>> Bị chặn phạt hơn nửa tỷ đồng giữa biển
>> Biển khơi mùa "giông bão"
Tiến sỹ luật Trần Công Trục. Ảnh: PV |
Từng nghiên cứu và tham gia trực tiếp đàm phán nhiều vụ việc liên quan tranh chấp, phân định biên giới biển, Tiến sỹ luật Trần Công Trục trao đổi với Tiền Phong về vụ 12 ngư dân cùng phương tiện mới đây bị phía Trung Quốc bắt giữ tại vùng biển Hoàng Sa khi đang đánh bắt cá.
Ngay sau khi nắm bắt vụ việc đăng tải trên Tiền Phong, Tiến sỹ Trần Công Trục rất quan tâm, thấy bức xúc, thương cảm và chia sẻ với những ngư dân đang làm ăn chân chính trên vùng biển Tổ quốc.
Theo ông, vụ việc gây thiệt hại rất lớn đến vật chất, tinh thần cho các ngư dân, gây khó dễ cho quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay.
Hơn lúc nào hết, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước phải lập tức vào cuộc, làm rõ đúng sai về hoạt động trên vùng biển này, và có phương án bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.
Quan điểm của ông thế nào về vị trí hoạt động đánh bắt cá của các ngư dân trong vụ này?
Tọa độ nơi xảy ra vụ việc rất cụ thể, rõ ràng. Theo cán bộ Biên phòng Đồn 328 và ngư dân nói thì nơi đánh bắt cá nằm ngoài vùng bán kính 12 hải lý tính từ mép hòn đảo gần đó (thuộc quần đảo Hoàng Sa), và đó là vùng đặc quyền về kinh tế biển Việt Nam.
Hoàng Sa là quần đảo chứ không phải là quốc gia đảo. Nên chưa cần nói đến việc chiếm đóng Hoàng Sa trái phép từ năm 1974, với hành động này, Trung Quốc đã tự ý nới rộng bán kính kể trên để khẳng định có chủ quyền với vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam - vi phạm những quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Và điều này không thể chấp nhận!
Điều gì sẽ xảy ra nếu các ngư dân chấp nhận nộp phạt hoặc không nộp phạt (540 triệu đồng) sau 10 ngày kể từ khi bị bắt giữ?
Nếu nộp phạt, các ngư dân này đã đương nhiên thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, đó là chưa nói đến hầu hết các ngư dân này nghèo, mà số tiền phạt rất lớn. Còn nếu không nộp, có thể họ cùng phương tiện bị giam giữ, đe dọa tiếp.
Tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc các ngư dân kiên quyết không nộp phạt, điều này thể hiện rất cao ý thức của các công dân về chủ quyền đảo biển Việt Nam.
Theo Tiến sỹ, mục đích của “Trạm quản lý cảng cá Trung Sa” (Trung Quốc) trong cuộc bắt giữ này liệu có phải vì số tiền phạt nói trên?
Theo tôi, chưa hẳn mục đích của họ là số tiền phạt! Họ lộ rõ một ý định lớn hơn thế. Đó là sự thể hiện uy quyền trong những quyết định và hành động liên quan việc thực thi “Chủ quyền và các quyền” mà họ muốn áp đặt đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển khác, mặc dù điều đó rất vô lý!
Văn bản xử phạt ghi rằng “...các đương sự đã vi phạm nghiêm trọng quy định Luật Ngư nghiệp nước CHND Trung Hoa” có đóng dấu đỏ, và ngư dân của ta đã ký tên. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Lời kể của các nạn nhân cho thấy, họ đã bị uy hiếp, như vậy không ký thì có thể bị đe dọa tính mạng hoặc dẫn đến tình huống xấu hơn. Còn như đã ký thì cũng không có giá trị pháp lý, bởi giá trị này chỉ được khẳng định khi hai cơ quan nhà nước của hai bên cùng ký vào văn bản.
Thật đáng lên án bởi đây chỉ là kết cục của tình huống ép buộc từ một cơ quan lớn có nhiều nhân lực và phương tiện mạnh đối với những cá nhân nhỏ bé. Việc họ kéo tàu của ngư dân ta sang một địa điểm cách toạ độ ban đầu khá xa để lập biên bản cũng thể hiện rõ thủ đoạn không thể chấp nhận.
Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để giải quyết vụ việc?
Lập tức các ban ngành các cấp, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Quốc phòng... phải vào cuộc ngay! Họp lại, bàn bạc, trao đổi, ra đối sách, ứng xử cấp bách và lâu dài.
Trước nhất phải có biện pháp ổn thỏa, ứng xử phù hợp để các ngư dân cùng tàu cá thoát khỏi cuộc bắt giữ mà không để lại hậu quả pháp lý. Nên hỗ trợ về vật chất bị thiệt hại cho ngư dân trong vụ này.
Về lâu dài, phải trang bị kiến thức pháp lý và kinh nghiệm xử lý để động viên, khuyến khích ngư dân ra khai thác các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và để hạn chế những vụ việc tương tự.
Cảm ơn ông!
Tùng Duy thực hiện