Mở rộng thủ đô: Cán bộ lo lép vế, dân lo nghèo

Mở rộng thủ đô: Cán bộ lo lép vế, dân lo nghèo
TP - “Bộ máy hai tỉnh nhập vào, không có cán bộ nào bị loại, nhưng có sở sẽ có tới 15 cán bộ cấp phó. Vậy, phải làm sao để người dân thấy bộ máy không quá cồng kềnh, không sách nhiễu dân?”

>> Mở rộng Thủ đô sao đơn giản đến vậy?
>> Lùi thời điểm mở rộng Hà Nội
>> Đừng biến Thủ đô thành nơi thử nghiệm
>> Mở rộng Thủ đô và quyền được thông tin

Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam nói  về lo ngại của cán bộ, nhân dân được đưa ra tại hội nghị của UBTƯ MTTQ Việt Nam, hôm qua (25/4).

Mở rộng thủ đô: Cán bộ lo lép vế, dân lo nghèo ảnh 1
Hà Nội mở rộng có diện tích hơn 3 ngàn km2

Làm ngược!

Hội nghị này lấy ý kiến đóng góp cho phương án mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, Bộ Xây dựng thuyết trình đề án.

“Bản thuyết trình của Bộ Xây dựng chưa thuyết phục”- GS Vũ Đình Bách - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế UBTƯ MTTQVN nói. Ông Bách phân tích: Lý do mở rộng Hà Nội chưa rõ. Chắc chắn không phải vì dân số tăng, hay vì khoa học-kỹ thuật, xã hội không đẩy lên được, phải mở rộng. Khi mở rộng thì tác động, khó khăn thế nào, chưa được đề cập. Kinh nghiệm cho thấy “lý thuyết hay, nhưng thực tế ngược lại”.

Chẳng hạn, quy hoạch các trường đại học ở Hòa Lạc rất hay, nhưng không thấy có trường nào chịu lên đó. Nếu lý giải để giảm ách tắc giao thông, vậy khi nhập Hà Tây vào có hết tắc không? Thế giới có nhiều bài học về quy hoạch, như Thái Lan đang phải trả giá về giao thông.

Xu hướng hiện nay là thành lập các đô thị vệ tinh, giảm áp lực nội đô, nhưng ta thì làm ngược lại, kéo dân cư về thủ đô. Ngay như Bắc Kinh của Trung Quốc, cũng không thấy tập trung cơ sở sản xuất. Sản xuất được đưa ra những vùng khác. “Hà Nội không nhất thiết phải có nhiều trường đại học, nhiều sân bay”- GS Bách nói.

“Dư luận tỏ ra lo lắng, đã quá tam ba bận Hà Nội được tách nhập như vậy” - Ông Nguyễn Túc, Ủy viên UBTƯ MTTQ nói. Ông Túc đặt câu hỏi phản biện: “Vậy có gì đảm bảo lần mở rộng này là đúng hay không đúng. Phương án chưa thuyết phục. Còn nói dân đồng tình, có thể là vì giá đất lên, người dân được làm người thủ đô, nhưng cán bộ thì chưa hẳn”! “Làm cập rập quá, việc to mà làm đột xuất: Hôm qua nhận giấy mời, hôm nay nhận tài liệu”- Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Cư Hòa Vần phàn nàn về cách tổ chức hội nghị.

Ông cho đây là cách làm không ổn, bàn việc đã rồi - khi thủ đô mới đã có ranh giới rồi. “Nếu không có điều kiện để người dân cho ý kiến, ít nhất cũng nên có điều tra xã hội học xem bao nhiêu người dân đồng tình chủ trương mở rộng thủ đô”- Ông Vần nói.

Ông cũng cho rằng, cách ra nghị quyết của HĐND TP Hà Nội để mở rộng địa giới vào một tỉnh khác là không ổn! Có thể xem xét mở rộng Hà Nội nhưng mở như hiện nay thì không ổn.

1/7/2008 vận hành bộ máy mới: Quá khó!

Mở rộng thủ đô: Cán bộ lo lép vế, dân lo nghèo ảnh 2
Một góc Hà Nội hiện nay. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Ông Vũ Trọng Kim nói về băn khoăn của cán bộ, nhân dân: “Hà Nội nhỏ quản lý còn chưa tốt, nay mở ra gấp 3 lần, công tác lãnh đạo, quản lý phải nâng lên tương xứng. Vậy đã chuẩn bị tốt chưa, đề nghị Chính phủ suy nghĩ”.

Ông Kim tiếp: Hà Tây đã 7 lần tách nhập vào Hà Nội, lâu nhất được 12 năm (có 6 huyện của Hà Tây nhập về Hà Nội). Lần này, không biết thế nào? Nông dân, nông nghiệp khó được quan tâm, có xảy ra tình trạng nông thôn hóa thành thị? Hà Tây đang tăng trưởng hơn 13,6%, khi nhập vào Hà Nội, mức sống sẽ thế nào?

Ông Nguyễn Túc phân tích thêm: Hà Nội hiện có 3 vấn đề: Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, chống lạm phát, công tác cán bộ. Hà Nội đang làm rất khó khăn nay lại thêm Hà Tây, “ốc có mang nổi mình ốc” không? Dư luận cho rằng, khi hợp nhất nhiều cán bộ sẽ chỉ ngồi “án binh bất động”, không dám làm gì, lo lép vế.

Ông Túc cho rằng, nếu theo báo cáo của Bộ Nội vụ, từ 1/7 sẽ vận hành ngay bộ máy mới sẽ quá khó. Ông cho rằng, cần có bước đi phù hợp. “Giải quyết vấn đề cán bộ chủ chốt là quan trọng. Sự việc Bí thư tỉnh ủy Cà Mau mấy ngày nay rất đáng suy nghĩ”- Ông Túc nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ-thành viên UBTƯ MTTQVN thẳng thắn: “Nếu thay đổi thì phải tốt hơn, còn nếu bằng hoặc kém hơn thì không nên làm”. Bà Mỹ nói, sẽ có một bộ phận người dân nông thôn kéo vào đô thị, họ sẽ chỉ là những người dân nghèo hơn. “Không thể lập luận kiểu tỉnh chật thì được lấn tỉnh khác, xã chật thì lấn xã khác để mở địa giới”- Bà Mỹ nói.

Từ 1/7/2008, vận hành bộ máy hành chính mới Thủ đô Hà Nội

Báo cáo Mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội do Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn đọc, nêu rõ: Sau khi có nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ quyết tâm chỉ đạo bộ máy chính quyền, các cơ quan chuyên môn của Thủ đô Hà Nội mới đi vào hoạt động từ 1/7/2008. Cũng theo báo cáo, Hà Nội sẽ  mở rộng lên 33,4 ngàn km2 (gồm trọn Hà Tây, Mê Linh (Vĩnh Phúc), 4 xã huyện Lương Sơn (Hòa Bình), dân số 6,23 triệu người.

Ý kiến bạn đọc

Giangnt, Email: tgiang2203@yahoo.com

Thời gian này theo dõi thông tin trên báo chí, tôi rất quan tâm đến đề án mở rộng thủ đô, cái gợn ở đây đúng như ý kiến nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát biểu, ảnh hưởng của đề án này đến dân sinh là quá lớn, nhưng cách thực hiện lại rất vội vàng.

Tôi rất mong Quốc hội sẽ có cái nhìn sáng suốt, thay mặt nhân dân để chỉ phê duyệt khi đã thực sự nhìn thấy tính khả thi và hiệu quả của đề án. Trân trọng !

Tran Doai, Email: trandoai@gmail.com

Theo tôi việc mở rộng Hà Nội là cần thiết nhưng sáp nhập cả Hà Tây và một phần của các xã, huyện lân cận vào Hà Nội để có được không gian rộng như vậy thì không hợp lý cho lắm.

Vấn đề ở chỗ Hà Nội lấy đâu ra tiền để đầu tư CSHT. Như chúng ta thấy muốn đô thị thì CSHT phải có sự đầu tư như khu Mỹ Đình chẳng hạn. Vấn đề quan trọng nữa là giải quyết công ăn việc làm, nâng cao dân trí và rất nhiều vấn đề khác.

Hà Tây sẽ bị xóa sổ trong khi đó mảnh đất này đã tồn tại bao năm nay. Theo tôi chỉ nên mở rộng Hà Nội bằng cách lấy thêm một số huyện lân cận như Hà Đông, Thường Tín là được và đầu tư để nó thành đòn bẩy thúc đẩy các vùng lân cận phát triển. Mở rộng phải đi đôi với phát triển chứ không phải chỉ để mở rộng mà thôi.

Ta Anh Tuan, Email: ta.tuan2@gmail.com

Tôi đồng tình với ý kiến của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc mở rộng thủ đô. Chúng ta quá nóng vội thông qua đề án quy hoạch mở rộng thủ đô, theo tôi nghĩ phải chăng Thủ đô Hà Nội hiện nay đang thiếu đất cần không gian thoáng rộng đó là thực tế, nhưng không phải vì thế mà chúng ta đánh mất đi giá trị văn hoá lịch sử ngàn năm văn hiến của thủ đô, khi mở rộng thủ đô dân cư tăng lên kèm theo một loạt vấn đề về xã hội trong đó nó ảnh hưởng trực tiếp bản sắc văn hoá của người thủ đô có từ ngàn năm.

Mỗi khi tôi xem trên truyền hình Hà Nội có chương mục Người Hà Thành tôi rất tự hào về lối sống và những di sản văn hoá của Hà nội, khi thủ đô được mở rộng liệu giá trị văn hoá đó có còn hay không? vấn đề này Bộ xây dựng là cơ quan tham mưu cho Chính phủ cần phải xem xét và thảo luận với các Bộ ngành liên quan để có phương án tốt nhất trình Chính phủ.

Đỗ Bảo Hưng, Email: baohungdo@yahoo.com

Qua bài viết của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc mở rộng Hà Nội một cách rất đơn giản, nhanh chóng như vậy chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này.

Việc mở rộng thủ đô Hà Nội không thể một sớm một chiều quyết định một cách rất nhanh chóng như vậy (Hàng loạt HDND các tỉnh, thành phố tán thành một cách tuyệt đối ?!) mà chưa xét đến rất nhiều các yếu tố khác.

Các ý kiến này đã được thể hiện một cách rất chi tiết, sâu sắc và có cái nhìn một cách rất tổng quát như ý kiến của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Là một kỹ sư xây dựng, tôi mong muốn Chính Phủ, Quốc Hội nghiên cứu vấn đề này thật kỹ lưỡng, thật thấu đáo đối với phương án mở rộng Thủ đô, liệu thời điểm này đã thích hợp hay chưa trong khi ngay chính bản thân Thủ đô hiện tại còn hàng loạt các vấn đề chưa được giải quyết như:

Hệ thống quy hoạch kiến trúc rất buông lỏng, các kiến trúc công trình không theo một định hướng rõ ràng, hệ thống giao thông công chính yếu kém, các công trình công cộng phục vụ lợi ích xã hội như bệnh viện, trường học đều xuống cấp và thiếu trầm trọng và hàng loạt các vấn đề bức xúc khác của người dân thủ đô.

Rất mong Chính phủ, Quốc hội xem xét lại các ý kiến của một người dân như tôi./.

Hoàng thị Hoa, Email: hoahoangthi65@yahoo.com.vn

Ý kiến của ông Võ Văn Kiệt rất nên xem xét. Tôi cho là nên làm thêm 2 việc nữa :

1. Đấy là bàn một chút về mấy lần sáp nhập, tách ra của những năm trước đây. Tại sao đã từng sáp nhập lại tách ra.

2. Cần làm rõ thêm kinh phí dự kiến chi tiêu cho việc sáp nhập dự kiến sẽ là bao nhiêu ? Làm gì cũng cần biết trước cái phí phải trả và cái lợi cần phải đạt được.

Không làm rõ được 2 điều trên đây, việc sáp nhập (nếu xảy ra) có thể kéo theo tổn thất chưa lường trước.

Nguyễn Hà

Đọc ý kiến của nguyên Thủ tướng, tôi rất đồng tình với những nhận định và đánh giá khách quan của Ông. Đề án mở rộng thủ đô mới chỉ là ý tưởng, thế nhưng, mới chỉ một số cơ quan cho ý kiến (UBND, HDND, MTTQ, Chính phủ) mà cứ như là nó đã được thông qua tại QH. Trong khi thẩm quyền điều chỉnh địa giới hành chính thuộc về QH.

Chưa kể, đề án này cũng rất chung chung, chưa thuyết phục được nhiều người, nhất là giới khoa học, người dân- những người ảnh hưởng trực tiếp bởi sự mở rộng của dự án. Do vậy ý kiến đề xuất nên tổ chức lấy ý kiến nhân dân là đáng lưu ý.

Hà Nội hiện tại còn quá nhiều vấn đề, từ hệ quả của việc bộ máy quản lý hành chính kém, không hiệu quả, năng lực cán bộ yếu, các vấn đề về đất đai, môi trường, giao thông, trật tự xã hội (ngay đến câu chuyện ngôi nhà bị bít cửa đi, mà đến hơn 2 năm, cũng còn chưa giải quyết được; hay câu chuyện, đến sống giữa Thủ đô, mà nhiều khu vực dân cư vấn phải dùng nước giếng khoan vì không đủ nước, ô nhiễm môi trường...).

Mong QH sáng suốt khi đưa ra quyết định quan trọng này vì không chỉ tương lai 10 năm hay 20 năm, mà còn tấm nhìn cho cả tương lai. Một đề án chuẩn bị kỹ càng, tính khả thi sẽ cao hơn.

Gia Huong Giang, Email: giahuong_65@yahoo.com

Chúng ta hãy thử tra Từ điển xem định nghĩa Thủ đô là gì? Thủ đô phải là sự tập hợp những sự vật, những hình tượng, những nét văn hoá... mang tính chất " tinh tuý" chứ không thể xô bồ, kệch cỡm. Thủ đô không phải là sự " to lớn" mà không " hài hoà"..., " phát triển" nhưng không "hoà tan"...

Chúng ta chẳng cần phải có những phát minh gì mới, chỉ cần phát triển các thành phố vệ tinh bao quanh thủ đô có cơ sở hạ tầng văn minh và hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong cả nước một cách tương đối đồng đều và bình đẳng về mức sống, mọi người dân đều có thụ hưởng những thành quả của nền kinh tế đất nước mang lại... thì chắc chắn, tất cả chúng ta, từ bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam sẽ chẳng dại gì mà bỏ quê cha đất tổ để tìm kiếm công ăn việc làm ở xa nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình...

Như vậy, chẳng có thành phố nào lại ùn tắc, đất chật người đông như Hà nội và Hồ Chí MInh và một số thành phố khác hiện nay. Hãy để mọi người dân được tham gia ý kiến về việc " Mở rộng Hà nội" trước khi đi đến quyết định cuối cùng.

Trần Thị Thu Thuỷ, Email: thuyttt_178@yahoo.com.vn

Có nên hỏi ý kiến người dân ?

Sau khi được biết về chủ trương mở rộng Hà Nội tôi có rất nhiều băn khoăn. Đồng ý là thủ đô ta cần được phát triển và mở rộng cho xứng đáng với vị thế của trái tim cả nước, tuy nhiên tôi băn khoăn tự hỏi liệu các nhà hoạch định, các cấp lãnh đạo đã nghĩ kỹ hay chưa đã chuẩn bị sẵn sàng hay chưa ?

Tôi cũng tự hỏi liệu có bao nhiêu người dân thủ đô giống như tôi cảm thấy có gì đó chưa thật sự sẵn sàng hay nói đúng hơn là cảm thấy bất ổn. Tôi không muốn thấy một Hà Nội lại xuất hiện thêm những vùng sâu vùng xa hay những huyện nghèo như Đông Anh, Sóc Sơn... 

Tôi thiết nghĩ tại sao không lấy ý kiến người dân thủ đô hỏi họ xem họ nghĩ gì về việc này biết đâu chúng ta lại thu được những ý kiến đóng góp thiết thực và bổ ích vì nhà nước ta làm gì cũng đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu mà.

Hoàng Hà, Email: hoangha122@yahoo.com

Cần xem xét kỹ về vấn đề này!

Không phải là có cái tên ''Thủ đô", thì mới ''khác'' được. Chúng ta nên xây dưng một đất nước phát triển đồng đều, không nên chỉ thu hút người dân tập trung ở những nơi có tên tuổi trong nước, mà hướng giải quyết tốt là nên xây dựng các vệ tinh thành phố lớn thì tốt hơn. Nên suy nghĩ theo hướng hiện đại.

Nguyễn, Email: francnguyenquang@yahoo.fr

Liệu có trở thành một Cairo hay một Mexico City mới ?

Với trình độ quản lí đô thị như hiện nay thì nếu mở rộng, sợ rằng Hà Nội sẽ trở thành một Cairo hay một Mexico City mới. Khu trung tâm còn giữ được vài vẻ đẹp nhờ những kiến trúc cổ và thuộc địa rồi sẽ ra sao ? Khách du lịch sẽ không đến nữa và những người con Hà Nội xa xứ sẽ chỉ còn ngậm ngùi, luyến tiếc.

Sao không phát triển hệ thống đô thị vệ tinh được nối với trung tâm Hà Nội bằng hệ đường sắt cao tốc. Ví dụ như Hải Dương- Hà Nội chỉ trong 30 phút đi tàu. Nhiều cơ quan trung ương, nhiều trường đại học sẽ không nhất thiết phải ở lại trung tâm Hà Nội.

Như thành phố Paris, mà tôi đang sống, nhiều cơ quan của thành phố đóng ở tỉnh ngoài. Nhiều người có điều kiện có xu hướng sống ở các đô thị nhỏ xinh đẹp ở ngoại vi. Nhưng họ vẫn có thể tận hưởng những thiết chế văn hoá ở khu trung tâm nhờ hệ thống giao thông thuận tiện.

Ví dụ như bạn sống ở Hải Dương nhưng bạn vẫn có thể xem kịch ở nhà hát Tuổi Trẻ, đi và về ngay trong một buổi tối.

Một quyết định ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng nhiều đến mai sau. Mong các nhà làm chính sách cân nhắc.

Nguyễn Tấn Thanh

Việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, theo tôi không phải là vấn đề của riêng Hà Nội mà là vấn đề của quốc gia, trong khi chưa nghe quốc hội nói gì thì sao đã có phương án mở rộng ?

NGUYỄN ĐỨC THẠCH 188/23 THỐNG NHẤT - PHAN RANG - NINH THUẬN; Email: THACHGIATRANGONLINE@YAHOO.COM

Khi "Người Tràng An" mặc " Áo lụa Hà Đông" ?

Không đủ tầm để bàn về đại sự, về “quốc kế dân sinh”, đành gửi lên đây chút âu lo nhỏ bé cho thủ đô ngàn năm văn hiến và cho “đất trăm nghề” đã đi vào những vần điệu ngân nga . Mai này phố mới sẽ mọc lên trên những thùng đào, thùng đấu ; địa giới hành chính được mặc định sẽ trở nên quen thuộc để xóa nhòa những gì có thể định lượng … ai dám chắc người Tràng An có thể tự hào về áo lụa Hà Đông?

Vượt một con sông, qua một ngọn đèo thì phong tục bắc nam đã khác. Mỗi miền quê Việt thường được âu yếm định danh bằng một biểu tượng núi sông chứa đựng bao nỗi niềm riêng và nét văn hóa quê kiểng nghìn đời. Dù trải qua bao dâu bể, những nét riêng đôi khi đến mức cực đoan, bảo thủ vẫn là phần hồn không thể lãng quên, là niềm thương nỗi nhớ của những người quê mang nặng tình quê.

Sự tách – nhập trong quá trình phát triển lắm khi gây nên những vết thương văn hóa, xói mòn và xóa nhòa phong vị riêng của những miền thương nhớ.

Còn bây giờ, thủ đô Thăng Long của ngàn năm lại sáp nhập với miền quê lụa thì e rằng có những nỗi buồn đến muôn đời chẳng thể nguôi ngoai. Một văn hóa Tràng An, văn hóa thủ đô có thể nào hòa chung với một miền văn hóa khác? Một vùng đất trăm nghề, một vùng “xứ Đoài mây trắng” có thể nào biến mình thành “mây ở đầu ô”?

Nếu chúng ta phạm sai lầm, nét văn hóa lỡ phôi pha có bao giờ tìm lại được. Nhắc đến hai chữ “thủ đô” hay “Hà Nội” chúng ta sẽ nghĩ về miền đất nào? Quen thuộc nhất là nghĩ về nơi được ba sông bao bọc: “Nhị Hà qua bắc sang đông/ Kim Ngưu, Tô Lịch thì vòng phía tây”, về “ba mươi sáu phố phường”. Rộng hơn chút nữa ta sẽ có thể “hướng ra Đống Đa , Cầu Giấy”.

Ngay những vùng đất đã hay đang thuộc về Hà Nội thì Gia Lâm , Long Biên cũng chỉ gợi nhớ về “vùng ven đô” còn một phần Bắc Ninh từng thuộc về Hà Nội ngày xưa hay huyện Sóc Sơn bây giờ thì chỉ là “đất thủ đô” trên giấy tờ hành chính, chưa bao giờ mang lại cảm giác rõ nét trong tâm hồn.

Thủ đô bắt buộc phải là trung tâm chính trị của quốc gia nhưng không nên buộc thủ đô phải là trung tâm, là đầu tàu kinh tế một cách khiên cưỡng. Có mở rộng địa giới thủ đô thì New - Delhy hay Buda - Pest vẫn cố tách bạch để giữ nét riêng của hai miền văn hóa đấy thôi. Ngay cả siêu cường số một thế giới thì thủ đô của họ cũng chỉ là Washington D.C , một thành phố “nhỏ bé” nếu so sánh với siêu đô thị New York nhưng chẳng người Mỹ nào băn khoăn về “tầm vóc của thủ đô”.

Hà Nội , Hà Tây đều là những vùng đất lắng đọng văn hóa nghìn năm. Nếu Hà Nội mang tính “độc bản” của văn hóa thủ đô không thể trộn lẫn thì Hà Tây là “đất hai vua”, “đất trăm nghề” , là thương hiệu “xứ Đoài mây trắng”.

Kết hợp hai vùng về địa giới thì chẳng mấy khó khăn nhưng tạo nên một nét văn hóa thủ đô chung cho cả hai thì lại là điều không thể. “Đôi mắt người Sơn Tây” xa xứ chỉ có thể ngóng về Bất Bạt, Sài Sơn… còn tâm hồn người Hà Nội mãi lung linh một Tháp Rùa soi bóng nước Hồ Gươm, chẳng ai đổi chỗ cho nhau được.

Có một Hà Nội Mới , ai là người thương tiếng lách cách thoi đưa Vạn Phúc, ai sẽ thả hồn theo tiếng chuông gõ nhịp ở Bưu điện Bờ Hồ?

Ta không thể tin áo lụa Hà Đông giữa cái nắng Sài Gòn sẽ giúp lòng người nhớ về Hà Nội! Dẫu “cô gái Suối Hai , chàng trai Cầu Giẽ” có thể vui mừng trở thành công dân của thủ đô…

Hồ Bá Minh, Email: peace.co.vietnam@gmail.com

Tôi được biết ở các nước phát triển những nước có thế mạnh về truyền thống sản xuất nông nghiệp như Israel, Úc, Mỹ… người dân vùng chuyên nông họ không thích chen ra thành phố để sinh sống mặc dù họ rất giàu có.

Một phần trăm lý giải cho vấn đề này là nhà nước rất quan tâm đến cơ cấu nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, sạch là thật sạch, có hệ thống bảo quản tốt thông các nhà lạnh, hệ thống kiểm tra chất độc hại một cách nghiêm túc, và vận chuyển đến tận tay người tiêu thụ chỉ trong vòng 2-3h đồng hồ,.. nông sản có giá trị cao, nhà nông giàu có.

Nếu chúng ta quan tâm đến đời sống vật chất định hướng đúng, sản xuất đúng, tiêu thụ đúng, giá trị đúng, và đời sống tinh thần, thông tin liên lạc... Tôi tin chắc nhiều người hiện đang sống thành phố lớn tự bỏ đô thị và đầu tư về nông thôn để làm ăn sinh sống, để làm nông nghiệp.

Khi nào người thành phố không còn dùng từ “Đồ nhà quê” thì khi đó gia tăng áp lực đô thị sẽ không còn. Thành phố sẽ rộng thênh thang ta bước.

Lại nói về chuyện mở rộng Hà Nội, phải chăng ta thấy rằng Hà Tây đất đang rộng, người đang thưa, sát nhập vào để giãn sức căng ra. Xin mạo muội cho ý kiến rằng, nếu sát nhập ngay thì gia tăng áp lực đô thị sẽ không giảm vì ta chưa giải quyết hai bài toán một về nông thôn hai về quy họach không gian và quy họach sử dụng đất.

MỚI - NÓNG