Ảnh minh họa |
Theo đánh giá của ADB, Việt Nam là một trong những nước sản xuất các loại rau quả và chè lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, nhưng tình trạng quản lý nhà nước yếu kém, môi trường sản xuất kém an toàn, lạm dụng phân bón và xử lý chất thải gia súc không đúng qui cách thường xuyên cản trở ngành nông nghiệp của Việt Nam đạt được những tiêu chuẩn bắt buộc. Đồng thời, những yếu kém này còn có tác động nguy hại đến môi trường và sức khỏe mọi người.
Dự án hướng tới việc nâng cao các qui định về thực phẩm và hệ thống kiểm soát chất lượng nhằm đảm bảo độ an toàn và chất lượng của các loại thực phẩm dành cho tiêu dùng nội địa cũng như dành cho xuất khẩu.
Dự án cũng sẽ hỗ trợ xây dựng các thiết bị sản xuất khí sinh học, góp phần giảm mối nguy hại đối với sức khỏe từ chất thải gia súc và cung cấp một nguồn năng lượng thay thế cho khoảng 40.000 hộ gia đình.
“Nhu cầu về các mặt hàng nông sản có chất lượng cao và an toàn hơn đối với người tiêu dùng ngày càng trở nên quan trọng khi các vụ việc ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân từ nhiễm bẩn vi sinh và dư lượng thuốc trừ sâu quá mức trong rau quả và chè chiếm tới 30% tổng số các vụ ngộ độc sinh học và hóa học”- Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết
Dự án dự kiến sẽ đem lại lợi ích cho khoảng 3,6 triệu nông dân ở 16 tỉnh và tạo ra khoảng 1,4 triệu việc làm trong các công việc sau thu hoạch. Với kết quả đó, dự án sẽ đóng góp trong việc giảm tình trạng nghèo ở khu vực nông thôn tại 16 tỉnh này, những nơi mà tỷ lệ nghèo còn cao hơn mức trung bình của cả nước.
ADB cũng cung cấp một khoản trợ giúp kỹ thuật không hoàn lại trị giá 1,5 triệu USD để hỗ trợ ban đầu cho việc quản lý dự án và thiết lập một chiến lược để mở rộng chương trình quốc gia về khí sinh học. Chính phủ sẽ đóng góp 300.000 USD cho dự án hỗ trợ kỹ thuật này.