Uẩn khúc <EM>sân sau</EM> của VFA:

Trưởng bán gạo cho phó = xuất khẩu

Trưởng bán gạo cho phó = xuất khẩu
TP - Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood2) thuộc VFA có sân sau làm bao điều bí ẩn ở nước ngoài trong đó có bán phá giá gạo; bán cả tương, cà…, nhiều năm qua ít người biết.

>> Lợi ích nông dân cao sẽ ảnh hưởng giá tiêu dùng?
>> Phải cắt sân sau, bỏ đặc quyền
>> Đặc quyền lãi lớn, nông dân chầu rìa

Trưởng bán gạo cho phó = xuất khẩu ảnh 1
Thu hoạch lúa ở An Giang - Ảnh: Hoài Vũ

Buôn tương cà, bán phá giá gạo

Như Tiền Phong đã đưa tin, bà Cao Thị Ngọc Hoa - Phó Tổng giám đốc của Vinafood2 thừa nhận với Tiền Phong rằng, bà là giám đốc điều hành SAIGON FOOD PTE LTD tại Singapore. Đây là Cty con của Vinafood2 đầu tư vốn ra nước ngoài được sự đồng ý của Bộ KH&ĐT.

Bà Hoa thừa nhận việc Cty này bán gạo đi nước thứ ba mỗi khi tìm kiếm được khách hàng. Bà Hoa nói: “Vốn pháp định khi thành lập hồi đầu năm 2009 là 10 tỷ đồng, tương đương khoảng 800 ngàn USD Singapore. Ngoài việc kinh doanh mặt hàng gạo, chúng tôi còn kinh doanh thủy sản, hàng đông lạnh, mì ăn liền, mì nui. Tóm lại, mắm, muối, tương, cà gì cũng có...”.

Khi được hỏi: “Vì sao trong một bản khai những thông tin quan trọng về SAIGON FOOD tại Singapore chỉ thể hiện vốn có 1 USD?”, bà Hoa lý giải: “Luật của Singapore quy định là phải chia từng cổ phần. Một USD là một cổ phần. Ví dụ 800.000 USD là 800.000 cổ phần chứ không phải vốn 1 USD. Nhưng mà tôi suy diễn vậy thôi chứ không biết nó như thế nào...”.

Sau khi thông tin về việc Vinafood2 có sân sau ở Singapore đăng trên Tiền phong, một giám đốc doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu gạo đặt vấn đề: Tất cả các DN trong nước muốn xuất khẩu gạo đều phải có con dấu của VFA thì hải quan mới cho xuất. Trong trường hợp này, Vinafood2 bán hàng ra nước ngoài cho SAIGON FOOD PTE LTD thì cũng phải qua VFA duyệt, đóng dấu.

Như vậy đã xảy ra một qui trình khá hài hước nhưng có thật: Tổng giám đốc Vinafood2 ký hợp đồng bán gạo cho phó tổng giám đốc Vinafood2 phụ trách xuất khẩu, kiêm giám đốc SAIGON FOOD PTE LTD tại Singapore.

Sau đó để được xuất khẩu, tổng giám đốc SAIGON FOOD PTE LTD lại trình lên chủ tịch VFA ký, đóng dấu.

Vì sao Vinafood2 không bán gạo cho thương nhân ở nước ngoài như các DN trong nước khác mà lại bán cho chính của mình tại sân sau Singapore? Phải chăng cách này khiến Vinafood2 chuyển gạo ra nước ngoài với giá thấp hơn giá sàn theo qui định của VFA.

Và, SAIGON FOOD PTE LTD tiếp tục bán lại cho thương nhân ở nước thứ ba (như thừa nhận của bà Hoa) với giá cao hơn? Lợi nhuận của Cty mang danh nghĩa nước ngoài (SAIGON FOOD PTE LTD) sẽ được chuyển về đâu, chia thế nào còn là điều bí ẩn.

Giá nội bộ  làm sao công bố?

Trở lại cuộc họp báo ngày 7/10 do VFA tổ chức tại TPHCM, ông Nguyễn Thọ Trí - Phó Chủ tịch VFA đã lên tiếng xin lỗi vì bộ phận văn phòng của VFA đã không cập nhật giá sàn xuất khẩu gạo kịp thời theo từng thời điểm khác nhau, gây hiểu nhầm Vinafood2 bán phá giá.

Thực tế giá sàn linh hoạt chứ không cố định. Giá gạo đăng tải trên trang web 430 USD/tấn là giá hướng dẫn có tính đối ngoại, còn giá nội bộ do HĐQT thống nhất cho phép xuất khẩu 400 USD/tấn. Mỗi khi điều chỉnh giá thì VFA đều có gửi văn bản tận tay các hội viên.

Ông Trí cũng nói rằng không có “Cty một đôla” ở Singapore. SAIGON FOOD PTE LTD là Cty quốc doanh, có vốn pháp định 625.000 USD, được sự đồng ý của Chính phủ...

Trước phát biểu của ông Trí, một giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng Tháp bức xúc: Chưa bao giờ chúng tôi biết, hay thấy được cái văn bản giá nội bộ của VFA, trong qui chế của hiệp hội cũng không hề nêu vấn đề này. Việc thông báo giá sàn cũng tùy tiện, thích thì thông báo không thì thôi. Mà đâu phải lúc nào cũng thông báo bằng văn bản cho các DN, khi thì điện thoại, lúc thì nhắn tin...

Trong khi đó các DN chỉ cần bán thấp hơn giá hướng dẫn thì VFA tuýt còi cho rằng bán phá giá. Cách mà VFA trị DN vượt rào kiểu này là không đóng dấu để làm thủ tục hải quan.

Về “Cty một đôla” của Vinafood2, PV Tiền Phong hiện vẫn giữ văn bản về SAIGON FOOD PTE LTD. Văn bản này cho biết, Cty này có 5 thành viên, 2 người Việt Nam và 3 người Singapore. Trong đó, bà  Cao Thị Ngọc Hoa, địa chỉ tại 200 Nguyễn Thị Minh Khai là giám đốc; vốn đăng ký chỉ 1 USD. Hơn nữa theo pháp luật ở Singapore chỉ cần 1 USD đã có thể thành lập Cty, và dạng Cty phủi như thế rất nhiều.

Phải chăng việc ông Trí phát biểu với báo chí về giá nội bộ 400 USD/tấn là để bao biện cho Cty Lương thực Trà Vinh – nơi ông làm giám đốc, đã bán gạo với giá thấp hơn giá sàn của VFA đưa ra?

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà nước giao nhiệm vụ cho ông Trương Thanh Phong quá lớn. Cần cải tổ lại hệ thống điều phối xuất khẩu gạo. Để ông Phong vừa đá bóng vừa thổi còi như vậy là không ổn. Việc này công luận lên tiếng nhiều rồi. Trách nhiệm giải quyết là của Thủ tướng và các bộ ngành liên quan. 

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chỉ đạo 'nóng' về áp dụng giá đất; chung cư đắt tiền vẫn áp đảo
Địa ốc 24H: Chỉ đạo 'nóng' về áp dụng giá đất; chung cư đắt tiền vẫn áp đảo
TPO - Hà Nội chỉ đạo ‘nóng’ về áp dụng giá đất; Chung cư đắt tiền dự kiến vẫn áp đảo thị trường Hà Nội; Bắc Giang thanh tra toàn diện dự án sân golf và nghỉ dưỡng 140ha; Tạm hoãn xuất cảnh chủ tịch doanh nghiệp có dự án gần 5.000 tỷ;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 22/11.