Trầm tích Trường Sa

Trầm tích Trường Sa
TP - Trầm tích, với cách hiểu của ngành địa chất là chất do các vật thể trong nước sông hồ biển lâu ngày lắng đọng kết lại mà thành. Theo đó, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều là những ám tiêu san hô tiêu biểu cho vùng biển nhiệt đới Việt Nam.

>> Đoàn đại biểu thanh niên VN thăm đảo Trường Sa lớn

Trầm tích Trường Sa ảnh 1
Lính đảo luôn sẵn sàng bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc  Ảnh: X.B

Năm 1925, sau hai năm nghiên cứu đo đạc và vẽ bản đồ, Tiến sĩ khoa học A. Kempt, Giám đốc Viện Hải học Đông Dương, xác nhận về mặt địa chất và địa hình đáy biển, cũng như Hoàng Sa, coi Trường Sa (nằm về phía đông nam của Biển Đông, gồm trên 100 đảo, đá, bãi cạn, cồn san hô và bãi ngầm tại khu vực biển trong vĩ độ 6 50' B - 12 00' B và kinh độ 111 30' Đ - 117 20' Đ trên vùng biển rộng khoảng 180.000 km2, cách Cam Ranh, Khánh Hòa khoảng 248 hải lý) là sự tiếp nối tự nhiên từ thềm lục địa Việt Nam ra ngoài biển.

Hơi nôm na, theo kết luận của TS KH A. Kemp, nếu mực nước biển hạ xuống chừng 600m - 700m, Hoàng Sa và Trường Sa sẽ dính vào VN như một khối thịt liền!

Thẩm định khoa học của  Giám đốc Viện Hải học Đông Dương khẳng định thêm cứ liệu lịch sử là nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức đội Hoàng Sa và Bắc Hải lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi và xã Cảnh Dương ( Bình Thuận) ra hai quần đảo thu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc nạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp. 

Cùng với nhiệm vụ khai thác hải sản và hàng hóa trên hai quần đảo, nhà Nguyễn còn tổ chức đo đạc, khảo sát, dựng bia, cắm mốc, trồng cây trong các năm 1834, 1835 và 1836.

Thông qua việc khai thác tài nguyên trên đảo liên tục hàng thế kỷ, trên thực tế cũng như về pháp lý, nhà Nguyễn làm chủ hai quần đảo từ khi chúng chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào, làm cho hai quần đảo từ vô chủ trở thành bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.

Mượn thuật ngữ của ngành địa chất, trầm tích là sự lắng đọng và kết thành bên trong một tính chất nào đó, trong loạt bài viết về Trường Sa này, tôi thử mon men đến một dạng tầng vỉa, một thứ trầm tích của lòng người, của tình người...

Kỳ I. Chuyện một vị tướng

Không rõ đại tá Phạm Ngọc Chấn - Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, một trong những thành viên chủ chốt tổ chức chuyến đi Trường Sa trên con tàu HQ- 996 này ngủ vào lúc nào mà tầm khuya lắc lẫn bửng tưng đã thấy ông lúc tha thẩn khi gấp gáp những bước sải dài trên mặt boong.

Tiếng là tháng ba bà già đi biển mà ruột gan chúng tôi luôn lộn tùng phèo xây xẩm mặt mày bởi gặp những cơn sóng nam lẫn nước cường nhồi lắc quá quắt. May đêm thứ hai cuộc hải trình, biển có vẻ yên yên nên chuyện với đại tá Chấn trên mặt boong cữ trăng sắp rằm cơ chừng nối được dài dài...

Qua đại tá, tôi biết thêm những dịp lễ trọng của ngành như 19/7/1946 là ngày ký quyết định thành lập Hải quân Việt Nam. Sự kiện ngày 7/5/1955 thành lập Cục Phòng thủ bờ biển rồi ngày 5/8/1964 đuổi khu trục hạm Maddox, mở đầu cuộc đánh trả cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ tiến công nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được coi là ngày truyền thống của ngành...

Đại tá Chấn có vẻ là một người mặn chuyện. Ngoài trí nhớ khá tốt, ông còn là nhân chứng can dự vào nhiều việc, nhiều sự kiện của ngành mặc dầu mãi năm 1986 ông mới dứt hẳn ngạch bộ binh để sang lính thủy.

Rồi câu chuyện của đại tá Chấn cuốn hút tôi bằng một dự định mà ông và các cộng sự trong quân chủng đang đạt được sự nhất trí cao. Ấy là việc đề đạt lên các cấp có thẩm quyền để đặt tên vị tướng của quân chủng cho một con đường nào đó. Đường trên đất liền hay một đoạn hải trình dằng dặc nào đó ra Trường Sa chẳng hạn...

Con đường đó sẽ mang tên tướng Giáp Văn Cương. Tôi không dám gạn hết cùng vị đại tá chủ nhiệm chính trị nhưng vẫn băn khoăn, tận đến thời điểm này, quân chủng Hải quân có nhiều người đeo lon tướng nhưng chỉ mỗi Thượng tướng Giáp Văn Cương được mang chức danh Đô đốc? (Thượng tướng mất năm 1990, thọ 69 tuổi).

Cái ngày tít xa cậu bé quê ở mạn trung du Bắc Giang được giác ngộ Cách mạng và sau đó xung vào vệ quốc đoàn có ngờ rằng sau này mình được giao phó trọng trách coi sóc giữ gìn lãnh hải của một quân quốc. Vị tướng quân họ Giáp này chuyên liên miên những trận mạc trên bộ tại những vùng rừng núi miền Trung.

Chợt nhớ chuyện của nhà thơ Trần Đăng Khoa từng có bận lưu trú tại một hòn đảo chìm của Trường Sa trong đời lính hải quân đã chứng kiến sinh thời, không ít lần tướng Giáp Văn Cương vào ra ăn ngủ cũng lính ở nhiều đảo.

Có lắm việc cứ như là huyền thoại. Ấy là vào một đêm, tướng Giáp Văn Cương bí mật đột nhập vào một đảo chìm... Một anh thủy quân tân binh nào đó trao cây súng của mình vào tay vị tướng bởi cứ ngỡ đó là đồng đội đến thay gác!

Từng là yếu nhân của quân chủ lực của địa phương trên địa bàn Khu Tư, Khu Năm những năm đánh Mỹ ác liệt... Rồi những năm non sông liền một dải, tướng quân họ Giáp, như những rặng núi miền Trung tự nguyện choài mình ra biển với tố chất của người lính trước chủ quyền và toàn vẹn của lãnh hải quốc gia, ông sang phụ trách ngành Hải quân với cương vị Đô đốc Tư lệnh kiêm Tư lệnh Hải quân Vùng IV.

Dõi theo chuyện, tôi đang miên man nghĩ đến thời điểm cam go nhạy cảm những ngày đầu năm 1988 ấy... Hồi ấy, Đô đốc Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương kiêm luôn Tư lệnh vùng IV Hải quân có mặt ở Cam Ranh lập sở chỉ huy trực tiếp chỉ huy chiến dịch mang mật danh CQ- 88 (Chủ quyền 1988).

Người chỉ huy hải quân cao nhất Vùng IV khi ấy tỏ rõ sự kiên quyết và chủ động (xin trân trọng cảm phục cùng kính cẩn nhắc lại hai từ chủ động ấy) trong chỉ huy quân sĩ của mình quyết giữ chủ quyền quốc gia đối với những hòn đảo thiêng liêng bị xâm lấn!

Và cũng chính Giáp Văn Cương thời điểm nhạy cảm ấy đã chủ động tỉnh táo, góp phần giữ một thế trận toàn cục trên biển lúc đó hết sức mong manh... 

Những năm 80 cuối thế kỷ XX vắt sang thế kỷ XXI rồi nhất là thời điểm khi trên có Nghị quyết có chủ trương lớn về biển về đảo, tại những diễn đàn đây đó trên đất liền hay những chuyến ra với huyện đảo Trường Sa, lương dân lẫn những chuyên gia kinh tế, quân sự nắc nỏm về thế đắc địa của Trường Sa về thể ỷ dốc cho nước Việt này khác của Trường Sa, trí nhớ của chúng ta chả thể vô cảm với những biến cố chưa xa đó.

Bây chừ ngó làn nước thăm thẳm đang loáng ánh vàng xanh, chỉ dấu của độ sâu trên ngàn mét của khu vực biển Trường Sa, tôi cũng như không ít lương dân Việt từng làm quen với những thông tin đại loại, tại vùng biển Trường Sa theo số liệu mới nhất, qua khảo sát, các nhà khoa học Việt Nam đã xác định được 18 họ hải sản với 32 giống và 37 loài và bằng câu vàng, xác định được chín họ hải sản với 13 giống và 14 loài cá, trong đó có các họ cá có giá trị kinh tế cao như cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to và cá thu ngàng.

Cùng với tài nguyên thủy hải sản, vùng nước quần đảo còn là nơi có trữ lượng san hô lớn, có thể dùng sản xuất ra các sản phẩm mỹ nghệ và sử dụng trong lĩnh vực y học.

Bên cạnh đó, khu vực đáy biển thuộc quần đảo Trường Sa còn chứa đựng một trữ lượng dầu khí được đánh giá là rất lớn. Theo số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu Địa chất của Nga năm 1995, khu vực quần đảo Trường Sa có trữ lượng dầu khoảng 6 tỷ thùng và khí chiếm 70 phần trăm vv và vv... 

Vây bọc lấy nguồn lợi kinh tế tầm cấp quốc gia ấy là vành đai, là thế trận của những Đá Lát, những Trường Sa lớn, những Trường Sa Đông, Thuyền Chài, Nam Yết, Sinh Tồn, An Bang, Nhà Giàn... góp nên quần đảo Trường Sa hôm nay.

Giăng giăng những đảo nổi đảo chìm của Trường Sa bây chừ, nếu không có sự chủ động và kiên quyết của vị tướng ngoài biên ải khi đó thì sẽ đổ vỡ bầm dập ra sao trong cái thế mong manh trứng để đầu đẳng? May thay, những gì còn lại của Trường Sa hôm nay là hệ quả của một thế trận chủ động - kiềm chế ngày ấy của các chiến sĩ hải quân Vùng IV cùng thủ lĩnh Giáp Văn Cương! 

Còn nữa

Trầm tích Trường Sa ảnh 2
Giáp Văn Cương sinh năm 1921 tại xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Tham gia hoạt động cách mạng chống Pháp, Nhật từ trước năm 1945.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông từng giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 19 (Trung đoàn 96, Liên khu V) và tham gia trận Đăk Pơ (tháng 6 năm 1954).

Năm 1965, ông được cử làm Sư đoàn trưởng, Sư đoàn 3, Quân khu V. Thời gian tiếp theo, ông tham gia Thường vụ Đặc khu ủy, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng mặt trận 44.

Năm 1974, ông được phong hàm Thiếu tướng, chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1977, được phong làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân và giữ chức vụ này đến năm 1980.

Năm 1984, ông một lần nữa lại được giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Năm 1988, ông được phong làm Đô đốc, Thượng tướng.

Cho đến nay, Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ có duy nhất ông được phong hàm Đô đốc vì theo Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (1999) thì Phó Đô đốc là bậc quân hàm cao nhất của quân nhân giữ chức vụ Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Giáp Văn Cương mất năm 1990 tại Hà Nội.

Xuân Ba

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.