Đại biểu Quốc hội kiến nghị dừng gói kích cầu

Đại biểu Quốc hội kiến nghị dừng gói kích cầu
TPO – “Cần đánh giá hiệu quả của gói kích cầu thứ nhất. Dừng ngay và không triển khai tiếp gói kích cầu thứ hai thay vào đó tập trung cho đảm bảo kinh tế vĩ mô”- Đại biểu Nguyễn Bá Thanh đề nghị.
Đại biểu Quốc hội kiến nghị dừng gói kích cầu ảnh 1
Đại biệu Quốc hội phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồng Vĩnh

Kiến nghị dừng ngay gói kích cầu thứ nhất, tập trung nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa đối với nông dân, tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, khắc phục những điểm yếu trong phát triển kinh tế,...là những vấn đề chính được các đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 sáng nay, 27/10.

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng dù gói kích cầu được đưa ra khá lâu nhưng đến nay người nông dân, đối tượng cần được vay vốn, hỗ trợ chính, lại vẫn chưa được tiếp cận vốn.

Theo bà Thoại, trong việc phát triển kinh tế sắp tới, Chính phủ nên tập trung thực hiện một nhiệm vụ trọng yếu, không nên thực hiện dàn trải. Ưu tiên cho đầu tư phát triển. Cần tập trung giải quyết dứt điểm các công trình kéo dài trong đó gắn với xử lý trách nhiệm những người liên quan.

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) thì cho rằng hiện có sự lạc quan trong đánh giá về tình hình kinh tế xã hội. Tổng dư nợ hiện đã lên đến 44% GDP. Sắp tới tăng giá nhiều mặt hàng, tăng lương, giá vàng tăng thì chắc chắn đồng Việt Nam sẽ bị mất giá, lạm phát.

Bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước cần thận trong việc nhập khẩu, xuất khẩu vàng, nhanh chóng nghiên cứu và tăng độ linh hoạt trong điều hành chính sách tỉ giá, tạo được lòng lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài để tiếp tục thu hút vốn FDI.

“Cần đánh giá hiệu quả của gói kích cầu thứ nhất. Dừng ngay và không triển khai tiếp gói kích cầu thứ hai thay vào đó tập trung cho đảm bảo kinh tế vĩ mô”- Ông Thanh đề nghị.

Đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) phân tích việc xác định các chỉ tiêu tăng trưởng hiện nay có vấn đề. Chúng ta đưa ra mục tiêu tăng trưởng cho năm các rồi sau đó phải điều chỉnh lại với mức điều chỉnh tới 1,5%. Đây là khoảng cách khá rộng nhưng hai năm vừa qua chúng ta vẫn phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng. Liệu năm 2010 chúng ta có điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng nữa hay không?

“Khi góp ý với Ủy ban Kinh tế, tôi cũng đề nghị để mức tăng trưởng chỉ tiêu dao động từ 1 đến 1,5%. Chỉ tiêu chỉ mang tính dự báo. Khi đặt ra chỉ tiêu chúng ta vẫn hay nói vì sao tăng trưởng của chúng ta không có chất lượng. Ở đây có vấn đề, không chỉ là con số. Vấn đề ở đây phản ánh thực tế là mô hình tăng trưởng của chúng ta vẫn dựa vào vốn”- Ông Lĩnh phân tích.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng thủ tục hành chính trong việc cho vay hỗ trợ lãi suất rườm rà khiến nhiều đối tượng chưa tiếp cận được vốn vay. Quyết định 497 về hỗ trợ vay vốn mua sắm máy móc cho người nông dân là chính sách được mong chờ nhất nhưng lại ít tác động nhất.

Đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) cho rằng đến nay hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đã giải ngân hơn 400.000 tỉ đồng. Nếu so với với các nước thì không phải lớn. Tuy nhiên đên nông dân tiếp cận vốn kích cầu đến nay mới được 500 tỉ đồng, quá ít so với hơn 400.000 tỉ đồng đã giải ngân. Điều này do cơ quan chức năng giải thích không kịp thời, rõ ràng. Chính sách cho nông dân vay vốn hỗ trợ cũng có bất cập.

“Quy định một ha đất nông nghiệp chỉ được vay 7 triệu là không đủ cho sản xuất. Số tiền này chỉ đủ cho sản xuất lúa chứa không đủ cho sản xuất màu. Thời gian hỗ trợ cũng đề nghị kéo dài đến 2010”- Ông Kiệt phân tích.

Tái cấu trúc theo hướng nào?

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng có nhiều đánh giá ý kiến khác nhau về vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế. Đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai) cho rằng cần tái cấu trúc nền kinh tế theo chiều sâu để không bị tụt hậu về kinh tế. Báo cáo của WB cho thấy khoảng cách chênh lệch giữa Việt Nam và một số nước càng ngày càng xa.

Theo ông Danh, về tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình là cần thiết nhưng cần làm rõ theo mô hình nào trên thế giới. Chúng ta tính làm theo mô hình tăng trưởng tự do của Mỹ, Anh, Italia hay mô hình tăng trưởng xã hội của Đức, Thụy Điển, Bắc Âu. Đi theo mô hình kinh tế nhà nước phát triển của Pháp, Nhật Bản hay mô hình phát triển công nghiệp mới của Hàn Quốc, Singapore, Mêhicô, Brazil hay mô hình công nông nghiệp của Trung Quốc, Ấn Độ. Vấn đề ưu tiên và chiến lược đầu tư phát triển trong lĩnh vực cơ cấu vùng như thế nào cũng cần làm rõ.

Đại biểu Lê Bộ Lĩnh, cũng cho rằng đến lúc cân nhắc việc có tái cơ cấu nền kinh tế trong năm tới hay không. Theo ông, việc tái cơ cấu nên tập trung vào những vấn đề lớn, vào những vấn đề Chính phủ có thể tác động chứ không phải tác động vào một vấn đề. 

Ông Lĩnh đề nghị tập trung vào ba mảng vấn đề: Phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực; cải cách hành chính và thể chế kinh tế. Đây là ba vấn đề mấu chốt nhất. “Tôi đề nghị nếu được thì nên xây dựng thành ba chương trình quốc gia lớn. Mỗi chương trình cần có một Phó Thủ tướng phụ trách. Riêng chương trình cải cách hành chính và thể chế kinh tế là quan trọng nhất thì do Thủ tướng phụ trách”- Ông nói.

Trong phiên họp sáng nay nhiều đại biểu cũng đề nghị cần xem xét lại việc kê khai tài sản của công chức theo thực chất, không nên làm theo hình thức. Khẩn trương khắc phục những điểm yếu như nạn tắc đường, xuống cấp của cơ sở hạ tầng, tình trạng ngập lụt tại các thành phố lớn.

Cùng với đó Chính phủ cần rà soát những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ từ trung ương đến cơ sở. Đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định sử dụng xe ô tô, cho phép các cơ quan mặt trận cấp huyện được sử dụng xe ô tô trong các công tác…

Đại biểu Nguyễn Danh cho rằng hiện 90% số hộ nghèo là ở khu vực nông thôn. Báo cáo của Chính phủ cho thấy tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm 11% nhưng tỉ lệ hộ nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số lại gia tăng trên 50%. Đáng chú ý, hơn 80% hộ nghèo ở miền núi là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy cần quan tâm đối tượng nghèo hơn nữa trong đó đặc biệt chú ý khu vực vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên.

MỚI - NÓNG