Con cá lăng nặng 12 kg, dài hơn 1,2m được một người dân Con Cuông bán cho nhà hàng Châu Liên. Ảnh: PV |
Anh Vi Văn Lượng, một sát thủ cá lăng sống ở xã Chi Khê, cho hay, loài cá này chủ yếu sống ở thượng nguồn sông Lam, Nậm Nơn, Nậm Mộ đoạn qua huyện Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn, nhưng nhiều nhất vẫn là đoạn Con Cuông và Tương Dương.
Ngày trước, khi các nhà hàng, quán ăn ở phố huyện chưa nổi lên, dân bản sống hai bên bờ sông Lam đánh bắt cũng chỉ mong góp thêm thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Sau nhiều năm cuộc sống đổi thay, săn được cá lăng, bà con mới biết mang ra chợ bán.
Nay, loài cá này gần như bị tận diệt thì mới trở thành đặc sản. Sáng sớm, đi từ thị trấn Con Cuông đến thị trấn Hòa Bình, Tương Dương xuất hiện hàng trăm tay thợ săn cá lăng.
Tại khu vực cầu treo Chi Khê, anh Lương Văn Hóa, một mình một chiếc thuyền độc mộc kèm theo hàng trăm lưỡi câu, lưới đang oằn mình bên dòng sông để săn cá lăng cho hay, số lưỡi câu sẽ giăng mắc vào các hốc đá, còn lưới giăng những chỗ nước tĩnh lặng hơn. Trước đây, mỗi ngày ít cũng bắt được vài yến cá lăng, nhưng nay có khi cả ngày không bắt được một con.
Được biết, gần đây, dân địa phương còn dùng cả kích điện để đánh bắt. Thượng nguồn sông Lam các loài cá nói chung, loài cá lăng nói riêng ngày một bị tận diệt, anh Vi Văn Chiến, dân tộc Thái, thuộc xã Tam Đình, huyện Tương Dương, chuyên nghề câu cá, than phiền.
Cá lăng sống thích nghi với dòng nước trong, nhất là sông suối ở vùng miền tây xứ Nghệ. Tuy nhiên, hiện nay, nước sông Lam bị chuyển thành màu vàng đục do nạn khai thác vàng sa khoáng.
Khi cá lăng ở thượng nguồn sông Lam ngày một cạn dần, bà con bắt đầu vượt lên sông Nậm Nơn và Nậm Mộ, là hai con sông bắt nguồn từ Lào đổ về Cửa Rào, tạo thành sông Lam để săn bắt.
Ông Lương Văn Trung, xã Lượng Minh, cho biết, bản Lã được xem là nơi đệ nhất cá lăng, khúc sông Nậm Nơn từ ngã ba Cửa Rào (sông Lam) qua bản Lã lên bến Thượng Lưu có hệ thống câu, lưới dày đặc.
Trước đây, sáng nào bà con dân bản Lã cũng bắt được hàng yến, có khi hàng tạ cá lăng. Mỗi ngày nước lũ về, cá Lăng từ thượng nguồn trôi theo dòng nước, nhiều tay sát thủ coi đây là mùa làm cá, vì đánh bắt được nhiều hơn.
Hơn nữa, những khi mưa lũ lớn, cá lăng từ thượng nguồn sông Nậm Nơn đổ về hoặc dưới sông Lam cá ngược lên theo dòng nước cuồn cuộn chảy qua khu vực này.
Loài cá hiếm bị tận diệt
Vài năm trở lại đây cá lăng trở nên khan hiếm, nhiều hôm cả bản không bắt được một con. Nhà hàng Châu Liên thuộc diện nổi tiếng nhất miền tây xứ Nghệ, tọa lạc bên bờ sông Lam, đoạn qua thị trấn Con Cuông thơ mộng. Ông Châu chủ nhà hàng, không giấu giếm: “Nhiều hôm, người ta mang cả xung điện để săn cá lăng ngay cả khu vực sông bên cạnh nhà hàng”. Bắt được cá lăng thì ít mà diệt các loài vi sinh vật khác thì nhiều.
Trước đây sáng nào cũng có người mang cá lăng vào nhập cho nhà hàng, có ngày nhà hàng tiêu thụ gần ba chục cân. Mỗi cân cá lăng giá thời điểm đó chỉ từ bảy mươi đến một trăm nghìn đồng, nay giá 250 đến 500 nghìn đồng vẫn không đủ cá để phục vụ khách. Hôm nào may lắm cũng chỉ gom được hơn yến cá.
Anh Moong Hợi, Phó Bí thư Huyện ủy Tương Dương, tâm sự, trước đây mỗi lần đi công tác vào thung lũng lòng hồ thủy điện bản Vẽ, khi ra, thế nào cũng mua được dăm cân cá lăng. Vài năm trở lại đây, mua được cá lăng không còn dễ nữa, bà con bắt được cá là đưa ngay ra thị trấn nhập cho các nhà hàng.
Cá lăng là tên gọi một loài cá thuộc bộ cá da trơn. Đó là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất. Dân địa phương từng bắt được những con cá lăng nặng 40 - 50 kg. Đặc điểm của cá lăng là không có xương dăm, thịt rất ngon. |