Các bạn trẻ tìm việc làm đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít cạm bẫy (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Phạm Anh |
Đầu tháng 5/2009, người quen tên Hùng từ quê ra Hà Nội chuẩn bị bay sang Hàn Quốc, nhờ tôi chở đến điểm hẹn để ký hợp đồng với Cty đưa đi. Ngày 5/5, người chạy cho Hùng đi lần này gọi điện thông báo:
“Mai tập trung tại 149 Giảng Võ để ký hợp đồng với chủ Hàn Quốc. Xong là bay luôn”. Sáng hôm sau, người này lại gọi điện: “Chủ Hàn Quốc bận công tác ở TP HCM. Dời sang ngày 8/5 nhé”. Đến hẹn, cò lại chuyển sang ngày 12/5.
Nhà nghỉ là điểm hẹn
Anh Hùng làm thợ xây, nhà nghèo nên bỏ việc ngày nào tiếc ngày đó. Hơn nữa, số tiền 12.500 USD vay ngân hàng đang lãi mẹ đẻ lãi con.
Đúng hẹn, ngày 12/5, Hùng có mặt tại Hà Nội. Dưới cơn mưa như trút, chúng tôi đến địa chỉ 149 Giảng Võ. Nhìn quanh không biết vào đâu vì 149 là ngõ nhỏ.
Phần nổi của tảng băng Trong đường dây này, mạng lưới cò có mặt ở các tỉnh/thành Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... Một số cò đã rửa tay gác kiếm cho biết, vụ này chỉ là phần nổi của tảng băng. Các đường dây đưa người lao động sang Hàn Quốc bằng visa thương mại, du lịch (sang để bỏ trốn), du học... đang hoạt động khá rầm rộ. Đội ngũ cò giàu lên trông thấy nhờ những khoản phí lớn. |
Cò lại gọi điện báo chuyển đến 11A26, ngõ 367, đường Hoàng Quốc Việt. Lại chạy đến đó. 11A26 là nhà nghỉ! Hỏi lễ tân, người này chỉ nói có “cô Vân” đặt phòng và dặn “ai đến mà xưng là lao động thì đưa lên phòng nghỉ ngơi”.
Lên phòng nằm chờ, cò lại gọi điện cho Hùng nói là sáng nay ký hợp đồng với chủ Hàn Quốc, mai bay nên phải chuẩn bị hành lý. Cùng phòng với Hùng, có một số người quê Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc.
Những lao động này mỗi người đều do một cò phụ trách. Hầu hết đã nộp 12.500 USD cho cò. Họ cũng chỉ biết những gì cò cho biết, còn lại là cứ mờ ảo như hoạt động bí mật.
Trưa, một phụ nữ tên Vân (nghe nói thay mặt Cty tập hợp lao động để ký hợp đồng) đến phát tiền ăn cho lao động và bảo, chiều ký hợp đồng. Cả trăm người chứ không 49 đâu mà lo.
19 giờ, sốt ruột tôi gọi cho bà Vân hỏi sao tối rồi mà chẳng thấy ông chủ Hàn đến ký hợp đồng. Bà Vân: “Mày là thằng nào? Tao đang photo tài liệu. Chờ ở đó, tí nữa tao đến nói chuyện luôn”.
Bắt đầu nghi ngờ, một số người nán đợi gặp bà Vân hỏi thêm thông tin. Bà này đến khá muộn, phát cuống vé máy bay cho từng người, rồi nói: “Có người báo có công an, nhà báo trà trộn vào đây. Nói cho mà biết, trước khi viết hãy cẩn thận, kẻo hối không kịp. Không lừa đảo đâu, cứ cẩn thận nhé”.
Tối mịt rồi cũng chẳng thấy ông chủ Hàn đâu, bà Vân nói: “Chắc hôm nay ông chủ Hàn không ra kịp. Đợi sáng mai”. Nói xong bà lên xe rời nhà nghỉ. Sáng mai Hùng lại nhận được điện thoại từ cò thông báo hoãn cuộc gặp vì ông chủ Hàn bận. Hẹn đến ngày 20/5.
Đâm lao phải theo lao. Anh Hùng về quê đợi đúng hẹn lại ra Hà Nội. Ngày 20/5 anh ra Hà Nội, có mặt tại nhà nghỉ tại địa chỉ 11A26. Cò lại gọi thông báo hoãn.
Không chịu được nữa, lao động tìm cò đòi lại 12.500 USD. Chiều 26/5, gọi điện hỏi thăm một số lao động được biết, trò lừa kia vẫn diễn ra ở một số nơi tại Hà Nội.
Văn bản có chữ ký của Thứ trưởng Bộ LĐ - TBXH Nguyễn Thanh Hòa và danh sách lao động tan giấc mộng xuất ngoại. |
Dùng chữ ký thứ trưởng
Hai cò lớn Đề nghị Công an Hà Nội và TP HCM kiểm tra lý lịch hai cò lớn trong đường dây này. Một phụ nữ tên Vân và một người đàn ông ở TP HCM tên Cường (các cò con thường nhắc đến tên như ông trùm). |
Lòng tin mà cò xây dựng cho con mồi của mình là từ văn bản số 37/LĐTBXH, ngày 10/3/2009. Đây là Thông báo quyết định của Bộ trưởng Lao động – Thương binh & Xã hội về việc cho phép Cty ChangShin Việt Nam được đưa lao động (có danh sách 49 người kèm theo).
Thông báo này có chữ ký của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa. Trao tay con mồi văn bản này, các cò giải thích: ChangShin là Cty 100 phần trăm vốn Hàn Quốc. Lao động có tên trong danh sách sẽ được ông chủ ký hợp đồng và sang Hàn Quốc làm việc theo diện Cty mẹ - Cty con. Lao động sang Hàn sẽ làm các công việc đơn giản nên không cần đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, định hướng. Chi phí trọn gói 12.500 USD.
Ngày 2/4/2009, các cò lại thông báo, 49 lao động kể trên sẽ do Cty TNHH UNIPAX đưa đi (thay Cty ChangShin). Cò gửi cho lao động thông báo của Cty UNIPAX. Thông báo có đoạn: Tôi, Tổng Giám đốc Yoon Young Ho của Cty TNHH UNIPAX. Địa chỉ: 10/12-101/4 KCN AMATA, TP Biên Hoà, Tỉnh Đồng Nai.
Qua nhiều lần phỏng vấn và xem xét, Cty đã chọn những lao động có tay nghề để đi làm việc tại Hàn Quốc. Văn bản có dấu đỏ chữ ký chứng thực của ông Lê Xuân Út, Trưởng Phòng Tư pháp Huyện Thống Nhất (Đồng Nai).
Lộ nguyên hình
Chữ ký của Thứ trưởng LĐ - TB&XH Nguyễn Thanh Hòa tại văn bản số 37, cho phép Cty ChangShin đưa lao động sang Hàn Quốc là thật hay giả? Ông Nguyễn Thanh Hòa, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước - khẳng định, chữ ký bị cắt từ văn bản này dán văn bản kia. Bộ LĐ -TB&XH đã đề nghị công an vào cuộc.
Còn tư cách pháp nhân Cty UNIPAX và chữ ký của ông trưởng Phòng Tư pháp Huyện Thống Nhất thì sao?
PV Tiền Phong xác minh tại Đồng Nai như sau: Ngày 19/5, ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Tổng vụ, Cty TNHH UNIPAX cho biết, Cty chưa bao giờ tuyển (hoặc có kế hoạch tuyển) lao động đi làm việc tại Hàn Quốc cũng như các nước khác.
Cty không ban hành văn bản ngày 2/4/2009 về việc tập trung người tại 149 Giảng Võ, Hà Nội. Ông Yoon Young Ho, người ký tên trong Thông báo, nguyên Tổng Giám đốc Cty UNIPAX đã chuyển sang làm Tổng Giám đốc Cty Moland tại KCN Sông Mây (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) từ tháng 3/2008.
Ông Tiến cho biết thêm, cảnh sát kinh tế, Sở LĐ-TB&XH Tỉnh Đồng Nai, cũng đã đến Cty xác minh sự việc.
Chữ ký (đóng dấu đỏ) của ông Lê Xuân Út, Trường phòng Tư pháp Huyện Thống Nhất (chứng thực cho văn bản Cty UNIPAX) là thật hay giả? Ông Lê Xuân Út nghỉ hưu từ ngày 1/5/2008. Trưởng phòng hiện nay là ông Cao Xuân Đáng. Theo đó, ông Út không thể ký chứng thực cho văn bản trên.
Vở kịch này ai đạo diễn? Đề nghị người lao động đến công an địa phương cung cấp thông tin, cùng tìm ra kẻ đứng đầu. PV Tiền Phong đã chuyển toàn bộ tài liệu vụ này cho Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, và đề nghị phối hợp với công an đưa ra ánh sáng những kẻ lợi dụng chính sách XKLĐ trục lợi.
Hãy dùng đường dây nóng Theo chuyên gia Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, người lao động bị lừa trong đường dây này hoặc gặp tình huống tương tự, để an toàn nên gọi đến đường dây nóng của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước để được trợ giúp: 04.38249517 máy lẻ 311 – 312 – 313. |