Tường trình từ rốn lũ

Tường trình từ rốn lũ
TP - Chúng tôi có mặt tại Bình Sơn (Quảng Ngãi), huyện nằm trong tâm bão số 9. Tại thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, vốn sầm uất giờ tan hoang trong đống gạch ngói ngổn ngang.

Với người dân xã Bình Hải, trận bão số 9 này hãi hùng nhất xưa nay. Cơn bão kéo dài và quần thảo cả đêm 28 và buổi sáng ngày 29/9. Cảnh tang thương phủ khắp.

Tường trình từ rốn lũ ảnh 1
Tan hoang sau bão

Xơ xác Bình Sơn

Sáng 29/9, ông Bùi Phước Tình và vợ đang cùng nhau ăn gói mì tôm lót dạ để sau đó tìm nơi ẩn trú. Ngờ đâu, khi ông Tình xuống nhà dưới uống nước thì căn nhà đổ sầm xuống. Khi vợ ông và bà con hàng xóm đến moi từ đống gạch ngói ra thì ông đã tắt thở. Ba căn nhà của con ông Tình cũng bị sập vụn trong cơn bão, giờ thi thể ông che tạm bởi một tấm bạt mềm.

Ông Nguyễn My (53 tuổi, ở thôn Vạn Tường), mấy ngày trong bão bị ốm nặng, bão đổ bộ vào không cách nào chuyển tới bệnh viện, ông đã qua đời. Anh Phạm Cầu, Bí thư xã đoàn năng nổ, trên đường đến thôn Vạn Tường giúp dân chống bão, bị cây bên đường đổ ngã làm gãy mất chân trái...

Hơn 18 giờ bị nước lũ cuốn trôi, thi thể của anh Lê Bin, thôn Thế Lợi (Tịnh Phong, Sơn Tịnh), địa phương sát cạnh tâm bão Bình Sơn, vẫn chưa được tìm thấy. Lẫn trong tiếng khóc xé lòng của gia đình nạn nhân là ngổn ngang nhà cửa, cây cối ngã đổ giữa một vùng rốn lũ tan hoang.

Ông Lê Phụng, dù đã ở tuổi thất thập nhưng những gì ông chứng kiến trong cơn bão vừa qua là điều chưa từng có trong ký ức. “Trong phút chốc, nhà cửa, cây cối ngã đổ tứ tung, súc vật và nhiều người bị cuốn trôi theo dòng nước lũ đỏ ngầu, hung tợn. Thằng cháu tôi Lê Bin vừa đi học từ Đà Nẵng về sợ nước lũ cuốn trôi hết lúa nên đã đội mưa lũ ra đồng vớt lúa để kiếm cái ăn... không ngờ...”.

Ông Phạm Hùng - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban PCLB huyện Bình Sơn cho biết, đến trưa ngày 30/9, do nước lớn làm cô lập các địa phương nên huyện chỉ liên lạc được với một nửa xã trong huyện. Tính đến chiều ngày 30/9, toàn huyện đã có 15 người chết, 28 người bị thương.

Tường trình từ rốn lũ ảnh 2
Đến với người dân vùng bị cô lập

Vào vùng tâm lũ

Đoàn công tác của tỉnh do ông Đinh Văn Thu, PCT tỉnh Quảng Nam dẫn đầu, là lực lượng đầu  tiên tiếp cận vùng rốn lũ các xã vùng đông Duy Xuyên và Quế Sơn. Đến chiều qua lũ vẫn chưa xuống, trong khi đó mưa từ thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ về.

Lũ năm nay có trước khi bão vào, lớn hơn cả lũ lịch sử năm 1999.  Không một phương tiện nào dám vượt sông, kể cả thuyền lớn, vì nước xiết. Canô của BĐBP tỉnh chở các phóng viên cũng bị trôi dạt.

Tại thôn 4 Quế Phú, anh  Lê Trai bơi con xuồng nhỏ ra nhận mì tôm, giọng yếu ớt “mấy ngày rồi các anh ơi, thiếu nước uống, có tiền cũng không biết mua gì, ở đâu”.

Ca nô chạy đến đâu, bà con vẫy tay xin cứu trợ đến đó. Nước lớn, thuyền nhỏ nên chỉ vận chuyển được 20 thùng mì tôm và mấy thùng nước uống, trong khi đó có hàng trăm ngàn người đang thiếu lương thực. Nhiều đò khi tiếp cận ca nô, phải về tay không  vì hết lương thực.

Các xã Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Thành, Quế Phú, Quế Xuân, tất cả đều bị cô lập trong nước.  Ông Nguyễn Đạt, thôn 1 Duy Vinh, nói : “Nhà ngập hơn 2,5 m, không biết đâu mà chạy. Tôi nay đã 71 tuổi, chưa thấy bão lụt mô lớn như thế này”.

Tại âu thuyền Hồng Triều xã Duy Nghĩa, hàng chục thuyền nhỏ của dân , 1 sà lan của đơn vị làm kè tại đây đã bị đánh chìm. Lũ chưa dứt nhưng nhiều người đã tìm cách về lại nhà, ngõ hầu vớt vát chút của cải sót lại.

Ông Huỳnh Đức Minh, nhà tại khu tái định cư Hồng Triều nói : “Ba ngày nay chúng tôi lo tím mặt, bởi phía trước là gió, sau là nước chảy xô nhà, giờ mong nước xuống, nếu lũ lên lại, chắc chết”.

Nhu cầu riết róng nhất của bà con lúc này là nước uống, chất đốt và lương thực tạm thời. Chiều 30, trực thăng Quân khu 5 đã bay  vào Tam Kỳ - Quảng Nam, chuyển 800 thùng mì tôm để hỗ trợ dân vùng lũ.

Trong khi đó, trên quốc lộ 1A, xe nối đuôi nhau dài 50km chờ nước xuống. Thượng tá Hoàng Minh Thống, trưởng phòng CSGT  cho biết  CSGT đã đưa nước uống, mì tôm đến  giúp tài xế và hành khách của các xe, vận động các hàng quán ven đường không nên lợi dụng tình cảnh khó khăn nâng giá.  

Cứu trợ trên đỉnh lũ

Tường trình từ rốn lũ ảnh 3
Cứu trợ kịp thời người dân gặp nạn

Bão số 9 khiến miền Trung hứng chịu trận lũ khủng khiếp nhất từ hơn 10 năm trở lại đây. Từ sáng sớm, nhiệm vụ bay tiếp tế mì tôm, nước ngọt cho dân vùng lũ của Sư đoàn 372 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đã được san sẻ cho hai chiếc trực thăng bay thẳng từ Hà Nội vào theo chỉ đạo của Quân chủng. Hai chiếc MI 171 -  01 và MI 1 - 831 một chiếc đi Lý Sơn, chiếc còn lại bay sau đó ít giờ, trực chỉ những ngôi làng bị cô lập.

Hơn 800 thùng mì tôm khiến chiếc MI 171 – 381 lặc lè cất cánh hướng về Lý Sơn. Ngày 29/9, qua điện thoại ông Võ Xuân Huyện – Chủ tịch UBND huyện cho hay, bão số 9 đã bình địa hòn đảo Lý Sơn khiến gần 2.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại, hàng trăm ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 27 tàu của ngư dân bị nhấn chìm.

Hiện Lý Sơn đã bị cô lập hoàn toàn với đất liền. Phải mất khoảng 3 ngày nữa tàu mới vào được đất liền”. Khi những thùng mì tôm hối hả được chuyển xuống huyện đảo, ngay lập tức, chiếc trực thăng lại phải quay về.

Ông Mai Đình Bảo (An Hải, Lý Sơn), xúc động: Cảm ơn các anh lắm. Bão đã đánh tan hoang đảo nghèo này rồi. Chờ hàng tiếp tế bằng đường biển ra chẳng biết lúc nào”.

Báo cáo nhanh của ông Huyện khi trực thăng sắp cất cánh, là những số liệu thay đổi, đã mang màu tang tóc: “Toàn huyện có 2 người chết, 14 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 2.300 nhà tốc mái. Đặc biệt, 2 con tàu của ông Nguyễn Thành Công và Nguyễn Lộc (cùng xã An Hải, Lý Sơn) đã bị mất tích, trên cả 2 tàu có 30 người hiện không còn dấu vết”. Hối hả lên trực thăng rời Lý Sơn, mây trời vần vũ, mang theo những tiếng khóc tang thương của người dân.

Chuyến bay thứ hai của Trung đoàn 916 hướng vùng Điện Bàn, Đại Lộc, Thăng Bình, những nơi đang gồng mình trong lũ dữ. Thượng tá Nghiêm Quang Khải – phi cơ trưởng chiếc MI 171 – 01 từ trên máy bay nhìn xuống vùng Đại Lộc, kinh hãi: “Thật không thể tin nổi, đã bay nhiều chuyến cứu trợ, nhưng bay về miền Trung lần này, mới thấy được sự kinh hoàng của lũ”.

Từng thùng mì tôm được thả xuống. Những bóng người nhỏ nhoi hướng lên hy vọng. Nhiều ngôi làng ở xã giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam đã bị cô lập hoàn toàn. Những thùng mỳ ít ỏi chỉ giúp được người dân cầm cự thời gian ngắn trong dòng nước xiết.

Trung tướng Nguyễn Sơn Hà – Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cùng ngồi trên chuyến bay cứu hộ, cho hay: “Việc cốt yếu bây giờ là cứu hộ cho đồng bào ở vùng bị cô lập bằng cách dùng trực thăng chở mỳ tôm, nước ngọt đến với họ”.

Tường trình từ rốn lũ ảnh 4
Nhà ngập chìm trong lũ

Lũ dồn, lũ đuổi

Sáng qua, các xã của huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) ngập trong nước lũ. Ông Phùng Kiệm, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu (Hòa Vang) lo lắng: nước lũ lên nhanh quá, chỉ trong vòng từ đêm qua đến sáng nay đã có 7/8 thôn của xã hoàn toàn bị ngập. Hiện đã có một người mất tích do nước lũ cuốn trôi là ông Văn Khánh ở thôn Tây An, Hòa Châu.

Dọc các thôn, người dân chạy đua giành giật tài sản với lũ đang cuộn chảy vào nhà. Bà Lê Thị Miễn (thôn Tây An) bàng hoàng nhìn toàn bộ gia tài của mình bị dòng nước cuốn trôi: “Bão bớt gầm thét, chúng tôi tưởng đã yên, không ngờ lại tiếp tục bị bao vây bởi lũ, chỉ có vài tiếng mà nó đã nuốt cả căn nhà rồi”.

Ông Phùng Kiệm (thôn Tây An) than : Xã chỉ có hai ghe nhỏ, suốt đêm qua đến sáng nay chia nhau cứu hộ bà con nhưng không xuể. Tại khu nhà tránh lũ thôn Phong Nam trên địa bàn đã có gần trăm người đến trú ngụ, tuy nhiên vẫn còn nhiều hộ dân đang đánh đu với dòng nước dữ ngay trong nhà mình, chưa thể di chuyển.

Tại xã Hòa Châu (Hòa Vang) hàng chục mái nhà nhấp nhô trong nước, nhiều căn nhà hai tầng bị ngập lên đến cả tầng hai. Nước như bao phủ khắp các thôn Đông Hòa, lan đến tận xã Hòa Tiến. Khu vực phường Hòa Thọ Đông (Cẩm Lệ), hàng chục hộ dân tổ 8, tổ 9, đang khẩn trương bê đồ đạc khi nước tiếp tục dâng cao.

Theo ông Huỳnh Minh Nhơn, Chủ tịch huyện Hòa Vang thì, hiện có 11/11 xã bị ngập, trong đó có 64 thôn cùng với gần 5.400 căn nhà chìm sâu trong nước. Đã có một người mất tích, ba người bị thương nặng trong quá trình chạy lũ.

Xe chúng tôi tiếp tục lao về phía ngã ba cầu Đỏ (Hòa Vang, Đà Nẵng). Một đoạn dài QL1A, đoạn qua địa phận xã Hòa Châu bị chia cắt hoàn toàn bởi những dòng nước xối xả chảy qua ngập đến 0,5m. Hàng chục người cố gắng lê xe máy, xe đạp vượt qua con nước chảy xiết.

Anh Nguyễn Văn Linh, chủ xe 81L - 1486 chạy tuyến lên Gia Lai, Đăk Lăk cho hay: Qua suốt miền Trung trong đêm qua đến sáng nay nhiều nơi bị ngập nhưng ngập nặng như đoạn này thì chưa có. Hàng chục hành khách bị ứ lại trong cảnh màn trời chiếu đất.

Tại đường tránh Túy Loan, hàng chục xe khách, ô tô tải nối đuôi nhau tắc lại do không thể di chuyển vì bị nước chia cắt.

MỚI - NÓNG
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
Đột phá phân cấp, phân quyền: Rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, hiện cấp trên phải “ôm” và làm thay việc cho cấp dưới quá nhiều, dẫn đến thừa cấp dưới mà thiếu cấp trên. Do đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là cách tốt nhất để giảm sự vụ cho cấp trên, để cấp trên lo việc lớn, còn cấp dưới chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, tránh phải ngồi chờ xin ý kiến, khiến cơ hội trôi đi.