Sự thật vòng bát quái trên ải Chi Lăng

Sự thật vòng bát quái trên ải Chi Lăng
TP - Sau một đêm, trong lòng ải Chi Lăng (Lạng Sơn) bỗng nổi lên một vòng bát quái có đường kính rộng chừng bốn mét, xung quanh có những chữ Trung Quốc rất rõ. Nhiều người hiếu kỳ rủ nhau đến xem. Lư hương đặt góc ải đỏ lửa...
Sự thật vòng bát quái trên ải Chi Lăng ảnh 1
Vòng bát quái giữa lòng ải Chi Lăng

Ải Chi Lăng trên quốc lộ 1A cũ, thuộc thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn được công nhận di tích quốc gia từ năm 1962.

Chiến thắng Chi Lăng trở thành kỳ tích với ba lần đánh thắng giặc Tống - Nguyên - Mông oanh liệt. Nơi đây, nhiều quan khách quốc tế, các nguyên thủ quốc gia, các tướng lĩnh, nhà sử học, khách du lịch đến thăm với sự trân trọng đặc biệt.

Chính vì vậy, vòng bát quái bỗng nhiên xuất hiện ngay trước núi Mặt Quỷ trên dãy núi Kai Kinh mới gây xôn xao. Nhiều người đến tận nơi chiêm ngưỡng, chụp ảnh, bàn tán.

Giữa trưa 16/8, phóng viên Tiền Phong chứng kiến có trên 20 bạn trẻ đi xe máy, ô tô xuống lòng ải ngắm vòng bát quái. Hình bát quái màu đen, trắng choán đường đi, cân đối và khá chuẩn. Mỗi bên có năm chữ: kim- mộc - thủy - hỏa - thổ bằng chữ Trung Quốc.

Sự thật vòng bát quái trên ải Chi Lăng ảnh 2
Người hiếu kỳ đến xem vòng bát quái trên ải Chi Lăng

Dân xung quanh đi hái na trên núi trở về, thấy phóng viên hỏi về hình bát quái, nói: “Hai thằng bé trong xóm chơi đùa thôi mà. Nó bị các anh trên huyện bắt lấy giẻ xóa hình vẽ đi rồi”.

Rồi họ chỉ cho tôi đến nhà Hoàng Thái Ngọc, 18 tuổi, ở thôn Quán Thanh. Ngọc mỉm cười: “Cách đây chừng nửa tháng, thấy bọn trẻ trong làng nói rằng, nếu có hình bát quái thì ma quỷ không hiện về được, thế là rủ em con ông chú ra vườn tìm những cục pin thối làm màu đen, lấy vôi làm màu trắng, tìm chính giữa ải để thể hiện”.

Ngọc cho biết, bản thân không có năng khiếu về hội họa nhưng thích mày mò, tự học nên vẽ được hình bát quái này. Ngọc vẽ và hoàn thiện vòng bát quái vào các buổi chiều tối, vắng người qua lại.

Ông Hoàng Văn Thu (42 tuổi), cán bộ MTTQ xã Chi Lăng, là cha của Ngọc phân trần: “Cháu nhà tôi nó ngoan, học giỏi. Ba năm học trường PTTH đều đạt học sinh giỏi, tiên tiến. Năm nay thi hai trường đại học đều đỗ. Song tính nó hiếu động. Tôi không hay biết gì về việc nó làm. Chỉ đến khi mấy anh công an trên huyện xuống nhà, thì mới té ngửa”.

Ngay sau đó, hai tác giả của hình bát quái phải dùng nước, giẻ để lau xóa, song những nét vẽ còn lằn trên mặt đường nhựa.

Khi đề cập đến sự việc trên, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng, ông Lăng Văn Thạch ngạc nhiên vì không được ai báo cáo.

Cùng tâm trạng, ông Trần Hữu Tính, Trưởng Ban Quản lý Di tích, Bảo tàng Tổng hợp Tỉnh Lạng Sơn cho biết, mọi hành vi xâm hại, làm thay đổi môi trường, cảnh quan di tích đều bị nghiêm cấm.

Điều cũng cần nói thêm, ải Chi Lăng hiện vẫn chưa có hệ thống biển, bia hoàn chỉnh về di tích. Thay vào đó, ở góc ải lại xuất hiện một gian thờ. “Tôi vừa điện thoại tới ban quản lý di tích huyện Chi Lăng đề nghị làm rõ và xử lý những vấn đề tồn tại này”, ông Tính nói. 

MỚI - NÓNG