Con số này khiến nhiều người phải kinh ngạc khi Viện Khoa học Công nghệ & Tính toán TPHCM áp dụng để trả lương cho Viện trưởng là một trí thức Việt kiều.
Đây là mô hình mới của TPHCM trong việc mời nhà khoa học Việt kiều về làm việc và chỉ cần nhà khoa học đó có mặt tại Viện khi thực sự cần thiết (hai tháng/năm, lương 1.000 USD/tháng).
Điều này đã được áp dụng từ cuối năm 2008 khi Viện này chính thức đi vào hoạt động. Mức lương này được coi là một cơ chế đãi ngộ có tính chất đột phá, theo đề xuất của Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM.
Đó là mức cao so với người trong nước, tất nhiên không thể so sánh với mức lương trung bình một nhà khoa học ở nước ngoài (khoảng chừng 100 ngàn USD/ năm).
Gọi là lương cũng không hẳn đúng mà gọi là phụ cấp như “đính chính” của Ủy ban nhân dân TPHCM thì đúng hơn. Khoản tiền đó chỉ đủ dùng để chi trả cho những chi phí trong thời gian nhà khoa học về làm việc ở Việt Nam như tiền vé máy bay, khách sạn (ba sao trở xuống), ăn uống, đi lại trong nước…
Tiến sỹ Trương Nguyện Thành, đang công tác tại Đại học Utah (Mỹ) và được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ & Tính toán TPHCM nói vui: “Nếu trừ các chi phí nói trên, lương tôi bằng zero”.
Anh khẳng định, Việt kiều có nhiệt huyết đóng góp thì lương không quan trọng lắm vì họ hiểu Việt Nam không thể nào trả với mức lương họ đang có.
Anh nói: “Đất lành chim đậu. Điều quan trọng không phải dùng loại thóc nào để dụ chim mà làm sao có đất tốt thì chim tự nhiên bay về. Và làm sao để có đất tốt?”.
Anh Thành lý giải: “Vấn đề nan giải là lương của nhà khoa học Việt Nam và nghiên cứu sinh quá thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống để họ có thể tập trung toàn bộ tâm trí vào việc nghiên cứu khoa học. Mà chất lượng nghiên cứu đòi hỏi sự tập trung của nhà khoa học”.
Anh khẳng định: “Nếu đảm bảo được sự tập trung của nhà khoa học và có môi trường nghiên cứu tốt, tôi tin rằng sẽ không có sự khác biệt trong chất lượng nghiên cứu của nhà khoa học trong nước hay ngoài nước”.
TS Trương Nguyện Thành hy vọng trong tương lai, lương của một nhà khoa học Việt Nam sẽ tùy thuộc vào khả năng của người ấy được chứng minh qua các công trình nghiên cứu của họ được xuất bản ở những tạp chí khoa học quốc tế, qua nhận định của những nhà khoa học đầu ngành trên thế giới chứ không quan trọng là công trình đó của Việt kiều hay người trong nước.
Bao nhiêu người được như thế?
Phải chăng, Tiến sỹ Trương Nguyện Thành là một trong số những người may mắn khi anh tìm được mảnh đất lành là Viện Khoa học Công nghệ & Tính toán TPHCM.
Tính đến nay, anh là người đầu tiên và duy nhất trong việc thực hiện mô hình thí điểm này. Còn rất nhiều nhà khoa học có trình độ cao trên thế giới chỉ về Việt Nam một thời gian lại phải khăn gói ra đi vì chẳng nơi nào cần họ, chứ không phải vì vấn đề lương bổng.
Một TS Việt kiều cũng đã về nước làm việc tâm sự: “Vấn đề là phải có cơ chế thường xuyên phát hiện, trọng dụng người tài. Người tài nằm trong quần chúng khắp nơi”.
Ông nói thêm: “Tôi rất quan tâm đến mức lương của các đồng nghiệp Việt Nam nói riêng và mức lương của cán bộ nói chung. Với mức lương như hiện nay, khả năng khoa học và công nghệ của đất nước ta khó có thể bắt kịp thế giới”.
Không ngồi chờ sự đãi ngộ của nhà nước, nhiều trí thức Việt kiều đã về nước làm việc và cống hiến những gì mình đã tích lũy được ở nước ngoài.
Đó là hình ảnh Tiến sỹ nông học Nguyễn Quốc Vọng, Việt kiều Australia, ngày ngày vẫn đội mũ bảo hiểm phóng xe máy tới nơi làm việc ở Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương 1.
Ông nói chân thành: “Mình cả đời phục vụ người ta, bây giờ đã đến lúc phải phục vụ cho dân mình chứ”. Và thế là, ông từ bỏ công việc có mức lương khá cao ở Australia để tìm kiếm những dự án của Australia dành cho Việt Nam để có nhiều điều kiện về làm việc tại Việt Nam.
Sau một thời gian sống trong ngôi nhà thuê, từ chối các điều kiện ưu đãi như xe ô tô đưa đón, được biết, giờ đây hai vợ chồng ông đã mua được một nhà ở gần Viện để tiện cho sinh hoạt.
Hay như Tiến sỹ Võ Văn Tới, cựu Giám đốc Điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam, ngay sau khi hết nhiệm kỳ tại Việt Nam, ông đang định quay trở về trường đại học Tufts (Mỹ) nơi ông từng công tác trước kia thì nhận được lời mời về làm việc tại Đại học Quốc tế tại TPHCM.
Đối với một nhà khoa học như ông, sức hút giúp ông ở lại Việt Nam chính là cơ chế cởi mở của trường, nơi có thể chấp nhận những mô hình thử nghiệm mà ông đang định thực hiện.
TS Tới vui mừng ở lại Việt Nam với hy vọng ông và các học trò của mình có thể sản xuất ra những sản phẩm y khoa made in Việt Nam trước tình trạng thiếu trầm trọng các trang thiết bị y tế, nhất là với các bệnh nhân ngoại trú…