Hiện Nữ hoàng Vương quốc Đan Mạch Margrethe II và Phu quân - Hoàng thân Henrik - cùng Thái tử và Công nương đang ở thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1 đến ngày 9 tháng 11, theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân.
Giản dị
Sáng ngày 1 tháng 11, vào lúc chín giờ 35 phút, chiếc máy bay chở khách thực hiện chuyến bay thương mại TG - 560 của hãng hàng không quốc tế Thái Lan từ Bangkok hạ cánh sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Trong số các hành khách có phái đoàn cấp nhà nước Đan Mạch do Nữ hoàng Margrethe II dẫn đầu sang thăm Việt Nam.
Phái đoàn của Nữ hoàng Margrethe II có 15 thành viên chính thức bao gồm cả những nhân vật chủ chốt nhất của Hoàng gia Đan Mạch như Hoàng thân Henrik, Thái tử Frederik Andre Henrik Christian, Công nương; các quan chức Chính phủ như Bộ trưởng Văn hóa Carina Christensen, Bộ trưởng Môi trường Troels Lund Poulsen, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Claus Grube, v.v. Tháp tùng Nữ hoàng Margrethe II trong chuyến thăm này còn có 15 nhà báo, và 69 doanh nhân.
Đan Mạch là một trong năm quốc gia ở Bắc Âu, có mức sống cao hàng đầu thế giới, thế mà một đoàn đại biểu cấp nhà nước do Nữ hoàng dẫn đầu đi thăm chính thức nước ngoài vẫn không sử dụng chuyên cơ. Gần 100 thành viên trong đoàn, kể cả Nữ hoàng Margrethe II, cũng chỉ đi lại bằng máy bay thương mại từ Copenhagen sang Hà Nội, quá cảnh Bangkok.
Di chuyển giữa các địa phương ở Việt Nam, Nữ hoàng Margrethe II và phái đoàn của bà sử dụng máy bay thương mại của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.
Những ngày làm việc tại Hà Nội trong chuyến thăm này, Nữ hoàng Margrethe II và đoàn khách nhà nước Đan Mạch cũng chỉ ăn, nghỉ tại những căn phòng không quá sang trọng, cầu kỳ của khách sạn năm sao Sofitel Metropol trên phố Ngô Quyền.
Phá lệ
Bức ảnh đầu tiên trong đời của bé Henri de Laborde de Monpezat được chụp tại Hà Nội năm 1934. Ảnh: Rút từ Hồi ký của Henri de Laborde de Monpezat “Mệnh Giời Bắt thế” |
Nữ hoàng Margrethe Đệ nhị sinh ngày 16/4/1940, là con gái lớn nhất trong ba người con gái của Vua Đan Mạch Frederik IV và Hoàng hậu Ingrid. Hoàng hậu Ingrid vốn là Công chúa Thụy Điển.
Trong lịch sử Bắc Âu, hai vương quốc Đan Mạch và Thụy Điển từng có thời là kẻ thù truyền kiếp của nhau nên việc Vua Đan Mạch kết hôn cùng Công chúa Thụy Điển là điều lạ.
Chiều ngày Chủ nhật (1 tháng 11), người dân Hà Nội chứng kiến một đoàn xe xích lô dài chở khách Âu, có xe cảnh sát dẫn đường, xuất phát từ Khách sạn Sofitel Metropol trên phố Ngô Quyền đi vòng vèo quanh khu phố cổ rồi dừng lại trước số nhà 80 phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình. Tòa biệt thự ba tầng này hiện nay là trụ sở chính của Ủy ban Dân tộc. Trong số những người khách Âu mặc thường phục bình dị này có Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II, Phu quân của bà là Hoàng thân Henrik, Thái tử Thái tử Frederik Andre Henrik Christian và Công nương. |
Theo truyền thống Hoàng gia và Hiến pháp Đan Mạch trước đây, ngôi vua chỉ truyền cho con trai trong dòng Hoàng tộc.
Tuy nhiên, do Vua Frederik Đệ tứ và Hoàng hậu Ingrid không có con trai, chỉ có ba người con gái nên Đan Mạch phải sửa Hiến pháp để cho Công chúa Margrethe được nối ngôi vàng của vua cha Frederik IV.
Công chúa Margrethe chính thức lên ngôi Nữ hoàng Đan Mạch vào tháng Giêng năm 1972 ở tuổi 32, và phu quân của bà- Hoàng thân Henrik - ở tuổi 38.
Công chúa Margrethe là người nữ đầu tiên trong Hoàng gia Đan Mạch -một hoàng tộc vào hàng lâu đời nhất châu Âu - lên ngôi Nữ hoàng. Một điều nữa cũng không giống với thông lệ Hoàng gia Đan Mạch là Phu quân của Nữ hoàng Margrethe II là người nước ngoài chẳng thuộc dòng dõi hoàng tộc nào.
Khi kết hôn với Công chúa Margrethe, ông chỉ là nhà ngoại giao Pháp Henri de Laborde de Monpezat, xuất thân từ dòng họ quí tộc Monpezat ở vùng Pau, Pháp.
Ông Henri de Laborde de Monpezat sinh ngày 11/6/1934 tại nhà bà ngoại của ông ở Talence, gần Bordeaux, Pháp. Chỉ vài ngày sau khi ra đời, ông được mẹ đưa sang sống tại Hà Nội từ năm 1934 đến 1939 cùng với cha ruột của ông là một nhà kinh doanh đa ngành ở Đông Dương.
Sau đó ông được đưa về sống và học ở Pháp một thời gian trước khi trở lại Việt Nam vào năm 1950. Ông Henri de Laborde de Monpezat học trung học và lấy bằng tú tài ở Hà Nội năm học 1951-1952.
Sau khi kết hôn với Công chúa Đan Mạch Margrethe, nhà ngoại giao Pháp Henri de Laborde de Monpezat phải bỏ tên cũ, thay đổi quốc tịch, tôn giáo, ngôn ngữ của mình để trở thành một con người khác. Bí thư Thứ ba Henri de Laborde de Monpezat đang làm việc tại Đại sứ Pháp ở London trở thành Hoàng thân Henrik của Đan Mạch từ đó.
Biệt thự 80 Phan Đình Phùng, Hà Nội
Nữ hoàng Vương quốc Đan Mạch Ma-gơ-rét Đệ nhị và Phu quân cùng các thành viên khác trong gia đình thăm ngôi nhà số 80 Phan Đình Phùng, Hà Nội ( nơi Phu quân của Nữ hoàng từng sống 5 năm đầu đời) ngày 1-11. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN. |
Chiều ngày Chủ nhật (1 tháng 11), người dân Hà Nội chứng kiến một đoàn xe xích lô dài chở khách Âu, có xe cảnh sát dẫn đường, xuất phát từ Khách sạn Sofitel Metropol trên phố Ngô Quyền đi vòng vèo quanh khu phố cổ rồi dừng lại trước số nhà 80 phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình.
Tòa biệt thự ba tầng này hiện nay là trụ sở chính của Ủy ban Dân tộc. Trong số những người khách Âu mặc thường phục bình dị này có Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II, Phu quân của bà là Hoàng thân Henrik, Thái tử Thái tử Frederik Andre Henrik Christian và Công nương.
Biệt thự 80 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ảnh: Đại Phượng |
Những vị khách Đan Mạch rời xích lô, tiến vào trong khuôn viên tòa biệt thự mang biển số nhà 80 Phan Đình Phùng để được Hoàng thân Henrik chỉ cho Phu nhân và các con nơi ông đã từng sống những ngày ấu thơ.
------------------------
Còn nữa
Kỳ 2: Hà Nội với ký ức tuổi thơ ngọt ngào