Ruột thịt chó có nhiễm phẩy khuẩn tả. Ảnh minh họa: .flickr.com |
Chiều qua, ông Đỗ Lê Huấn - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, cho biết thông tin trên.
Đặc biệt, trong năm mẫu có phẩy khuẩn tả, một mẫu có phẩy khuẩn tả nằm trong đường ruột con chó. Theo nhận định của ông Huấn, đây là điểm mới so với mùa dịch năm ngoái. Các mẫu thịt chó sống, thui đều nhiễm phẩy khuẩn tả. Xét nghiệm thêm mẫu nước thải sau khi làm thịt chó xong đã cho kết quả nước nhiễm phẩy khuẩn tả.
Ông Huấn cũng cho biết, khi tiến hành xác minh thêm, nguồn gốc số chó này có từ huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), ít nhất 20 con/ngày. Chủ hàng giao thịt chó chủ yếu Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Nhật Tân, Mai Động và Hàng Than (Hà Nội).
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong số 182 bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp ở Hà Nội, 70 phần trăm có ăn thịt chó, ba bệnh nhân xác định dương tính với phẩy khuẩn tả.
Kết quả kiểm nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho thấy, 25 mẫu nước ở 18 hồ ao và 55 mẫu nước sạch đều âm tính với phẩy khuẩn tả. Do đó, cơ quan chức năng bước đầu nhận định, thủ phạm của đợt dịch tiêu chảy cấp năm nay là do thịt chó mất vệ sinh, không rõ nguồn gốc.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trước mắt, Sở Y tế yêu cầu bốn cơ sở giết mổ chó tại Dương Nội (Hà Đông) đóng cửa đến khi nào xuất trình đầy đủ giấy tờ đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sẽ cho mở cửa kinh doanh trở lại.
Từ ba ngày nay, Viện các Bệnh Truyền nhiễm & Nhiệt đới Quốc gia mỗi ngày tiếp nhận từ 30 - 40 bệnh nhân tiêu chảy cấp.
Hôm nay, UBND huyện Từ Liêm, Hà Nội ra quân thanh kiểm tra thịt chó. |
Các xét nghiệm thực hiện tại viện cho kết quả hơn nửa số bệnh nhân nhập viện dương tính với phẩy khuẩn tả. Số liệu tính đến tối 13/5 cho thấy, có 105 bệnh nhân tiêu chảy cấp điều trị.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Viện cho biết, điểm khác của đợt dịch này là bệnh nhân nôn và tiêu chảy nhiều, tỷ lệ trụy mạch, tụt huyết áp tăng cao. Tại viện có tám bệnh nhân đang phải cấp cứu vì biến chứng.
Viện dành tầng ba để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp, nhưng có nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, do giường phòng bệnh chật cứng.
Có trường hợp, cả gia đình nhập viện như nhà anh Nguyễn Hồng Sơn (ở Trung Hòa – Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội). Theo lời người nhà bệnh nhân kể lại, cả gia đình ăn thịt chó chế biến sẵn ngoài chợ, và đều nhập viện vì tiêu chảy cấp. Xét nghiệm của viện thực hiện cho thấy 3/4 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả.
Bệnh viện E (Hà Nội) cũng đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân tiêu chảy cấp. Chỉ có 22 giường bệnh tại khoa Truyền nhiễm, nhưng các bác sĩ, y tá của khoa phải điều trị cho 40 bệnh nhân, trong đó có 23 trường hợp nhiễm phẩy khuẩn tả.