tế. “ Tuy nhiên, dù với mục đích chống thất thu nhưng việc lập 3 điểm thu phí là chưa bảo đảm tính pháp lý”- Cục ĐBVN thừa nhận.
Dân bị thu oan hàng chục tỷ đồng - Cục nghiêm túc kiểm điểm (?)
Có thể thấy, lời lẽ trong văn bản của Cục ĐBVN khá mềm mại so với bản chất của sự việc. Thực tế phải gọi 3 điểm thu phí mà Cty 234 dựng ra là 3 trạm thu phí trái phép, vi phạm pháp luật hay Cty này đã cố ý làm trái.
Hơn nữa, việc khoác cho cái tên điểm chống thất thu cũng là bao biện bởi lẽ: Đơn vị thu phí có thể xác minh được trong số các xe bị thu phí qua 3 điểm này có bao nhiêu xe là trốn vé, bao nhiều xe không đi qua cầu, không đi đường Bắc Thăng Long- Nội Bài nhưng vẫn bị nộp phí oan?
Cục ĐBVN cũng cho biết, số tiền thu được do bán vé thu phí tại các điểm chống thất thu được nộp về trạm chính. Số liệu của Cục ĐBVN cho thấy, tính từ ngày thành lập trạm đến nay số thu của Cty 234 tại 2 trạm (có phép) và 3 điểm không phép là 532,5 tỷ đồng. Nếu tính sơ bộ 3 điểm thu bất hợp pháp có doanh số bằng 10-15% tổng doanh thu thì có nghĩa là trong 15 năm qua các nhà xe đã phải đóng tiền oan từ 50 đến 75 tỷ đồng!
Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, Cục ĐBVN cho rằng: Chống thất thu cho ngân sách nhà nước là việc làm cần thiết nhưng chống thất thu mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền là không đảm bảo tính pháp lý. Cục ĐBVN mới chỉ tập trung vào công tác thu phí mà thiếu quan tâm đến cơ sở pháp lý nên mới để xảy ra tình trạng này. Cục xin nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của mình.
Có tình tiết đáng lưu ý là ngày 25/8/2009 Bộ GTVT có quyết định chuyển giao nguyên trạng trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài cho Cty CP BOT Vietracimex 8 để thu phí hoàn vốn cho dự án xây dựng QL 2, thời gian thực hiện từ 1/9/2009.
Ngày 27/8/2009 cũng chính Cục ĐBVN có văn bản chỉ đạo Khu 2 bàn giao nguyên trạng trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài cho Vietracimex 8. Điều này được hiểu là Cục ĐBVN, Khu QL ĐB 2 và Cty 234 đã hợp thức hóa sự tồn tại của 3 điểm thu phí lậu và bàn giao cái sai cho Cty Vietracimex 8 tiếp tục thu phí sai.
Hơn nữa, trong văn bản ngày 26/10/2009, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường ký cũng nêu rõ: “ Riêng việc tạm ngừng thu phí cầu tại các trạm thu phí Vĩnh Thanh, Nam Hồng giao Cục ĐBVN phối hợp với Vụ Tài chính báo cáo Bộ GTVT phương án tạm dừng thu phí trong tháng 10/2009”. Phải chăng Bộ GTVT cũng thừa nhận tính hợp pháp của trạm thu phí lậu tại Nam Hồng?
Ông Mai Văn Đức, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam: Để bộ trưởng trả lời! Trao đổi với Tiền Phong chiều qua, ông Mai Văn Đức, Cục trưởng Cục ĐBVN khẳng định, dù lập ba điểm thu phí vì mục tiêu nào đi chăng nữa thì việc thành lập ba trạm này chưa đủ tính pháp lý. Không có phép mà tổ chức thu là thu bậy rồi Thưa ông, nói 3 điểm này chưa đảm bảo tính pháp lý nhưng nó đã tồn tại và thu phí trong suốt 15 năm qua vậy thì đơn vị nào phải chịu trách nhiệm? Phải nói đây là trách nhiệm của Khu 2 vì Khu 2 là đơn vị quản lý trực tiếp. Làm sao tôi là Cục trưởng mà lại đi tìm được ( phát hiện các điểm thu phí không phép-PV). Còn về Cty 234, không có phép mà anh tổ chức thu là anh thu bậy rồi. Khu 2 là người quản lý trực tiếp nhưng lại không nắm được việc này. Năm 2006 khi phát hiện, Cục ĐBVN và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các thủ tục, nhưng đơn vị này không làm mà vẫn tiến hành thu phí tại 3 điểm nói trên. Thưa ông dư luận nhân dân bức xúc và yêu cầu Cục ĐBVN nếu trót thu sai thì phải trả lại tiền cho dân? Cái đó thì tôi thua. Chắc để pháp lý giải quyết. Thực ra việc thu phí đều nộp cho nhà nước. Nhưng thực chất, đây là việc thu sai? Đúng là thu sai nhưng cũng phải tính đến thực tế là các điểm này nhằm mục đích chống thất thu. Khi thấy có đến 5 trạm, điểm thu phí trên khu vực 10km ngay cửa ngõ Thủ đô chẳng lẽ ông không thấy bất hợp lý? Thôi, anh tha cho tôi đi. Anh thông cảm, tôi đã có văn bản và để Bộ trưởng trả lời. Bàn giao trạm thu phí: Cấp trên quyết thì phải làm Sở GTVT đang chuẩn bị kiến nghị giải tán trạm thu phí đường Bắc Thăng Long- Nội Bài, quan điểm của Cục về vấn đề này ra sao? Trạm thu phí này đang thu để lấy tiền thực hiện đường tránh Vĩnh Yên mà Phó Thủ tướng đã chỉ đạo. Còn nếu giải tán thì cũng được thôi, nhưng Nhà nước sẽ phải bỏ tiền ra để xây dựng đường tránh Vĩnh Yên. Thưa ông về nguyên tắc dự án BOT là xây dựng- khai thác- chuyển giao, vì sao Vietracimex 8 làm đường tránh Vĩnh Yên lại được thu tiền trên đường Bắc Thăng Long- Nội Bài. Vậy mà Cục vẫn bàn giao? Nếu nói là Cục ĐBVN bàn giao trạm thu phí này thì tôi xin phát biểu thế này: Cấp trên quyết thì chúng tôi phải chấp hành thôi. Nhưng rõ ràng ở đây có sự không bình thường, Vietracimex 8 xây dựng đường tránh Vĩnh Yên nhưng lại được giao thu phí đường Bắc Thăng Long- Nội Bài để đầu tư dự án. Thực tế tiền thu phí đường Bắc Thăng Long- Nội Bài là tiền ngân sách và nó được chi theo Luật ngân sách? Thế thì nói làm gì. Việt Nam mình làm gì có tiền. Nên lấy thu đường này, đầu tư dự án đường kia. Nhưng việc đầu tư BOT bất kỳ tuyến đường nào đều do doanh nghiệp tự quyết định theo phương thức lãi hưởng, lỗ chịu. Vì sao có chuyện làm một dự án chưa xong mà anh lại được thu phí trên một con đường khác? Nếu thực hiện được như thế thì rất dễ cho chúng tôi. Thực chất chúng tôi cũng chỉ là người làm thuê cho nhà nước. Khi cấp trên có ý kiến rồi thì mình phải thực hiện. Phùng Sưởng (thực hiện) |