UBND TP Hà Nội cùng với các ban ngành, tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc TP, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành Đoàn, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân TP Hà Nội đã ký kết chương trình phối hợp và phát động cuộc vận động “Toàn dân không vứt đổ rác ra đường, phố và nơi công cộng”. Tham dự buổi phát động có lãnh đạo UBND TP, đại diện các sở, ban, ngành và đông đảo người dân Thủ đô.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội, ông Đặng Việt Quân chính thức thông qua chương trình phối hợp thực hiện với tinh thần quyết tâm cao, khơi dậy niềm tự hào, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của người Thủ đô, làm chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, đoàn thể, từng người dân.
Thành phố sẽ tiếp tục duy trì, thực hiện có hiệu quả các phong trào như “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng” trên địa bàn thành phố; phong trào tổng vệ sinh vào chiều thứ Sáu, sáng thứ Bảy hằng tuần, tập trung vào các khối cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, các khu tập thể, tổ dân phố, khu dân cư tập trung.
Hãy bỏ rác vào thùng để thể hiện lối sống văn minh. Ảnh : PV |
Ngay sau lễ phát động, một số quận, huyện, đơn vị đã triển khai những biện pháp cụ thể hưởng ứng. Quận Hoàn Kiếm đã triển khai kế hoạch làm xanh, sạch đẹp đường phố hướng tới Đại lễ 1.000 năm, Thành Đoàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổ chức các đội tuyên truyền viên phát tờ rơi tới từng khu phố, từng người dân...
Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Quyết không “đánh trống bỏ dùi”!
Thưa ông, Đại lễ đang đến gần nên thành phố mới phát động phong trào toàn dân không đổ, vứt rác ra đường phố, nơi công cộng? Không phải chỉ đến dịp hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mà công tác giữ gìn vệ sinh môi trường (VSMT), trên địa bàn thành phố luôn là yêu cầu đặt ra thường xuyên. Hiện nay tình trạng xả rác bừa bãi ở Hà Nội đã đến mức báo động, vừa làm mất mỹ quan thành phố, vừa gây ô nhiễm môi trường. Đã đến lúc người Hà Nội cần tẩy trừ ngay tệ đổ rác ra đường, vứt rác bừa bãi ở các khu vực công cộng. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần triển khai ngay một cuộc vận động lớn trên phạm vi toàn thành phố, cần sự vào cuộc tổng lực của các cấp, các ngành, của chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong xã hội. Hà Nội đã nhiều lần phát động phong trào đảm bảo VSMT nhưng trên thực tế nạn đổ rác ra đường vẫn tràn lan! Trong thời gian tới, các giải pháp phải triển khai đồng thời: Vừa tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức người dân, vừa đầu tư cơ sở, phương tiện chứa rác, thu gom vận chuyển và xử lý rác thải. Việc kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm với mức xử phạt cao nhất được áp dụng theo Nghị định 23-CP. Các đơn vị làm công tác VSMT cũng bị xử phạt, nếu để rác bẩn rơi vãi nơi công cộng. Bên cạnh đấy, thành phố có chế độ khen thưởng, khuyến khích, động viên người làm tốt, cơ quan, đơn vị làm tốt. Điều quan trọng là phải thực hiện kiên quyết, triệt để, đồng bộ từ chỉ đạo đến thực thi, không thể để xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Người dân, báo chí chụp ảnh, phản ánh những trường hợp vi phạm, có cơ quan nào tiếp nhận và xử lý? Nếu phát hiện vi phạm, mọi người dân đều có thể thông tin đến các số điện thoại công khai của các đơn vị làm công tác VSMT trên từng địa bàn, của các lực lượng xử phạt như Thanh tra xây dựng, Cảnh sát môi trường... để xử lý kịp thời. Hiện thành phố đang xây dựng cơ chế khen thưởng trong hoạt động này. Quan điểm là trích một phần từ nguồn phạt bồi dưỡng cho lực lượng kiểm tra, xử lý đồng thời khen thưởng cho những tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong việc cung cấp thông tin, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. Phùng Sưởng-Nguyễn Tú |