Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình:

Cải cách hành chính để phòng, chống tham nhũng

Cải cách hành chính để phòng, chống tham nhũng
Cải cách hành chính sẽ mở cánh cửa công khai hóa và minh bạch hóa, tạo thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc minh bạch phải được coi là tôn chỉ mục đích để ai cũng phải thực hiện.
Cải cách hành chính để phòng, chống tham nhũng ảnh 1
Hình minh họa. Ảnh: Fotosearch

Bên lề Hội thảo quốc tế “Chống tham nhũng và cải cách hành chính”, diễn ra ngày hôm nay 25/6, tại Hà Nội, ông Mai Quốc Bình, Phó Tổng Thanh tra thường trực Thanh tra Chính phủ, đã nói như vậy trong có cuộc trao đổi với phóng viên về mối liên quan giữa phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính.

- Xin ông cho biết phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính có mối liên quan với nhau như thế nào?

- Cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng là hai vấn đề nhưng lại có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Nếu chống tham nhũng mà không cải cách hành chính thì sẽ không đạt được kết quả tốt.

Công chúng luôn mong muốn minh bạch mọi vấn đề liên quan đến chủ trương chính sách của Nhà nước, đặc biệt là những vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, các tổ chức và các doanh nghiệp.

Muốn có được sự minh bạch này, chúng ta phải đẩy mạnh cải cách hành chính.

Và chính cải cách hành chính sẽ mở cánh cửa công khai hóa và minh bạch hóa, tạo thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc minh bạch phải được coi là tôn chỉ mục đích để ai cũng phải thực hiện.

Để thực hiện được điều này, theo tôi, đầu tiên phải cải cách về thể chế, bao gồm: pháp luật, chủ trương, chính sách... làm sao cho người dân hiểu, cũng như tạo điều kiện cho họ giám sát để đem lại sự minh bạch.

Để cải cách tốt phải có sự phối hợp và giám sát từ Trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm tính khả thi của các quyết định và hạn chế tối đa những mất mát của cá nhân, tổ chức hay các doanh nghiệp.

Trên lĩnh vực tài chính công, các hiện tượng tiêu cực như tham ô, lãng phí, bòn rút, cắt xén còn khá phổ biến. Do vậy, chúng ta phải tìm cho ra cơ chế để minh bạch nguồn vốn do Nhà nước đầu tư và phải giám sát được nó. Tuy nhiên, phải xác định rằng đây là vấn đề không hề đơn giản.

- Theo thống kê, từ khi có Luật Phòng, chống tham nhũng ra đời, số các vụ án tham nhũng không giảm đi mà còn có chiều hướng gia tăng, xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

- Tôi cho rằng cần có những con số thống kê cụ thể của các tổ chức phòng, chống tham nhũng xem tình hình gia tăng đó do đâu, liệu có phải bản thân việc tham nhũng gia tăng hay do lâu nay ta không phát hiện ra mà bây giờ nhờ công tác phòng, chống tham nhũng mà phát hiện ra nhiều.

Đây quả thực vẫn là một ẩn số đòi hỏi chúng ta phải tìm ra lời giải.

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng và chúng ta đã thực hiện rất quyết tâm, nhưng càng làm thì càng thấy phức tạp và danh sách các vụ tham nhũng càng dài ra.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng việc phát hiện ra nhiều như vậy là dấu hiệu hết sức tích cực, đáng ghi nhận.

- Tổng kết một năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, có tới 14/15 số vụ liên quan đến doanh nghiệp, ông có nhận xét gì về con số trên?

- Về vấn đề này, Thanh tra đã có nhiều cuộc hội thảo để tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục, song một nguyên nhân căn bản là do khâu quản lý nhà nước ở các cấp còn yếu kém nên đã tạo kẽ hở cho những đối tượng tham nhũng khai thác.

Đối với doanh nghiệp thì mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận nên họ tranh thủ mọi lợi thế trong kinh doanh, tìm mọi cách để tạo ra những mối quan hệ tốt với những người ra những quyết định ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Chính vì thế, họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền nào đó để đạt được mục đích của mình.

Vấn đề này xảy ra ở mọi quốc gia chứ không riêng gì Việt Nam. Vì vậy muốn chống được những tiêu cực này thì mọi cái phải được minh bạch hóa.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Mạnh Hà
TTXVN

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm