Điện hạt nhân: Còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ?

Điện hạt nhân: Còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ?
TP - Đến thời điểm này, ngay cả những ý kiến dè dặt nhất cũng phải thừa nhận phương án điện hạt nhân của Việt Nam không nên gạt bỏ. Nhưng không ít nhà khoa học vẫn băn khoăn khi thấy còn nhiều vấn đề đang bỏ ngỏ, chưa được đề cập trong báo cáo đầu tư dự án.

Dự án nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên của Việt Nam sẽ được Quốc hội Khóa XII, Kỳ họp Thứ 6, vào xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư.

Trước một chủ trương trọng đại, để góp phần giúp nhà nước thu thập đầy đủ hơn thông tin chân thật, khách quan, góp phần đánh giá chính xác hơn khoảng cách giữa ta với các nước và nhu cầu khai thác nhà máy ĐHN, Báo Tiền Phong mở diễn đàn trao đổi về dự án ĐHN ở Việt Nam.

Hy vọng các ý kiến sẽ đóng góp phần nhỏ cho việc xây dựng một quốc sách hạt nhân lâu dài cho đất nước. Mọi ý kiến tham gia, xin gửi về Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội, hoặc qua địa chỉ chuyenmuc@tienphong.vn.

Để mở đầu, số báo này, chúng tôi xin đăng tải cuộc trao đổi với ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam.

Ông Vương Hữu Tấn: Sẽ chậm tiến độ nếu...

Ông Vương Hữu Tấn nói:

Theo lộ trình, nhà máy ĐHN  đầu tiên  của Việt Nam sẽ vận hành vào năm 2020 và việc xây dựng tổ máy đầu tiên bắt đầu khoảng từ năm 2014 hoặc 2015. Như vậy, chúng ta còn khoảng năm năm để lo các công việc chuẩn bị, như phê duyệt địa điểm, lập báo cáo đầu tư, tổ chức đấu thầu, kí kết hợp đồng tổ chức xây dựng.

Điện hạt nhân: Còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ? ảnh 1
Ông Vương Hữu Tấn

Có rất nhiều việc cần phải làm của chủ đầu tư cũng như của các cơ quan liên quan đến an toàn bức xạ, môi trường, nghiên cứu triển khai hỗ trợ kĩ thuật, các ngành công nghiệp, và các cơ sở đào tạo... Hy vọng, sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ thành lập ban chỉ đạo nhà nước để chỉ đạo chung các hoạt động này.

Một hai tổ máy không đáng là bao

12 tỷ USD là một khoản đầu tư khổng lồ chiếm tới 1/5 GDP của quốc gia. Có cần thiết phải đầu tư một lượng ngoại tệ lớn như thế để xây dựng nhà máy ĐNT trong khi chúng ta có thể phát triển thủy điện và nhiệt, khí, phong điện với giá thành rẻ hơn nhiều?

Nếu lấy ở phương án  tỷ suất đầu tư cao nhất là 3.000 USD/KW công suất, đúng là chúng ta phải tốn khoảng 12 tỷ USD.

Tất nhiên phải khai thác triệt để thủy điện bởi thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo. Nhưng sau thủy điện Sơn La, hầu như thủy điện lớn không còn nữa.

Nhưng tỷ suất lợi nhuận của ĐHN so với thủy điện, nhiệt điện thì thế nào?

Nếu lấy hệ số chiết khấu để tính thời gian thu hồi vốn, ĐHN hoàn toàn cạnh tranh được với những loại điện sản xuất từ các nhiên liệu nhập khẩu như: than, dầu, khí.

Về lâu dài ĐHN có ưu thế là chi phí cho nhiên liệu, cho vận hành bảo dưỡng thấp, chỉ chiếm dưới 25 phần trăm giá thành phát điện. Trong khi đó, với nhiệt điện khí, nhiệt điện than, nhiên liệu chiếm 60-70 phần trăm trong giá phát điện.

Vì thế với ĐHN khi đã hết khấu hao đầu tư rồi, nó là nguồn năng lượng rẻ nhất, không nguồn nào có thể cạnh tranh được.  Mà thời gian sống của  điện hạt nhân lại rất dài. Bình thường những lò mới là 60 năm nhưng có thể kéo dài đến 80 năm. Dưới 20 năm đã có thể thu hồi vốn 60 năm sau chỉ cần tính giá vận hành bảo dưỡng thôi.

Nếu bây giờ  đưa một hoặc hai tổ máy vào hoạt động thì không đáng là bao bởi, một năm, với một tổ máy công suất  khoảng 1.000 MW, chỉ được khoảng 6 đến 7 tỷ KWh. Trong khi đó mình thiếu hàng trăm tỷ KWh.  Vậy ĐHN cũng chỉ có thể giải quyết một phần nhỏ thôi. Nhưng về lâu dài, khi chúng ta xây được nhiều tổ máy, có thể giải quyết được căn bản bài toán năng lượng của đất nước.

Vừa làm vừa đào tạo

Thưa ông, chúng ta sẽ vận hành nhà máy ĐHN như thế nào khi mà nhân lực có chuyên môn cao về lĩnh vực nguyên tử hạt nhân đang vừa thiếu vừa yếu?

Đó là bức tranh chung của những  nước bắt đầu làm điện hạt nhân. Ví dụ như Hàn Quốc những năm 70 của thế kỷ trước bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân, khi đó nguồn nhân lực của họ cũng không nhiều hơn chúng ta bây giờ. 

Phải có quyết sách rồi chúng ta mới chuẩn bị nhân lực chứ không thể chuẩn bị hết nhân lực mới bắt đầu làm. Chúng ta vừa làm vừa đào tạo, quan trọng là ban đầu mình có đội ngũ nòng cốt.  Ví dụ nhân lực cho vận hành thì, chỉ đào tạo khoảng hai năm trước khi nhà máy vận hành. Đào tạo bây giờ, họ không có việc làm.

Chúng tôi đang làm nghị định hướng dẫn thi hành Luật Năng lượng Nguyên tử trong đó cũng nêu ra một số cơ chế chính sách quan trọng để thu hút nhân lực cho ngành. Hi vọng từ nay đến cuối năm Chính phủ sẽ thông qua nghị định đó để tạo ra một động lực  thu hút nhân tài vào  ngành năng lượng nguyên tử.

Chúng ta cần khoảng bao nhiêu người cho nhà máy ĐHN?

Nếu cho cả công trình thì cần rất nhiều. Nhưng riêng về hạt nhân, số lượng không nhiều. Ví dụ cả một nhà máy điện hạt nhân với hai tổ máy cần khoảng 800 - 1.000 người, trong đó chỉ 10 - 20 phần trăm nhân lực là của ngành hạt nhân; còn lại là những ngành khác như cơ khí, hóa chất, điện, điện tử. Với cơ quan quản lý nhà nước,  như cơ quan quản lý về an toàn hạt nhân, cần 80 - 100 người.

Không bao giờ có sự cố như Chernobyl

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất của  nhà máy ĐHN chính là an toàn phóng xạ?

Người ta thường lo lắng về sự an toàn của nhà  máy điện hạt nhân  nhất là sau khi có những sự cố đã xảy ra như Chernobyl. Nhưng với những lò phản ứng được xây dựng hiện nay với  công nghệ hiện đại, có thể đảm bảo không bao giờ có sự cố như Chernobyl. Cho dù có xảy ra những sự cố trầm trọng nhất, cũng không bao giờ có phóng xạ thoát ra môi trường mà chỉ có thể ở trong phạm vi nhà máy thôi.

Chúng ta sẽ giải quyết thế nào cho bài toán hết sức nan giải và nhạy cảm - xử lý chất thải hạt nhân?

Đây là bài toán chung của thế giới, không riêng gì Việt Nam. Chúng ta nhập công nghệ nước nào thì cũng nhập luôn công nghệ xử lý nước thải của nước đó. Có hai loại chất thải, một loại hoạt động thấp, một loại hoạt động trung bình. Công nghệ phổ biến, đã được thương mại hóa rồi, chấp nhận được rồi, an toàn và rất nhiều nước đều làm.

Còn với những loại chất thải hoạt động cao mà chính là những thanh nhiên liệu cháy thì đó là một nguồn năng lượng. Nếu tách ra được từ những thanh uran chưa cháy hết sẽ được một nguồn nhiên liệu mới.

Tuy nhiên vấn đề tái chế ấy lại rất nhạy cảm bởi nó liên quan đến vấn đề xử lý vũ khí hạt nhân. Bởi thế nó sẽ chịu sự quản lý rất chặt chẽ bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Hiện nay các nước có phương án tạo thành những trung tâm khu vực để xử lý các nguồn nhiên liệu đó.

Dự án ĐHN Ninh Thuận do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư bao gồm hai nhà máy đều có vị trí nằm ven biển.

Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Hai nhà máy ĐHN đầu tiên ở Việt Nam có tổng công suất 4.000 MW. Mỗi nhà máy có diện tích trong hàng rào là 400 ha. Hiện, công suất của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là 1.920 MW.

Theo ông Masahiro Yagi - Giám đốc Văn phòng Hợp tác quốc tế Cục An toàn Công nghiệp & Hạt nhân (Nisa - Nhật Bản), muốn đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khi phát triển điện hạt nhân, phải ban hành các điều luật nghiêm ngặt về lĩnh vực này. Ở Nhật Bản có tới 22 điều luật. Chúng ta đã chuẩn bị về hành lang pháp lý cho sự ra đời của nhà máy ĐHN như thế nào?

Chúng ta đã và đang chuẩn bị. Ngày 3/6/2008, Quốc hội đã thông qua Luật Cơ bản về Năng lượng Nguyên tử ở Việt Nam. Trên cơ sở đó chúng ta đang xây dựng các văn bản giới luật mà cụ thể là xây dựng ba nghị định.

Một là nghị định hướng dẫn thi hành một số điều về điện nguyên tử. Hai là nghị định về nhà máy điện hạt nhân. Ba là nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện nguyên tử. Dưới đó thì còn các nghị định của thủ tướng, các thông tư.v.v. Từ nay cho đến lúc Quốc hội thông qua, các văn bản về cơ bản phải có đủ để xem xét dự án.

Chọn nhà thầu, chưa nghiêng về nước nào

Nước ta sẽ chọn công nghệ nào cho nhà máy ĐHN?

Hiện nay có ba loại công nghệ chính: lò nước sôi, lò nước áp lực và lò nước nặng áp lực. Nước ta sẽ đi theo hướng phổ biến trên thế giới là lò nước áp lực, chiếm khoảng 60 phần trăm, Công nghệ lò nước sôi chiếm 20 phần trăm. Còn lại là các lò khác. Chúng ta sẽ lựa chọn công nghệ hiện đại nhất mà đã được kiểm chứng hiện nay là lò thế hệ 3 hay thế hệ 3+, đảm bảo độ an toàn và hiệu quả kinh tế.

Chúng ta đã ngắm nghía để lựa chọn nhà thầu chưa?

Chúng ta chưa nghiêng về nước nào cả. Nhật Bản chào hàng công nghệ lò nước áp lực cải tiến, Nga chào VVR1000, kiểu lò thế hệ thứ 3. Mỹ hay Pháp cũng đều chào những kiểu lò thế hệ thứ 3 hoặc thứ 3+ và có thể đáp ứng được với nhu cầu của VN về mặt kĩ thuật.

Nói chung, chọn công nghệ nào, của nước nào, còn rất nhiều thứ liên quan như kinh tế, chính trị. Vấn đề này sẽ có những bộ phận khác nghiên cứu.

Nhiên liệu cho nhà máy ĐHN sẽ phải nhập?

Nhập hoàn toàn. Về lâu dài, một khi xây dựng nhà máy đủ về số lượng, chúng ta sẽ tính đến làm một nhà máy chuyên chế tạo từ nhiên liệu uran làm giàu nhập khẩu. Sẽ nhập khẩu uran rồi chế tạo thanh nhiên liệu.

Nhưng Việt Nam cũng được cho là đất nước có tiềm năng về urani?

Theo thống kê sơ bộ khoảng 210.000 tấn urani tập trung ở Nông Sơn - Quảng Nam nhưng chất lượng quặng không cao, cần có những điều tra nghiên cứu tiếp.

Cảm ơn ông.

Số báo ra hôm sau, thứ Hai, 19/10/2009, là các ý kiến xung quanh vấn đề giá ĐHN tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển ĐHN Việt Nam - Trung Quốc tổ chức ở Hà Nội ngày 15/10.

Phùng Nguyên - Hà Vân
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.