Công văn nêu rõ lô hàng trên chỉ có 5% khối lượng tạp chất, trong đó lượng chất thải nguy hại chứa trong 5% tạp chất ấy không vượt quá giới hạn nguy hại cho môi trường. Vì vậy, việc tiêu hủy chỉ cần tiến hành đối với 5% tạp chất trên, 95% khối lượng còn lại trong lô hàng được tái sản xuất.
Tuy nhiên, công văn không nêu rõ ai sẽ được quyền “tái sản xuất” đối với 95% lô hàng này. Cũng trong ngày hôm qua, UBND TP Đà Nẵng có công văn (số 5170/UBND - QLĐTh) giao Sở TN&MT giám sát việc phân loại tiêu hủy; giao Cty Môi trường đô thị (thuộc Sở TN&MT) thực hiện việc tiêu hủy.
Ngoài ra, công văn còn yêu cầu Cty CP thép Thành Lợi chuyển toàn bộ lô hàng cho Cty Thép Đà Nẵng – Ý để tiến hành phân loại các tạp chất cần tiêu hủy.
Hôm qua, 27/8, theo tìm hiểu của chúng tôi tại Sở Kế hoạch Đầu tư TP Đà Nẵng, Cty CP thép Thành Lợi và Cty CP Thép Đà Nẵng – Ý là cùng một chủ. Như vậy, Cty CP Thép Thành Lợi là “ông anh” nhập rác “bẩn” và “ông em” là Cty CP Thép Đà Nẵng – Ý được giao quyền phân loại.
Trao đổi với PV Tiền phong, ông Nguyễn Tiến Thọ - Cục trưởng Hải quan Đà Nẵng cho hay, theo luật, thuế nhập khẩu đối với thép thành phẩm, thép phôi… là 10%, còn đối với thép phế liệu là 0%.