Lạm phát năm 2009 khoảng 8%

Lạm phát năm 2009 khoảng 8%
TPO - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, lạm phát năm 2009 khoảng 8%; năm 2010, tăng trưởng và lạm phát sẽ diễn ra theo hai kịch bản.
Lạm phát năm 2009 khoảng 8% ảnh 1
Thống đốc Ngân hành Nhà nước Nguyễn Văn Giàu

Trả lời phỏng vấn báo chí về quan điểm điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hành Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục kiểm soát chặt, duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức 30%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lạm phát khó trở lại trong năm 2009 và thậm chí cả trong năm 2010, nhưng có vẻ lạm phát vẫn là nỗi lo trong điều hành hiện nay? Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới thế nào để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế?

Mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, còn phải kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2009 và 2010, đà tăng trưởng kinh tế được duy trì nhưng có sức ép tăng lạm phát, việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ sẽ phải linh hoạt và áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp tổng thể.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục áp dụng mô hình kiểm soát khối lượng tiền là chủ yếu (quy mô và tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng), kết hợp với kiểm soát giá cả tiền tệ (lãi suất và tỷ giá).

Các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng trên cơ sở dự báo tốt về diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến tiền tệ, tín dụng, nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán khoảng 30% và giảm dần trong những năm tiếp theo; đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, sử dụng các ngân hàng thương mại có qui mô lớn đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Hai kịch bản cho kinh tế Việt Nam

Thời gian qua, nhiều tổ chức dự báo kịch bản cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước dự báo gì về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chính của Việt Nam năm 2009 - 2010?

Bất kỳ các quyết định chính sách kinh tế nào đều phải dựa trên cơ sở phân tích thông tin và triển vọng của các biến số kinh tế (cả tầm vĩ mô và vi mô). Trên thực tế, nhiều dự báo được đưa ra, kết quả có thể khác nhau và có thể không tiệm cận thực tế, bởi kinh tế thế giới biến động khó lường, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, đây là các thông tin rất bổ ích để ngân hàng nhà nước tham khảo, kết hợp với những đánh giá, nhận định của riêng mình để đưa ra định hướng điều hành.

Trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô và diễn biến biến tiền tệ những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước dự báo năm 2009, kinh tế tăng trưởng khoảng 5%, lạm phát khoảng 6% - 8%; năm 2010, tăng trưởng và lạm phát sẽ diễn ra theo hai kịch bản.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế khoảng 6% - 6,5%, lạm phát khoảng dưới 10% trong điều kiện sau:

Tốc độ tăng của tín dụng và tổng phương tiện thanh toán năm 2009 khoảng 30%, năm 2010 khoảng 25% - 27%. Hiệu quả đầu tư giảm nhẹ so với năm 2008, ICOR đạt khoảng 7,7 năm 2009 - 2010 do đầu tư mở rộng theo chính sách kích cầu.

Giá dầu thế giới tăng trở lại và đạt mức bình quân 64 USD/thùng năm 2009 và 70 - 75 USD/thùng năm 2010;

Giá gạo thế giới có xu hướng tăng và đạt mức bình quân 570 USD/tấn năm 2009 và 750 USD/tấn năm 2010.

Kịch bản thứ hai, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,2% - 7%, lạm phát khoảng 7,5% - 8,5% trong điều kiện:

Tốc độ tăng của tín dụng và tổng phương tiện thanh toán năm 2009 khoảng 25% - 27%, năm 2010 khoảng 23% - 25%; hiệu quả đầu tư tương ứng năm 2008, ICOR đạt khoảng 7 - 7,5; giá dầu thế giới bình quân 60 USD/thùng năm 2009 và 70 - 75 USD/thùng năm 2010; giá gạo thế giới có xu hướng tăng và đạt mức bình quân 565 USD/tấn năm 2009 và 600 USD/tấn năm 2010.

Theo đánh giá, Ngân hàng Nhà nước là một trong những cơ quan trung ương tại thực hiện khá hiệu quả việc công khai, minh bạch thông tin. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Cho đến nay, hầu hết các thông tin về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng, nếu không thuộc diện thông tin mật (theo qui định của Nhà nước) đều được Ngân hàng Nhà nước công khai, minh bạch qua thông cáo báo chí, họp báo...

Điều này góp phần định hướng, tạo sự đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ trong dư luận trong nước và quốc tế đối với các chính sách giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng.

Phạm Tuyên ghi

MỚI - NÓNG